Chi phí thấp, lương cao, điều kiện, tiêu chuẩn không quá khắt khe..., lao động thời vụ tại Hàn Quốc đang trở thành chương trình hấp dẫn lao động VN tại thời điểm này
Lao động tỉnh Hà Nam chuẩn bị xuất cảnh sang Hàn Quốc làm thời vụ. Ảnh: N.Tuấn
Có thể “bỏ túi” hơn trăm triệu
Trong tháng 7, Sở LĐ-TB-XH Hà Nam đã tổ chức đưa 29 lao động đi làm việc tại tỉnh Gyeongsangbuk (Hàn Quốc), đồng thời đón đoàn 37 lao động trở về sau 3 tháng làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại xứ sở kim chi. Đây là năm thứ 2 Hà Nam triển khai chương trình lao động thời vụ sang Hàn Quốc. Trong năm 2019, tỉnh này dự kiến tuyển chọn 100 lao động đưa sang Hàn Quốc, nhưng khi đăng tải thông tin thì có tới cả ngàn người từ các nơi gửi hồ sơ đăng ký tham gia chương trình.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nam, cho hay: “Không chỉ thu hút lao động ở Hà Nam, rất nhiều người lao động (NLĐ) tại Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình... cũng quan tâm gọi điện xin được tham gia. Tuy nhiên, đây là chương trình ký kết giữa 2 địa phương và theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH chỉ có lao động trong độ tuổi từ 30 - 55, sinh sống tại Hà Nam, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú hợp pháp mới được tham gia chương trình này”.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, tổng chi phí hành chính cho NLĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc là 20 triệu đồng, nhưng sau 3 tháng làm các công việc như thu hoạch táo, ớt, củ cải..., trừ các chi phí, NLĐ "bỏ túi" hơn 100 triệu đồng. “Nếu ở VN, để kiếm được 100 triệu trong 3 tháng là điều không tưởng. Nhiều lao động đi đợt tháng 4 vừa trở về quê rất phấn khởi và mong muốn tiếp tục quay lại Hàn Quốc vào các đợt tiếp theo. Chương trình mang ý nghĩa rất nhân văn, ngoài giúp nông dân có thêm thu nhập cao, còn giúp họ có điều kiện nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất để khi trở về quê hương sẽ áp dụng những kiến thức đã học được vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi đang kỳ vọng trong năm 2020 phía nước bạn sẽ tiếp nhận số lượng lao động lớn hơn”, ông Tuấn chia sẻ.
Trong tháng 6 và 7.2019, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp đã tổ chức 2 đợt, với tổng số 104 lao động sang tỉnh Giangwon (Hàn Quốc) làm việc thời vụ. Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp, cho biết: “Từ năm 2018, khi Đồng Tháp và tỉnh Giangwon thúc đẩy quan hệ hợp tác lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đến nay đã có 6 đợt xuất cảnh, với số lượng gần 300 lao động. Nhiều lao động có tay nghề, được chủ sử dụng gia hạn tiếp tục tham gia chương trình từ 2 - 3 lần. Hiệu quả chương trình mang lại giúp nhiều người có được việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Trước nhu cầu từ phía bạn, hiện nay, chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị nguồn cho năm 2020, với số lượng khoảng 300 người ”.
Cảnh giác tuyển dụng “lừa”
Với những điều kiện tuyển dụng không quá khắt khe như các chương trình xuất khẩu lao động khác, nên chương trình lao động thời vụ đang được rất nhiều lao động VN quan tâm. Lợi dụng điều này, thời gian gần đây, trên các trang web, mạng xã hội, nhiều đối tượng chào mời tuyển chọn, thu phí cao.
Đơn cử như thông báo tuyển lao động thời vụ Hàn Quốc trên Facebook của một văn phòng địa chỉ ở phố Nguyễn Khả Trạc (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) có nhu cầu tuyển 500 lao động nam và nữ sang Hàn Quốc làm lao động thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhân viên tuyển dụng công ty cho hay, NLĐ không cần học tiếng Hàn, chỉ cần nộp 6.000 USD (hơn 130 triệu đồng) trong đó 4.000 USD chi phí và 2.000 USD tiền chống trốn, sẽ được xuất cảnh sang Hàn Quốc. Sau 3 tháng làm việc sẽ về nước và được gia hạn chuyển đổi visa lao động với thời gian dài 2 năm 6 tháng.
Trước những thông tin tuyển dụng lừa đảo NLĐ có xu hướng gia tăng, mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đã đưa ra cảnh báo về chương trình lao động thời vụ.
Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết: “Chúng tôi nhận được nhiều đơn thư của NLĐ phản ánh các công ty, đơn vị tuyển dụng, thu phí của NLĐ tham gia chương trình này. Việc đưa NLĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc thực hiện theo thỏa thuận ký giữa UBND cấp tỉnh của VN và chính quyền địa phương Hàn Quốc. Chỉ có địa phương, đơn vị sự nghiệp của tỉnh ký kết mới được triển khai, các công ty hay văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động không được phép tham gia chương trình lao động thời vụ”.
Nói thêm về chế độ đối với người đi làm việc thời vụ, bà Trần Thị Vân Hà thông tin: “Lương cơ bản chưa bao gồm tiền làm thêm, NLĐ có thể nhận được khoảng 1.400 USD (trên 32 triệu đồng)/tháng. Ngoài ra, NLĐ được đài thọ tiền ăn, ở và ít nhất 1 chiều chi phí máy bay. NLĐ mất phí môi giới, các đơn vị sự nghiệp thực hiện được phép thu một khoản chi phí nhỏ để bù đắp chi phí hành chính theo quy định của địa phương”.
Mới có 4 tỉnh, thành tham gia chương trình Theo bà Trần Thị Vân Hà, từ năm 2018, Chính phủ cho phép các địa phương thí điểm chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc. Tính đến tháng 7.2019, có 4 tỉnh, TP đã ký kết và triển khai việc đưa NLĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, gồm: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Nam và Thái Bình. Ngoài ra, còn có 5 địa phương đang xúc tiến ký kết thỏa thuận trong thời gian tới là Đồng Nai, Hậu Giang, Bình Thuận, Hà Tĩnh và Kon Tum. “Đây là chương trình trong lĩnh vực nông nghiệp, NLĐ không được làm công việc khác. Visa chương trình này là visa C4, chỉ có hạn 3 tháng và không thể chuyển đổi sang visa du lịch hay thương mại. |
Thu Hằng (Thanh Niên)