Thăm khu du lịch sinh thái Hầm Hô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kết thúc dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, mọi việc quay trở lại guồng quay của nó. Duy chỉ có những kỷ niệm của mỗi chuyến đi là còn đọng mãi, như bịn rịn khó rời. Chị Thu Nga (phường Hoa Lư-TP. Pleiku) là người con dâu miền đất võ Bình Định không khỏi vui mừng vì được nghỉ lễ dài ngày về thăm quê, chị nói: “Dịp này gia đình mới có cơ hội về thăm ông bà, cha mẹ, sẵn tiện đưa con đi thăm quê hương đất võ hào hùng, thăm Khu Du lịch Sinh thái Hầm Hô”.    
 

Khu du lịch sinh thái Hầm Hồ cách thành phố Quy Nhơn 50 km về phía Tây Bắc. Ảnh: Tú Uyên
Khu du lịch sinh thái Hầm Hồ cách thành phố Quy Nhơn 50 km về phía Tây Bắc. Ảnh: Tú Uyên

Trong tiết trời oi nồng vào hạ, những cánh đồng xanh mướt thẳng cánh cò bay hai bên đường dẫn lối vào Khu Du lịch Sinh thái Hầm Hô-cái tên chỉ cần nghe là đã gợi sự tò mò nếu ai chưa một lần đặt chân đến nơi này. Theo những gì người đời truyền miệng: tiếng nước đổ vào hầm đá vang rất xa như có ý hô to cho người theo bè xúc gỗ biết rằng sắp tới hầm để lo chuẩn bị trước nên gọi Hầm Hô.

Cũng có người cho rằng: Tại vì nơi miệng hầm, đá mọc hòn nghiêng hòn ngửa, hòn đứng hòn nằm, nhìn trông giống hàm răng hô há hốc. Đáng lẽ gọi là "Hầm răng hô", song người Bình Định tánh ưa giản dị, tất cả  sự vật đều muốn thu ngắn, nên gọi tắt là "Hầm Hô". Khu Du lịch Sinh thái Hầm Hô thuộc thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định; cách thành phố Quy Nhơn 50 km về phía Tây Bắc, nằm trong lòng sông Kút. Danh thắng có nhiều cảnh đẹp lãng mạn với các địa danh sử thi như Đá Thành, đá Bàn Cờ, đá Chùm, đá Dựng, đá Trải, thác Cá Bay, vũng Cá Rói, hòn Trào, hòn Lò Rượu, dấu Chân Khổng Lồ...

 

Bờ Đập Hầm Hô-nơi dòng nước mát rượi không ngừng chảy qua. Ảnh: Tú Uyên
Bờ Đập Hầm Hô-nơi dòng nước mát rượi không ngừng chảy qua. Ảnh: Tú Uyên

Từ xa, ta đã nghe tiếng nước chảy róc rách. Ven theo dòng chảy đi ngược lên sẽ bắt gặp những bãi đá nằm xếp kín lên nhau. Xung quanh là cảnh thơ mộng trữ tình bởi những thảm rừng còn nguyên sinh hùng vĩ, rễ cây bám chặt vào vách núi đá tạo thế vững chải. Trên những lợi thế thiên nhiên ban tặng, con người đã biết khai thác và tạo cho Hầm Hô một nét đẹp “khó cưỡng”. Trên dòng chảy phẳng lặng, du khách có thể chọn cho mình phương tiện đi lại bằng ghe, thuyền chỉ với mức chi phí 25.000 đồng/người.
 

Bơi thuyền trên sông Kút.
Bơi thuyền trên sông Kút. Ảnh: Tú Uyên

Ngoài những danh lam, thắng cảnh đẹp, hấp dẫn, Hầm Hô còn có địa thế hiểm yếu, là căn cứ địa của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, nghĩa binh Cần Vương chống Pháp của Mai Xuân Thưởng và là nơi hoạt động của lực lượng Cách mạng ở địa bàn Tây Nam huyện Tây Sơn những năm chống Mỹ cứu nước. Thế mạnh của Hầm Hô là một danh thắng ngay cạnh những di tích lịch sử: Bảo tàng Quang Trung, các tháp Chàm, nhà từ đường của các võ tướng thời Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng... Hầm Hô yên tĩnh với nhiều cảnh quan đẹp, kỳ ảo, hấp dẫn là điểm nghỉ lý tưởng cho du khách muốn hòa mình vào thiên nhiên hoang dã, tham quan và nghỉ ngơi.

Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm

Về Sró khám phá thác Dạt Dài. Ảnh: Ngọc Minh

Về Sró khám phá thác Dạt Dài

(GLO)-

Nằm trong hệ thống suối Đak Pơ Kơ, thác Dạt Dài (làng Kươk, xã Sró, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng dòng nước mát đã trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân.