Cũng trong thời gian này, Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật ATTP.
Đề xuất về việc tăng mức xử phạt vi phạm ATTP nhận được sự quan tâm và đồng tình của phần đông dư luận. Đây cũng là phản ứng dễ hiểu khi gánh nặng bệnh tật nói chung và ung thư nói riêng đang ngày càng nặng nề tại Việt Nam. Năm 2023, Quỹ bảo hiểm y tế chi trả 7.521 tỷ đồng cho thuốc điều trị ung thư, chiếm 16% tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Trong đó, các loại ung thư phổ biến ở nước ta như ung thư đại - trực tràng, dạ dày, gan… có yếu tố nguy cơ rất cao từ thực phẩm không an toàn. Thực phẩm “bẩn” cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc cấp tính, hoặc về lâu dài sẽ gây ra các loại bệnh mạn tính nguy hiểm vì tích tụ độc chất. Rõ ràng, thực phẩm “bẩn” đang đe dọa sức khỏe của cộng đồng và sự phát triển của những thế hệ tương lai.
Trong khi đó, vi phạm về ATTP lại muôn hình vạn trạng. Đó có thể đơn giản là hành vi không sử dụng bao tay khi chế biến thực phẩm, đến các hành vi nghiêm trọng như sử dụng hóa chất, phụ gia bị cấm sử dụng, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng động vật chết để chế biến thực phẩm… Nguyên nhân dẫn đến vi phạm có thể là hành động vô tình vì thiếu hiểu biết nhưng cũng có thể là hành vi cố tình vì ham lợi nhuận, làm giàu bất chính.
Mối nguy về ATTP vẫn đang tồn tại và diễn biến ngày càng tinh vi. Đơn cử, nhìn vào cách thức trồng trọt và chăn nuôi hiện nay ở một số địa phương, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đang rất đáng báo động, gây nguy hại cho môi trường, sức khoẻ. Không chỉ khiến rau củ hay thịt gia súc tồn dư hóa chất, mà đất và nước cũng có thể bị nhiễm độc sau mỗi mùa vụ như thế. Trồng trọt trên nguồn nước và đất này tiếp tục kèm theo nguy cơ tích tụ chất độc hại trong rau củ, nguy hại cho người sử dụng và chính những người sản xuất trực tiếp.
Rồi vài chục năm sau, chúng phát tác thành bệnh tật, gánh nặng y tế lại khiến người dân thêm oằn vai! Do đó, cần có chính sách quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm và chăn nuôi an toàn, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, siết chặt và thực thi tốt các điều kiện đối với ngành sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống kiểm soát thực phẩm theo chuỗi để giải quyết vấn đề ATTP từ căn cơ, gốc rễ. Đặc biệt quan trọng là nâng cao nhận thức của người dân về việc tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP.
ATTP là câu chuyện phải bàn và phải làm thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng. PGS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TPHCM, nhiều lần bày tỏ quan điểm kiên trì với mục tiêu “xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn” để đảm bảo an toàn cho bữa ăn của hơn 10 triệu người dân thành phố.
Tuy nhiên, không ít khó khăn mà những người làm về ATTP phải đối mặt, trong đó có sự coi thường pháp luật và tinh vi của những đối tượng vi phạm. Do đó, tăng mức xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp hình sự đối với những vi phạm nghiêm trọng về ATTP là điều cần thiết, nhằm răn đe, phòng ngừa vi phạm và bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo GIAO LINH (SGGPO)
