Tham nhũng, tiêu cực - dù là “tham nhũng vặt” - cũng gây ra nhiều hệ lụy, nhất là làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Do đó, việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kể cả “tham nhũng vặt” hay tham nhũng ở cấp cơ sở, đều phải được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả ở mọi ngành, mọi cấp trong hệ thống chính trị. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở hiệu quả cũng là một cách để xây dựng những giá trị văn hóa tốt đẹp từ gốc.
Cán bộ, công chức phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TPHCM) giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: Thu Hường |
Phòng ngừa từ cơ sở
Thời gian qua, người dân đã không còn quá lạ với những quyết định kỷ luật, những bản án nghiêm khắc dành cho một số cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những cán bộ cấp cao liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Người dân tin tưởng vào quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng kỳ vọng của nhân dân chưa dừng lại ở đó. Bởi vì tham nhũng, tiêu cực ở nhiều nơi, nhất là ở cơ sở - là nơi người dân có quan hệ trực tiếp với chính quyền, với đội ngũ cán bộ, công chức - vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa được ngăn chặn.
Những hành vi nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt” của cán bộ, công chức khi xử lý hồ sơ, giấy tờ, công việc hành chính của người dân và doanh nghiệp vẫn là hiện tượng dễ gặp. Một cán bộ công an quận Gò Vấp (TPHCM) mới đây bị xác định đã lợi dụng vị trí công tác để trục lợi trong việc cấp căn cước công dân, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của lực lượng Công an TPHCM là một ví dụ. Hay, trong khi cả thành phố căng mình phòng chống dịch Covid-19 trong điều kiện khan hiếm vaccine ngừa Covid-19 thì có những cán bộ đã móc nối đưa người chưa thuộc diện ưu tiên tiêm vaccine vào tiêm ngừa để nhận tiền bỏ túi riêng.
Có thể thấy, tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở cơ sở cũng gây nên những hậu quả to lớn không kém so với ở những cấp cao hơn. Trước tiên, nó gây xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp, vì người chịu thiệt hại trực tiếp và trước mắt qua những lần phải chung chi, lót tay cho cán bộ, công chức chính là họ. Điều này có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn khi “tham nhũng vặt” đã và đang hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực, từ quản lý hành chính, quản lý kinh tế đến y tế, giáo dục…
Đặc biệt, theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, phần lớn những người chịu ảnh hưởng của nạn “tham nhũng vặt” chính là những người có thu nhập thấp, người lao động nghèo. Do đó, sự bức xúc, sự giảm sút niềm tin sẽ lan rộng hơn trong xã hội. Một khi niềm tin đối với các cơ quan chính quyền cấp cơ sở và cán bộ, công chức ở đây đã mất đi thì khó có niềm tin ở những cấp cao hơn.
Về lâu dài, nếu tham nhũng, tiêu cực ở cấp cơ sở không được ngăn chặn sẽ trực tiếp góp phần làm hư hỏng những cán bộ ở cấp cao hơn sau này. Vì hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đều trưởng thành từ cơ sở. “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”, cho nên, nếu đã “quen tay” với những hành vi tham nhũng, tiêu cực từ sớm và từ trẻ thì không có gì chắc chắn rằng sau này ở cương vị công tác cao hơn họ lại không có những việc làm gây hậu quả nặng nề, nghiêm trọng hơn. Do đó, chống tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở chính là một cách phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực cho các cấp cao hơn về sau.
Xây dựng giá trị tốt đẹp từ gốc
Một hậu quả khác đối với xã hội dưới góc độ văn hóa, đó là những hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức ở cấp cơ sở không chỉ làm giảm sút tính trung thực mà còn góp phần làm lan rộng sự giả dối, nhất là ở thế hệ trẻ. Sẽ khó có một xã hội trung thực, văn minh khi những hành vi “tham nhũng vặt” diễn ra ở mọi nơi, mọi lĩnh vực. Do đó, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở cũng là một cách để xây dựng những giá trị văn hóa tốt đẹp từ gốc.
Từ tất cả hệ lụy mà tham nhũng, tiêu cực tại cơ sở gây ra, có thể thấy cuộc chiến này sẽ còn phức tạp và lâu dài. Do đó, việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một bước ngoặt có tính quyết định hiện nay, khi mà thật sự sẽ không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Điều này cũng đưa đến một kỳ vọng của người dân là sắp tới sẽ có nhiều hơn nữa những hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức ở các địa phương, nhất là ở cấp cơ sở, sẽ bị xử lý một cách nghiêm minh cả bằng kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Làm được như vậy, trước hết sẽ góp phần lành mạnh hóa những quan hệ xã hội, gồm: quan hệ giữa người dân với cán bộ, đảng viên; quan hệ giữa doanh nghiệp với chính quyền; và quan hệ giữa người dân với nhau. Qua đó, không chỉ góp phần từng bước củng cố niềm tin của nhân dân mà còn sẽ thực sự huy động được sức dân vào cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực một cách rộng rãi. Bởi vì không ở đâu chịu sự kiểm tra, giám sát một cách trực tiếp từ người dân như ở cấp cơ sở. Mỗi hành vi, việc làm của cán bộ, đảng viên ở đây đều được nhân dân ghi nhận và phản ánh. Nếu việc chống tham nhũng, tiêu cực được lan tỏa sâu rộng đến tận nơi thấp nhất trong hệ thống chính trị thì sẽ tạo ra sự khuyến khích, động viên rất lớn để mỗi người dân tham gia một cách thiết thực nhất, bằng những việc làm cụ thể nhất. Đó chính là cách làm hiệu quả nhất nhằm thực hiện phương châm dựa vào dân để phòng chống tham nhũng, tiêu cực; dựa vào dân để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
TS THẠCH KIM HIẾU - Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM
(Dẫn nguồn SGGPO)