Cùng với đó, công tác an sinh xã hội đã được cả hệ thống chính trị và cộng đồng chăm lo với phương châm “Không để hộ dân nào thiếu đói trong dịp Tết”. Trong 7 ngày nghỉ Tết, tai nạn giao thông tăng nhưng số người chết giảm sâu… Đó là tín hiệu rất đáng mừng cho Tết cổ truyền của dân tộc!
Ở một khía cạnh khác, nhiều người cho rằng, Tết năm nay tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực trong tình cảm, tư duy của người Việt đối với Tết cổ truyền. Thay vì “ăn Tết, uống Tết”, người ta chuyển sang “chơi Tết” với những chuyến trở về đoàn viên cùng ông bà, cha mẹ, người thân hay cùng nhau du xuân với gia đình, bạn bè để tình cảm thêm gắn bó bền chặt.
Rừng luôn được cho là một trong những hệ sinh thái ổn định nhất trên trái đất. Ảnh tư liệu |
Qua quan sát, người viết bài này nhận thấy, một trong những điểm cộng rất đáng ghi nhớ của kỳ nghỉ Tết năm nay liên quan mật thiết đến vấn đề rượu, bia. Theo đó, khi chúc Tết, nhiều người đã kiên quyết từ chối ly rượu đầu xuân. Và, chủ nhà cũng không ép khách bởi một lý do đơn giản: Cả chủ và khách đều phải tham gia giao thông, lỡ dính nồng độ cồn thì coi như xui xẻo cả năm!
Sau Tết, cán bộ, công chức, viên chức không còn tụm năm, tụm bảy bia rượu bê tha. Nếu có hẹn nhau thì cũng chỉ là bữa ăn sáng, cữ cà phê hoặc cũng chỉ dăm ba ly trước khi ngủ nghỉ để tái tạo sức lao động cho ngày hôm sau. Tai nạn giao thông, mâu thuẫn đánh nhau do bia rượu vì thế cũng được kéo giảm. Y-bác sĩ trực bệnh viện cũng đỡ vất vả hơn.
Như là quy luật của cuộc sống, một khi không vướng chuyện tiêu cực thì mọi người lại tìm đến những điều tích cực. Ngay từ sáng mùng 2 Tết, nhiều nhóm xe đạp, chạy bộ, dân vũ, cầu lông, tennis… đã rủ nhau “đề pa” để cả năm mạnh mẽ, cường tráng như rồng. Sau Tết, chỉ tính riêng tại phố núi Pleiku đã có hàng chục câu lạc bộ, nhóm chung sở thích thể dục thể thao được thành lập với mong muốn cải thiện tình trạng sức khỏe và nuôi dưỡng đời sống tinh thần.
Hưởng ứng lời phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức ra quân trồng cây xanh trên các tuyến đường và khu vực công cộng. Năm 2024, toàn tỉnh dự kiến trồng 10.313 ha rừng và cây phân tán. Không chỉ có các cơ quan, đoàn thể, đơn vị chủ rừng, phong trào trồng cây xanh đã thực sự lan tỏa đến từng hộ gia đình. Trong dịp Tết Giáp Thìn, hàng loạt vườn hoa, khu du lịch sinh thái do người dân làm chủ cũng đã ra mắt góp phần làm cho Gia Lai trở nên xanh-sạch-đẹp.
Nhận định về xu hướng nêu trên, một bác sĩ có thâm niên trong nghề cho rằng đó là biểu hiện của phương pháp “sống xanh” đang được thực hành trên toàn cầu. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA): Sống xanh có nghĩa là đưa ra lựa chọn bền vững về những thứ chúng ta ăn, về cách chúng ta di chuyển, về những món đồ chúng ta mua cũng như cách sử dụng và loại bỏ chúng. Chúng ta có thể sống xanh tại nơi làm việc hoặc ngay tại ngôi nhà của mình và sống xanh sẽ duy trì một môi trường lành mạnh.
Theo các chuyên gia, “sống xanh” là lối sống lành mạnh, bền vững, giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Tại Gia Lai, nhiều người đã thành công khi tuân thủ các nguyên tắc như: ăn xanh uống sạch; tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; trồng cây xanh xung quanh không gian sống, môi trường làm việc; thường xuyên luyện tập thể dục thể thao…
Theo Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh phấn đấu trở thành “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thiết nghĩ, những cư dân sinh sống trên vùng đất tươi đẹp này cần thực hành “sống xanh”.