Đầu năm 2022, UBND huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hàng năm, huyện duy trì ổn định diện tích lúa khoảng 6.600 ha. Song để nâng cao năng suất, chất lượng, huyện đã đưa vào sử dụng các giống lúa mới như: ML48, TH3-3, Nhị ưu 838, J02, HN6, ĐT100, CH207, HT1, TH205, OM4900, OM5451, N25 vào thâm canh. Đồng thời, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nhằm giảm lượng giống lúa gieo sạ, giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tăng cơ giới hoá trong sản xuất. Thông qua việc thay thế giống lúa địa phương bằng các giống lúa mới, chất lượng cao cho thấy năng suất lúa bình quân 5-7 tấn/ha (tăng gần gấp đôi so với giống lúa địa phương).
Người dân xã Kdang thu hoạch lúa Đông Xuân 2022-2023 với giống lúa mới HN6. Ảnh: Lê Nam |
Ông Sing (làng Dôr 1, xã Glar) cho hay: Gia đình có 2 ha ruộng để làm lúa nước. Trước đây ông chủ yếu gieo sạ giống lúa địa phương nên năng suất chỉ được 3-4 tấn/ha. Năm 2021, gia đình ông được hỗ trợ giống lúa mới ĐT100 để trồng theo mô hình cánh đồng lúa một giống và đạt năng suất đạt 6-7 tấn/ha. “Giống lúa này không chỉ cho năng suất cao mà còn có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, chất lượng gạo dẻo và thơm hơn”-ông Sing phấn khởi nói. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Glar Bùi Quang Thoại: Hàng năm, người dân trên địa bàn xã canh tác hơn 800 ha lúa nước. Từ năm 2021, người dân được huyện hỗ trợ giống lúa chất lượng cao HN6 và ĐT100 để gieo trồng theo mô hình cánh đồng một giống. Nhờ có giống mới và có sự hướng dẫn kỹ thuật đã giúp người dân sản xuất hiệu quả, năng suất lúa tăng đáng kể, đạt hơn 6 tấn/ha, cao gần gấp đôi so với giống lúa cũ. Khi không còn được hỗ trợ giống của nhà nước, người dân đã biết tự đến các cửa hàng, đại lý bán giống để mua những giống này về gieo trồng. Qua đây có thể thấy người dân đã thay đổi phương thức canh tác, từng bước hướng đến sản xuất lúa thâm canh bền vững.
Anh Sing (thôn Dôr 1, xã Glar, huyện Đak Đoa) (áo trắng) được cán bộ xã Glar hướng dẫn cách tủ gốc cho cây cà phê mới tái canh. Ảnh: Lê Nam |
Tương tự, cà phê, hồ tiêu cũng là những cây trồng chủ lực của huyện với diện tích 28.000 ha cà phê và 2.000 ha hồ tiêu. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, người dân đã tập trung vào chế biến sâu, mở rộng liên kết tiêu thụ và sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng 4C, UTZ, Rainforest,... với trên 13.000 ha, chiếm 45% tổng diện tích cà phê toàn huyện. Đồng thời, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đã tổ chức tập huấn hướng dẫn nhân dân thực hiện truy xuất nguồn gốc, sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn… Từ đó đã thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất tập trung. Đến nay, một số sản phẩm cà phê được chế biến sâu đã được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao, 4 sao. Các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sản xuất cà phê đạt chứng nhận OCOP đã nâng cấp nhà xưởng, áp dụng công nghệ sản xuất chế biến sâu. Ông Nguyễn Tấn Công-Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang)-cho biết: Năm 2018, HTX được chứng nhận phương pháp sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ (USDA), châu Âu (EU) với 6,5 ha hồ tiêu. Bên cạnh đó, HTX có hơn 20 ha cà phê được chứng nhận hữu cơ. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi bền vững, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế mang lại tăng 30% so với sản xuất bình thường. Còn theo ông Lê Hữu Anh-Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (xã Glar)-cho hay: Để giúp các thành viên HTX và người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy sản xuất cà phê sạch bền vững, canh tác lúa nước, chanh dây theo hướng hữu cơ, HTX đã hướng dẫn người dân sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và các chế phẩm sinh học nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế. Qua 3 năm triển khai, HTX đang liên kết với gần 500 hộ dân (trên 90% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số) sản xuất cà phê. Quy trình canh tác kỹ càng theo định hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch đã giúp người dân giảm chi phí đầu tư 10-15 triệu đồng/ha. “Thời gian tới, HTX hướng tới sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn xã Glar và các xã lân cận để dần thay đổi tư duy của người sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, chế biến cà phê chất lượng cao, tăng tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường”-ông Lê Hữu Anh chia sẻ.
Nhiều vườn sầu riêng trên địa bàn huyện Đak Đoa người dân thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng trên một ha. Ảnh: Lê Nam |
Bên cạnh đó, cây ăn quả được người dân trên địa bàn phát triển mạnh với hơn 2.600 ha các loại (sầu riêng, bơ, mít, ổi, chanh dây, chuối,...). Hầu hết diện tích cây ăn quả được người dân trồng xem trong vườn cà phê, hồ tiêu già cỗi, năng suất kém hoặc trong thời gian tái canh đã làm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập, hạn chế những rủi ro về giá cả và biến động của thị trường. Để sản xuất bền vững và hướng đến xuất khẩu theo đường chính ngạch người dân, HTX, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đến nay, toàn huyện đã được cấp 26 mã số vùng trồng (11 mã chanh dây, 4 mã sầu riêng, 8 mã chuối và 3 mã hồ tiêu) với diện tích hơn 867 ha và 4 mã số cơ sở đóng gói.
Cùng với ngành trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng đang chuyển dịch dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp; tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi liên kết. Toàn huyện có tổng đàn trâu bò khoảng 18.900 con, đàn heo trên 40.600 con, đàn dê trên 4.500 con, đàn gia cầm trên 245.200 con, đàn thỏ khoảng 3.000 con và các loại động vật khác khoảng 29.000 con. Cùng với đó, phát triển trang trại, gia trại trên địa bàn đã được chú trọng với 26 trang trại (3 trang trại chăn nuôi bò, 15 trang trại chăn nuôi heo, 8 trang trại chăn nuôi gia cầm). Các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đã áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như: đệm lót sinh học, sử dụng hố ủ, chế phẩm sinh học để xử lý chất thải, khử mùi hôi… nhằm hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Hiệu quả mô hình trồng cây đương quy xen trong vườn cà phê của Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình (huyện Đak Đoa). Ảnh: Lê Nam |
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Thực hiện tái cơ cấu đã từng bước đưa ngành nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá phù hợp với nhu cầu thị trường, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Trong những năm qua, diện tích sản xuất các loại cây trồng chính của huyện cơ bản ổn định không có biến động lớn, người dân chủ yếu tập trung vào việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi, cải tạo giống, liên kết sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững nên năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngày càng cao.
“Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, khuyến nông, khoa học công nghệ. Đồng thời, tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, chế biến sâu, sản phẩm OCOP. Tăng cường kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực; xây dựng vùng nguyên liệu các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn, nhu cầu thị trường; dự án ứng dụng khoa học công nghệ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.