Số hóa dữ liệu các “địa chỉ đỏ”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để tạo thuận lợi cho du khách, đặc biệt là các bạn trẻ tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của di tích lịch sử, khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước, các tổ chức Đoàn-Hội-Đội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa dữ liệu nhiều “địa chỉ đỏ”.

Những cuốn “cẩm nang du lịch số”

Ngày 15-3 vừa qua, Tỉnh Đoàn-Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh-Hội đồng Đội tỉnh đã ra mắt công trình số hóa “Di tích lịch sử cơ quan Tỉnh ủy Gia Lai” tại xã Krong (huyện Kbang).

Để thực hiện công trình này, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ SEAP thu thập thông tin, hình ảnh liên quan đến di tích. Các thông tin được thiết kế rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu và tích hợp trong mã QR. Du khách có thể xem được hình ảnh trực quan, đa chiều (360 độ) toàn thể các hạng mục tại di tích.

3t.jpg
Thành Đoàn Pleiku phối hợp với các đơn vị thực hiện công trình số hóa dữ liệu các di tích lịch sử-văn hóa. Ảnh: P.L

Phần mềm số hóa được thiết kế theo 2 hình thức: “trải nghiệm tự động” và “trải nghiệm tự do”. Nếu du khách chọn “trải nghiệm tự động”, phần mềm sẽ thuyết minh và đưa du khách tham quan các công trình theo trình tự từ cổng khu di tích đến điểm kết thúc. Với hình thức “trải nghiệm tự do”, du khách click chuột để tham quan các địa điểm tùy nhu cầu.

Khi trải nghiệm ứng dụng, du khách có thể truy cập theo 6 bước: mở ứng dụng Zalo, nhấn vào biểu tượng QR Code góc trên cùng bên phải; chọn âm thanh thuyết minh công trình; xem nội dung thuyết minh, chọn khám phá hành trình EyesVion để bắt đầu trải nghiệm; xem thông tin hướng dẫn cách di chuyển, tham quan; chọn theo hướng mũi tên để di chuyển đến nơi trải nghiệm; chọn hình thiết bị bay flycam để trải nghiệm tham quan từ trên cao.

Sau khi hoàn thành, Tỉnh Đoàn đã đặt 1 bảng quét mã QR ở ngay cổng vào khu di tích để du khách thuận tiện truy cập tìm hiểu. Hệ thống thuyết minh số hóa cũng như các hình ảnh tư liệu được tích hợp, cung cấp thông tin bằng tiếng Việt giúp người xem có góc nhìn trực quan, sinh động và bảo đảm tính chính xác về di tích. Kinh phí thực hiện công trình là 150 triệu đồng.

Ngoài đặt bảng quét mã QR tại khu di tích, Tỉnh Đoàn cũng đăng tải mã QR lên trang thông tin điện tử và fanpage Cổng thông tin Tỉnh Đoàn Gia Lai. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn yêu cầu các tổ chức Đoàn trong tỉnh tìm hiểu và chia sẻ mã QR để đoàn viên, hội viên, thanh thiếu nhi, người dân trong và ngoài tỉnh được biết, tiếp cận và tham gia trải nghiệm trực tuyến. Sau hơn 1 tháng triển khai, ứng dụng đã có hơn 5.000 lượt truy cập và hàng trăm lượt chia sẻ.

Biết đến Di tích lịch sử cơ quan Tỉnh ủy Gia Lai, song chưa có dịp đến thăm, chị Trần Thị Hoài Thương-Bí thư Đoàn xã Biển Hồ (TP. Pleiku) đã quét mã QR do Tỉnh Đoàn cung cấp để tìm hiểu thông tin lịch sử. Bí thư Đoàn xã Biển Hồ cho biết: “Nhờ có mã QR, tôi nắm được thông tin đầy đủ, chi tiết về khu di tích. Tôi sẽ sắp xếp thời gian để trực tiếp đến di tích tham quan, trải nghiệm. Tôi cũng chia sẻ mã QR lên fanpage Đoàn xã Biển Hồ để đoàn viên thanh niên truy cập, trải nghiệm, giúp nắm vững kiến thức lịch sử”.

