Tết là sum họp, xuân là vận khí nước non

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ còn vài ngày nữa là hết năm Nhâm Dần. Một năm với bao vất vả lo toan thường nhật của mỗi người sẽ qua đi để chúng ta được cùng nhau ăn bữa cơm sum vầy với gia đình, người thân. Tết là gia đình; xuân là vận khí nước non, là tương lai đất nước. Đón Tết vui xuân xin đừng làm đình trệ sản xuất, trì níu phát triển. Hãy cùng nhau nhân lên niềm tin và hy vọng để cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn, đất nước ngày càng rực rỡ hơn.

Trong tâm thức của người Việt, Tết là dịp để gia đình đoàn tụ, sum vầy. Quanh năm dù mưu sinh ở phương trời nào, dù vất vả lo toan đến mấy, những người con xa quê vẫn luôn mong ngóng ngày trở về bên gia đình, người thân.

Vì thế, Tết cũng là dịp khiến người ta vội vã.

Vội vã trở về, vội vã ra đi. Trước và sau Tết, tàu xe căng thẳng, chật chội, đường sá đông nghẹt người và phương tiện. Những tin xấu về ùn tắc, tai nạn giao thông cũng nhiều hơn. Nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan đông hơn; tình trạng “chặt chém”, ép giá dịch vụ khiến du khách mất vui, chỉ với lý do “Tết mà!”. Tết vì thế, với một số người cũng còn là “gánh nặng”! Không chỉ là tiền bạc, mà còn là tâm lý.

Sau Tết là tâm trạng uể oải, không khí làm việc chuệch choạc; cơ quan công sở vắng vẻ, mà đền chùa, lễ hội thì lắm người đua chen xin lộc đầu năm. Những chiếc xe biển xanh du xuân lại xuất hiện đâu đó trên báo chí, mạng xã hội, luôn là đề tài bàn tán của dư luận về kiểu ăn Tết sa đà của người Việt. Vì thế, chả phải ngẫu nhiên mà mấy năm gần đây, một số người đã đề xuất gộp Tết Nguyên đán vào dịp đón năm mới Dương lịch!

Sâu xa thì đó là thái độ về cái cách mà người Việt ăn Tết khi so sánh với người dân các nước “ăn Tết Tây”. Cũng ăn, cũng chơi, thậm chí một số nước phát triển, người ta còn có nhiều kỳ nghỉ hơn ta như: nghỉ hè, nghỉ đông, lễ Tạ ơn, Giáng sinh, mừng năm mới… nhưng kinh tế vẫn phát triển. Thậm chí, mỗi kỳ nghỉ lễ còn cộng thêm ít điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, chứ không như ta, “tháng Giêng là tháng ăn chơi” vẫn là quan niệm của nhiều người. Cứ đủng đà đủng đỉnh, để rồi GDP lúc nào cũng tăng trưởng thấp nhất trong năm.

Đề xuất bỏ Tết Nguyên đán vẫn chưa nhận được sự đồng tình của số đông. Đơn giản chỉ vì Tết là truyền thống, là di sản tinh thần ngàn đời của người Việt. Tập quán đón Tết, nét văn hóa lễ hội, ẩm thực của người Việt khi Tết đến, xuân về là những giá trị vô cùng độc đáo, được nhiều chuyên trang du lịch, ẩm thực nổi tiếng thế giới ca ngợi. Những giá trị ấy không thể nào tính bằng tiền. Vấn đề là làm sao để những giá trị văn hóa truyền thống ấy không mâu thuẫn, thậm chí là đối lập, là lực cản với quá trình phát triển của đất nước mới là điều suy nghĩ.

Đón Tết là đón xuân. Thêm một tuổi là trên đầu thêm vài sợi bạc nhưng với mỗi người, kinh nghiệm sống cũng sẽ dày hơn. Mỗi thành tựu có được hôm nay luôn là sự trải nghiệm, thậm chí là trả giá của những thất bại hôm qua, mà chỉ những người từng trải mới nghiệm ra. Người lạc quan sẽ biết mỉm cười bước qua những vấp ngã để đứng dậy, hướng đến tương lai, để mình không bị tụt lại phía sau.

