Sư đoàn 320 trong đội hình năm cánh sao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, tiếp đó là chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng thắng lợi, Bộ Chính trị đã quyết định mở cuộc tổng công kích vào sào huyệt của địch ở Sài Gòn-Gia Định. Chấp hành chủ trương của Bộ Chính trị và mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, từ 5 hướng như năm cánh sao, quân ta rầm rập tiến về áp sát Sài Gòn-Gia Định, chuẩn bị cho chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Trong đội hình tiến công của Quân đoàn 3 trên hướng Tây Bắc, Sư đoàn 320 được giao nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, khu vực cầu Bông, cầu Sáng để mở đường cho mũi đột kích cơ giới mạnh của Quân đoàn tiến vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu ngụy và một số mục tiêu quan trọng khác, trong đó có dinh Độc Lập.

 

Tiểu đội trưởng Nguyễn Vi Hợi thuộc Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 64) nhận hoa do thầy cô Trường Trung học Lê Quý Đôn (Sài Gòn) trao tặng ngày 30-4-1975. Ảnh: Tư Liệu
Tiểu đội trưởng Nguyễn Vi Hợi thuộc Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 64) nhận hoa do thầy cô Trường Trung học Lê Quý Đôn (Sài Gòn) trao tặng ngày 30-4-1975. Ảnh: Tư Liệu

Đánh chiếm căn cứ đồng dù

Căn cứ Đồng Dù (địch gọi là căn cứ Củ Chi) nằm sát trục đường số 1 từ Sài Gòn đi Tây Ninh. Từ đây có các trục đường giao thông nối với Bình Dương và Hậu Nghĩa. Với vị trí lợi hại đó, từ lâu, Mỹ-ngụy đã dày công xây dựng Đồng Dù thành căn cứ phòng ngự chủ yếu án ngữ cửa ngõ Sài Gòn về phía Tây Bắc 30 cây số. Nơi đây vốn là hang ổ của Sư đoàn 25 Mỹ “Tia chớp nhiệt đới”, nơi xuất phát các cuộc hành quân “tìm diệt” lực lượng vũ trang và nhân dân ta ở vùng Đông Nam bộ. Sau này, quân Mỹ buộc phải cuốn cờ, Sư đoàn “Tia chớp nhiệt đới” bàn giao cơ ngơi lại cho Sư đoàn 25 ngụy, một trong những sư đoàn chủ lực sừng sỏ của quân lực Sài Gòn. Trong căn cứ Đồng Dù lúc này, lực lượng địch có Bộ Chỉ huy Sư đoàn 25, Ban Chỉ huy Trung đoàn 50, Tiểu đoàn 2/50, Trường Huấn luyện hạ sĩ quan, các tiểu đoàn trực thuộc, một chi đoàn thiết giáp, một tiểu đoàn pháo hỗn hợp… tổng cộng khoảng 3.000 tên. Các đơn vị còn lại của Sư đoàn 25 được bố trí cơ động ở vòng ngoài từ Trảng Bàng về Củ Chi.

Để đảm bảo cho chiến thắng, sau khi nghiên cứu kỹ tình hình địch và địa hình, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320 đã quyết định sử dụng 2 Trung đoàn Bộ binh 48, 9 và Trung đoàn Pháo binh 54 tiến công tiêu diệt căn cứ Đồng Dù; sử dụng Trung đoàn Bộ binh 64 đánh chiếm khu vực cầu Bông, cầu Sáng và phát triển lên quận lỵ Hóc Môn theo nhiệm vụ Quân đoàn giao ở giai đoạn I của chiến dịch. Mọi công việc chuẩn bị cho trận đánh được Bộ Tư lệnh và các cơ quan Sư đoàn ngày đêm chỉ đạo tiến hành hết sức công phu, tỉ mỉ, khẩn trương và hoàn thành đúng kế hoạch.

Đúng 5 giờ 30 phút ngày 29-4-1975, Đại tá Bùi Đình Hòe-Tư lệnh Sư đoàn 320, phát lệnh nổ súng tiến công căn cứ Đồng Dù. Pháo binh Trung đoàn 54 và các trận địa pháo chiến dịch tăng cường bắn phá dữ dội vào căn cứ địch. Sau đòn hỏa lực, bộ binh các hướng được lệnh xuất phát tấn công. Do lực lượng còn đông nên quân địch tập trung chống cự điên cuồng. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt ngay từ những phút đầu.

Trên hướng chủ yếu phía Tây Bắc, Trung đoàn 48 đã 3 lần tổ chức cho Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1) lên đánh hàng rào mở cửa nhưng đều bị hỏa lực địch cản lại, phần lớn các chiến sĩ hy sinh. Địch lại cho máy bay A37 đến đánh bom vào phía sau đội hình Tiểu đoàn 1 khiến tình hình càng trở nên căng thẳng. Trung đoàn phải lệnh cho Đại đội xe tăng đi cùng vào tham gia đột phá. Được xe tăng trực tiếp chi viện, Đại đội 3 mới mở được cửa và lọt được vào bên trong bờ tường đất. Tuy nhiên, Tiểu đoàn 3 ở phía dưới vẫn chưa mở cửa xong. Tình thế trận đánh mỗi lúc thêm gay go ác liệt, nhiều chiến sĩ ta tiếp tục hy sinh. Mãi đến 9 giờ, Tiểu đoàn 1 sau nhiều lần đột phá mới vào được căn cứ nhưng lại bị địch tập trung hỏa lực khống chế, phải dừng tại chỗ. Trung đoàn 48 phải đưa thêm đội hai gồm Tiểu đoàn 2 và 8 xe tăng vượt qua cửa mở của Tiểu đoàn 1 vào tham gia tiến công.          

