Tái sinh một cành hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau những ngày Tết, lại thấy những cành/chậu đào, mai, quất tiền triệu cùng tập kết ra đường, nhất là ở thành phố.
Tuy nhiên, tại Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 (tỉnh Quảng Trị), những ngày này, Ban Quản lý đang chở những gốc đào, mai, quất đã qua sử dụng xin được về trồng trên lối đi, những khu đất trống trong nghĩa trang. Hình ảnh những sắc hoa đào cuối mùa vương vít nở bên mộ liệt sĩ mà tôi vừa bắt gặp trên một trang báo khiến lòng tôi thêm ấm áp. Những sắc hoa tái sinh mang nhiều ý nghĩa với cả người sống và cả những liệt sĩ đã gửi lại thanh xuân nơi mảnh đất từng đỏ lửa một thời.
Cô bạn tôi sau Tết cũng lên mạng xã hội xin những gốc đào bỏ đi để trồng lại; phần vì tiếc của, phần vì tiếc sắc hoa. Nếu ai có hỏi, cô cũng không ngại hướng dẫn từng người cách trộn đất, nuôi dưỡng lại một gốc đào. Và, mong sao có thêm dăm ba người sau khi hỏi thăm kỹ lưỡng sẽ trồng thêm đâu đó những gốc đào. Những gốc đào sẽ không phải ra bãi rác mà được hồi sinh trên một mảnh đất nào đó.
Chăm sóc hoa đào sau Tết. Ảnh: internet
Chăm sóc hoa đào sau Tết. Ảnh: internet
Tôi nhớ tới cây đào rừng của ông ngoại trong một cái Tết khi xưa. Đó là cành đào các cậu lụi hụi vượt hàng chục cây số đi từ Đô Lương sang Kỳ Sơn, nhà của bà o chặt về. Ông thường cẩn thận hơ gốc thật khéo. Tôi thường quanh quẩn bên ông lúc hơ gốc đào. Cảm giác thích thú khi nhìn những đốm lửa đỏ li ti bay lên, hơi nóng phả ra râm ran lên tận mặt. Đó là lúc ông tập trung hết sức vào việc hơ lửa, tưởng dễ mà cực kỳ công vì phải hơ sao cho vừa đủ, thiếu một chút hay quá tay một chút đều không đạt. Trong lúc tỉ mỉ xoay xoay thân cây đào, ông vẫn không quên trả lời từng câu hỏi ngô nghê của cháu nhỏ: “Ông ơi sao phải hơ gốc đào?”. “Để cây giữ nhựa tươi lâu”. “Ông ơi nhựa cây có giống máu người không?”. “Giống, đó là máu của cây”. “Thế thì cây đau lắm, nhựa chảy ra thế kia”. “Ừ. Phải chấp nhận thế thì cành đào mới có người ngắm, chứ không thì cứ ở tít trong rừng không ai ngó nhìn thôi…”.
Ông kỳ công kể hẳn một câu chuyện nhỏ về gốc đào nhút nhát và gốc đào dũng cảm. Gốc đào dũng cảm dám đương đầu ra ánh sáng, chống chọi với gió sương để có nhiều bông hoa đẹp. Gốc nhút nhát chọn một góc vườn âm u, dưới tán cây mít nên chỉ có dăm bông lơ thơ. Cành đào dũng cảm không ngại rời gốc, đi xa và đến với ông cháu đây. Tôi học được những bài học nhỏ từ những cái cây qua lời kể của ông tôi như thế. Những bài học mà lớn lên, đôi khi nghĩ lại vẫn còn thấy giá trị.
*
*    * 
Tôi nhớ tới ông Mười Lời, chủ cũ của thung lũng hoa đào nổi tiếng. Ông kể, trong số những gốc đào đầu tiên của thung lũng hoa đào có không ít là cành đào sau Tết ông trồng xuống chăm bón. Có lần, tôi ghé vườn khi ông đang tỉ mỉ cắt những cành đào bé xíu, chỉ tầm hai gang tay. Cành đào bé xíu ấy sẽ được “nuôi” bằng những túi xốp đựng nước và dinh dưỡng kèm theo để giữ tươi lâu. Những cành đào ấy có thể rất tiện để theo chân du khách đi xa. Điều kỳ lạ là một người bán đào có cả khu vườn rộng đi mỏi chân không hết nhưng mong muốn khách chơi đào mua những nhành hoa nhỏ nếu thấy chỉ “một nhành xuân” đã đủ để đón xuân. “Một nhành hoa lớn chỉ chơi dăm ngày xuân vứt đi thì phí lắm. Bao nhiêu công của người  trồng và của cả đời cây đổ vào đấy”-ông nói.
Ông Mười Lời mất khá lâu rồi, nhưng khi có dịp về Đà Lạt tôi vẫn ghé lại vườn đào xưa. Nhìn những đóa hoa đong đưa mà như thể đang nghe hoa nhắc với mình về một người yêu quý.
*
*    * 
Tôi thường không nỡ nhìn lâu khi vô tình thấy những cây hoa tập kết ra bãi rác. Nào đâu chỉ đào, còn quất, mai, cúc… Thấy thương hoa đã đành mà còn thương cho cả người. Phố hẹp quá và lòng người bận quá, đôi khi chẳng có cơ hội giúp cho một cây hoa tái sinh. Mà kỳ thực, nói như bạn tôi, trồng lại được một cây đào đang tàn sức để cho mùa hoa năm sau, thấy hạnh phúc lắm. Hạnh phúc ấy, chỉ ai đó chịu lấm lem cuốc đất vun trồng, biết đợi chờ và yêu thương một sắc hoa mới có được.
“Những bông hoa vẫn nở đúng mùa”, dù Tết sớm hay muộn, dù bạn có không cần biết gốc đào gốc mai mình tiện tay ném ra lề đường kia sẽ đi đâu về đâu thì nếu muốn bạn cũng có đào, mai để chưng ba ngày Tết mỗi năm. Nhưng tôi cho rằng, giúp một cành đào tái sinh cũng là một niềm hạnh phúc mà bạc triệu không bao giờ mua được...
Khôi Nguyên Thảo

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

(GLO)- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ chống Mỹ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn... nhưng Thanh Thảo có một giọng thơ riêng, thiên về trí tuệ và một lối tư duy trực cảm.

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.