Hãy can đảm nhận ra những sai lầm đã phạm phải, những thương tổn đã gây ra cho nhau, cùng chân thành nhìn lại và nhủ lòng không để xảy ra trong năm mới. Đó là cách để xóa đi nỗi buồn, cũng là cách để buông bỏ những nỗi buồn phiền một cách nhẹ nhàng nhất.

Ngày cuối năm như một nốt trầm giữa năm cũ và năm mới. Xin hãy dành tất cả tình yêu thương và lòng tha thứ cho nhau, bởi đã là con người, có ai trong đời không một lần mắc chút sai lầm! Dù là người thân quen, hay là người mới gặp trên đường vất vả mưu sinh, hãy dành cho nhau những cái bắt tay thật chặt, những lời sẻ chia nồng ấm tình người. Hãy mở lòng để được yêu thương, được đón nhận và được cho đi nhiều hơn.

Tết là ngày sum họp, xuân là mùa sinh sôi, là vận khí của đất trời. Khép lại năm cũ với nhiều niềm vui nhưng cũng không ít những đớn đau, vật vã. Kinh tế phục hồi nhanh, GDP tăng trưởng cao nhưng khó khăn, thách thức trong năm mới cũng đã được báo trước. Niềm tin của dân vào chế độ được củng cố nhờ Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Bộ máy trong sạch hơn nhưng cũng có nhiều cán bộ thoái hóa biến chất bị phát hiện, hàng trăm quan tham phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật.

Vui Tết thế nào là việc riêng mỗi nhà. Nhưng để Tết truyền thống không là lực cản, mà là nguồn năng lượng mới, tiếp sức cho mỗi người, mỗi nhà, cho đất nước ngày một mạnh mẽ, tự tin trên hành trình tiến lên phía trước, lại phụ thuộc vào cách người Việt chúng ta lựa chọn và hành động.

ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thể chế minh bạch

Thể chế minh bạch

Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật nâng cao hiệu quả từ chi tiêu công đến hoạt động kiến tạo để doanh nghiệp phát triển.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...

Tự hào là người Việt Nam

Tự hào là người Việt Nam

Mỗi người Việt Nam, dù ở đâu, cũng đều tự hào mình là con dân đất Việt, tự hào về một Việt Nam đang trên đà đổi mới, phát triển. Niềm tự hào đó chính là sức mạnh nội sinh, để mỗi người có thể góp sức mình làm “rạng danh đất nước” trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Trong những ngày cả nước hướng về đại lễ của dân tộc, câu chuyện hào hùng được tiếp nối qua bao thế hệ, người trẻ hôm nay kể về niềm tự hào bằng ngôn ngữ thế hệ gen Z, gen Y, những video, hình ảnh, bài viết ngập sắc cờ đỏ sao vàng phủ kín mạng xã hội.

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Di sản nếu không được số hóa, không được kể lại theo cách của thời đại sẽ dần bị đứt gãy trong trí nhớ cộng đồng. Một thế hệ lớn lên không thấy được những giá trị đã tạo nên cội nguồn sẽ khó tìm thấy niềm tự hào, khó kiến tạo tương lai có chiều sâu văn hóa.

'Ngấm' bảng giá đất mới

'Ngấm' bảng giá đất mới

Gần nửa năm sau khi bảng giá đất mới có hiệu lực, nỗi lo về tác động của giá đất tăng kéo theo tiền sử dụng đất tăng đã trở thành hiện thực. Tại TP.HCM, hàng trăm người đã phải rút hồ sơ vì tiền chuyển mục đích sử dụng đất vượt quá khả năng tài chính của họ.

Chặn thuốc giả lên 'chợ mạng'

Chặn thuốc giả lên 'chợ mạng'

Khi một viên thuốc không rõ nguồn gốc dễ dàng được rao bán trên mạng chỉ bằng vài dòng quảng cáo và một đoạn video 'review' nhiều lượt thích, điều bị xâm phạm không chỉ là sức khỏe của người tiêu dùng mà còn là niềm tin bị đánh tráo, trách nhiệm bị bỏ trống.