Theo chia sẻ của anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh, công trình số hóa “Di tích lịch sử cơ quan Tỉnh ủy Gia Lai” đã phát huy sự sáng tạo của tuổi trẻ trong việc ứng dụng công nghệ để tham gia bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị “địa chỉ đỏ” trên địa bàn.

Công trình sẽ tiếp tục được nâng cấp, mở rộng đến các khu vực, bia di tích của các cơ quan thuộc Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh, đồng thời giới thiệu đến đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

1bg.jpg
Các cán bộ, chuyên viên của Huyện Đoàn Chư Păh quét mã QR để tìm hiểu thông tin về Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Nghĩa Hưng. Ảnh: P.L

Các tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh cũng thể hiện sự sáng tạo, nhanh nhạy để số hóa dữ liệu các “địa chỉ đỏ”. Trong đó, công trình thanh niên “Số hóa địa danh Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Nghĩa Hưng” do Huyện Đoàn-Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Chư Păh thực hiện đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và người dân vì tạo thuận lợi trong việc tra cứu những thông tin lịch sử.

Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Nghĩa Hưng là công trình ghi công, tri ân các chiến sĩ cách mạng trong trận tập kích cứ điểm 42 Biển Hồ. Công trình này nằm ở thôn 8 (xã Nghĩa Hưng), là điểm đến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện trong mỗi chuyến về nguồn.

Để tích hợp đầy đủ, chính xác thông tin trên mã QR, cán bộ, chuyên viên của Huyện Đoàn Chư Păh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, đối chiếu, sử dụng tư liệu do các ban, ngành, đoàn thể cung cấp, được Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy thẩm định.

Mã QR được Huyện Đoàn Chư Păh đặt trước cổng và trong khuôn viên Nhà bia tưởng niệm giúp du khách thuận lợi tra cứu, tìm hiểu. Trong mã QR tích hợp thông tin, hình ảnh, video clip về tổng thể nhà bia tưởng niệm; vị trí địa lý; danh sách cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 20A hy sinh khi tập kích cứ điểm 42 Biển Hồ ngày 6-5-1972; văn bia viếng các anh hùng liệt sĩ, hình ảnh các hoạt động tại di tích.

Chỉ bằng thao tác quét mã QR trên điện thoại thông minh có kết nối internet, du khách có thể tìm hiểu thông tin nhanh chóng, tiện ích. Bà Trần Thị Tình-Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Chư Păh-bày tỏ: “Tôi rất vui khi thấy các bạn trẻ biết trân trọng những giá trị lịch sử, thể hiện sự tri ân bằng việc số hóa dữ liệu di tích lịch sử để nhiều người biết đến công trình Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Nghĩa Hưng. Hy vọng tổ chức Đoàn tiếp tục số hóa dữ liệu nhiều “địa chỉ đỏ” trên địa bàn huyện”.

Chị Nguyễn Hoài Phương-Bí thư Huyện Đoàn Chư Păh-cho hay: Hiện nay, mọi người có thể tra cứu trên Google về các di tích lịch sử song thông tin không đồng nhất, một số thông tin không chính xác. Chính vì thế, Huyện Đoàn đã thực hiện công trình số hóa địa danh Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Nghĩa Hưng và tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để số hóa thêm dữ liệu một số “địa chỉ đỏ” trên địa bàn.

“Mỗi lần thực hiện công trình số hóa, tôi cùng đoàn viên thanh niên được ôn lại kiến thức lịch sử, hiểu rõ hơn về các địa danh lịch sử của địa phương”-chị Phương nói.

