Thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ xuất khẩu lao động nên nhiều hộ dân tộc thiểu số ở huyện Chư Pưh, Gia Lai đã thoát nghèo bền vững, thậm chí vươn lên làm giàu.
Huyện Chư Pưh có trên 70 ngàn dân, trong đó 52% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Jrai và Bahnar, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 10,2%. Những năm gần đây, do phải liên tục đối mặt với những khó khăn như hồ tiêu chết hàng loạt, nông sản mất mùa, dịch tả heo châu Phi… nên nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ nhà đi làm ăn xa. Trước thực trạng này, huyện Chư Pưh đã phối hợp với Công ty cổ phần Hợp tác Lao động Quốc tế Vinaco đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
  Chị Siu H'Lan (thứ 2 từ trái sang, làng Kênh Mek, xã Ia Le) phấn khởi vì gia đình đã thoát nghèo nhờ đi xuất khẩu lao động. Ảnh: N.T
Chị Siu H'Lan (thứ 2 từ trái sang, làng Kênh Mek, xã Ia Le) phấn khởi vì gia đình đã thoát nghèo nhờ đi xuất khẩu lao động. Ảnh: N.T
Ia Le là một trong những xã có nhiều người lao động xuất khẩu nhất huyện Chư Pưh (khoảng 33 người/năm). Nhiều người sau khi kết thúc hợp đồng lao động đã trả được nợ nần, thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Chị Siu H'Lan (làng Kênh Mek) là một trong những hộ nghèo của xã. Do mâu thuẫn gia đình, chồng chị tự tử để lại cho chị 2 đứa con thơ. Nhà có 1 ha rẫy trồng mì, hồ tiêu nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên chị H'Lan đã phải vay mượn khắp nơi gần 100 triệu đồng để chăm sóc vườn cây, trang trải cuộc sống. Đang trong lúc túng quẫn, được mời tham dự hội nghị tư vấn xuất khẩu lao động do huyện tổ chức, chị liền đăng ký tham gia giúp việc tại thị trường Ả Rập Xê Út. Mới đây, sau khi kết thúc hợp đồng lao động, chị H'Lan trở về và đã trả hết nợ, xây lại ngôi nhà khang trang hơn cho mẹ đẻ và các con cùng ở. “Trước kia, mình không dám nghĩ đến ngày sẽ trả hết nợ, lại còn xây được nhà. Giờ đây, gia đình mình thật sự không còn nghèo đói nữa rồi”-chị H'Lan vui mừng cho biết.
Từ tháng 6-2016 đến nay, huyện Chư Pưh đã đưa hơn 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài (90% là đồng bào dân tộc thiểu số), trong đó tập trung ở thị trường Ả Rập Xê Út, Malaysia, Đài Loan và Nga với thu nhập ổn định (khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng) để gửi về cho gia đình. Trở về quê hương sau 2 năm đi xuất khẩu lao động ở Ả Rập Xê Út, chị Kpă HMing (làng Dung, xã Ia Hrú) đã dành dụm được hơn 200 triệu đồng để trang trải cuộc sống, xây dựng nhà cửa khang trang và có vốn làm ăn. “Ở bên đó, tôi làm người giúp việc cho gia đình họ. Nếu có khúc mắc gì thì đã có Đại sứ quán của Việt Nam tại Ả Rập Xê Út và đại diện Công ty bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi, đảm bảo tiền lương đúng, đủ hàng tháng để gửi về cho gia đình. Tôi mong muốn tới đây sẽ tiếp tục được đăng ký đi xuất khẩu lao động”-chị HMing bày tỏ.
 Ông Rơ Lan Lân-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-nhận định: Xuất khẩu lao động được xác định là hướng đi đúng đắn trong công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế của huyện. Để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con em của các hộ nghèo, hộ cận nghèo được đi xuất khẩu lao động, UBND huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn vay, thủ tục hành chính. Đồng thời, huyện cũng phối hợp doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín về tận địa phương tuyển lao động, tuyên truyền, tư vấn, đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đưa khoảng 150 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại các thị trường có thu nhập cao, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện, phấn đấu đến cuối năm 2019 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6,8%.
 NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.