Ở hướng Tây Nam do Trung đoàn 9 đảm nhiệm, lúc này, Tiểu đoàn 5 vẫn chưa mở được cửa. Tiểu đoàn 3/50 ngụy từ Xóm Mới cơ động lên, bất ngờ từ vườn cao su tiến vào áp sát phía sau. Chỉ huy Trung đoàn 9 liền lệnh cho Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 16 súng máy 12,7 ly (tăng cường) phản kích. Sau 30 phút chiến đấu ác liệt, có lúc gần như đánh giáp lá cà với địch, 2 tiểu đoàn 5 và 16 đã diệt gọn Tiểu đoàn 3/50 của địch. Tuy vậy, bộ đội ta cũng bị thương vong không ít.

Ở hướng chủ yếu, Tiểu đoàn 2 sau khi vào căn cứ đã nhanh chóng cùng Tiểu đoàn 1 đánh chiếm hậu cứ Trung đoàn 46 địch, khu truyền tin và phát triển đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn địch. Tiểu đoàn 3 mới mở cửa xong đã cùng xe tăng tiến công đánh chiếm trận địa pháo, sở chỉ huy Trung đoàn 50, phát triển sang khu thiết giáp và sân bay. Nhưng lúc này, Trung đoàn 46 của địch ở Trảng Bàng đã về kịp cứu nguy cho Đồng Dù. Cuộc đọ sức giữa ta và địch thêm quyết liệt. Đúng lúc ấy, Sư đoàn đưa lực lượng dự bị là Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 9) cùng đại đội xe tăng T54 từ phía sau đánh bật lên và đã nhanh chóng áp đảo quân địch. Từ lúc đó, các mũi tiến công của Trung đoàn 48 mới phát triển thuận lợi. Ở hướng Tây Nam, Tiểu đoàn 5 cũng đã vào được căn cứ, đánh chiếm trung tâm huấn luyện. Tiểu đoàn 4 vượt qua cổng chính tiến vào đánh chiếm khu tiếp liệu, tiểu đoàn quân y. Cùng lúc, các mũi các hướng của 2 trung đoàn đồng loạt tiến công, lần lượt làm chủ các mục tiêu. Đến 10 giờ 30 phút, ta hoàn toàn làm chủ Đồng Dù, toàn bộ quân địch trong căn cứ và bọn ở vòng ngoài về ứng cứu đã bị diệt, bị bắt và tan rã. Chuẩn tướng Lý Tòng Bá-Tư lệnh, Đại tá Trần Thắng Chức-Phó Tư lệnh cùng một số sĩ quan cao cấp của Bộ Chỉ huy Sư đoàn 25 địch bỏ chạy nhưng sau đó đã bị chiến sĩ ta bắt làm tù binh.

Tiến vào giải phóng Sài Gòn-Gia Định

Đường vào Sài Gòn đã thông. Theo hiệp đồng, lực lượng thọc sâu chiến dịch của Quân đoàn 3 gồm Sư đoàn 10 và các lực lượng xe tăng, pháo binh ào ạt tiến qua cửa mở Đồng Dù vào Sài Gòn, lần lượt đánh chiếm Thành Quan Năm, Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy...

Trong khi Sư đoàn 320 đánh chiếm căn cứ Đồng Dù mở cửa cho một hướng chiến dịch tiến vào Sài Gòn thì Trung đoàn 64 dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Quân đoàn, sau khi cùng Trung đoàn Đặc công 198 đánh chiếm và chốt giữ cầu Bông, cầu Sáng đã phát triển lên đánh chiếm quận lỵ Hóc Môn. Đến 23 giờ ngày 29-4, Trung đoàn 64 được lệnh phát triển vào Sài Gòn cùng Sư đoàn 10. Sáng 30-4-1975, cùng thời điểm các đơn vị của Sư đoàn 10 tiến công đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy thì Trung đoàn 64 từ khu vực Nhà máy dệt Vinateco được lệnh phát triển sang quận 1, hiệp đồng với đơn vị bạn đánh chiếm dinh Độc Lập. Chỉ huy Trung đoàn 64 tổ chức lực lượng thành 2 mũi, được xe của nhân dân giúp đỡ cơ động tiến công. Mũi thứ nhất gồm Tiểu đoàn 9 và các lực lượng tăng cường theo đường Lê Văn Duyệt tiến vào phía Nam dinh Độc Lập, nhưng khi tiểu đoàn đến nơi thì đơn vị bạn vừa tiến vào. Tiểu đoàn 9 liền tổ chức cho Đại đội 10 đánh chiếm Trung tâm thi hành Hiệp định Paris và chiếm giữ cổng phía Tây Nam dinh Độc Lập, đối diện Trường Trung học Lê Quý Đôn, lực lượng còn lại tỏa ra chiếm giữ quận 3. Mũi thứ hai có xe tăng chi viện phát triển theo đường Công Lý đã lần lượt tiêu diệt địch, chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ, biệt thự Hoa Lan-tư dinh của Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh…

Sư đoàn 320 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần giải phóng thành phố Sài Gòn-Gia Định và hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước anh dũng của nhân dân ta.

Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.