Giáo dục truyền thống cách mạng

Các “địa chỉ đỏ” chính là nơi để thế hệ trẻ hôm nay hiểu sâu sắc hơn về lịch sử đấu tranh cách mạng của thế hệ cha anh, từ đó khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Số hóa dữ liệu “địa chỉ đỏ” là cách để thế hệ trẻ bảo tồn, lưu giữ tư liệu, hình ảnh về di tích.

Đồng thời, việc triển khai số hóa dữ liệu các “địa chỉ đỏ” thể hiện sự tiên phong, sáng tạo, đổi mới của thế hệ trẻ trong công tác quảng bá điểm đến, tiết kiệm kinh phí tuyên truyền.

2bg.jpg
Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám và Đoàn Trường THPT Pleiku thực hiện công trình số hóa dữ liệu Di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ. Ảnh: P.L

Thành Đoàn Pleiku đã thực hiện được 4 công trình số hóa dữ liệu “địa chỉ đỏ” gồm: di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ, di tích lịch sử Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú, di tích lịch sử-văn hóa Nhà lao Pleiku, di tích lịch sử căn cứ cách mạng Khu 9. Các công trình được Thành Đoàn giao cho các tổ chức Đoàn-Hội khối THPT thực hiện.

Tùy theo khả năng sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin của đoàn viên thanh niên, công trình số hóa dữ liệu các di tích lịch sử được thiết kế theo những hình thức khác nhau, có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo; tích hợp thông tin, hình ảnh, âm thanh phù hợp, logic, dễ hiểu.

Anh Thái Giang Nam-Bí thư Thành Đoàn Pleiku-thông tin: Trước đây, khi đến các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn tỉnh, muốn tìm hiểu thông tin về di tích, hiện vật được trưng bày thì phải nhờ nhân viên bảo vệ hoặc hướng dẫn viên. Song không phải di tích nào cũng có người hướng dẫn. Vì thế, các tổ chức Đoàn trên địa bàn thành phố đã tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, quay phim và chụp hình di tích để tích hợp thông tin chính xác vào mã QR. Nhờ việc triển khai số hóa, đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố có thể biết được toàn bộ thông tin về “địa chỉ đỏ” nhanh chóng.

“Số hóa” dữ liệu di tích lịch sử thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ tỉnh nhà tham gia chương trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 12 “địa chỉ đỏ” được các cấp bộ Đoàn triển khai số hóa dữ liệu, tiêu biểu như: di tích Chiến thắng Đak Pơ, di tích Hòn đá ông Nhạc, di tích Bia Chăm Tư Lương (Huyện Đoàn Đak Pơ thực hiện); Khu lưu niệm lịch sử nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện H2 (Huyện Đoàn Krông Pa thực hiện)...

Về các “địa chỉ đỏ” được số hóa dữ liệu trên địa bàn tỉnh, anh Đỗ Đức Thanh cho hay: Các công trình không chỉ mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng mà còn đưa các di tích lịch sử đến gần hơn với người dân, du khách. Các công trình cũng thể hiện trách nhiệm của tổ chức Đoàn-Hội-Đội trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai lấy ý kiến thay đổi số lượng bình chọn Công dân trẻ tiêu biểu năm 2024

Gia Lai lấy ý kiến thay đổi số lượng bình chọn Công dân trẻ tiêu biểu năm 2024

(GLO)- Nhằm đảm bảo số lượng theo quy định, Tỉnh Đoàn vừa có Công văn gửi đại diện lãnh đạo thuộc Hội đồng xét, bình chọn Công dân trẻ tiêu biểu tỉnh Gia Lai về việc xin ý kiến thay đổi số lượng và danh sách đề nghị xét, khen thưởng Công dân trẻ tiêu biểu năm 2024.

Học sinh THPT góp quỹ chung tay xóa nhà tạm

Học sinh THPT góp quỹ chung tay xóa nhà tạm

(GLO)- Với hình thức vận động học sinh nuôi heo đất, tiết kiệm tiền tiêu vặt hàng ngày và kêu gọi nguồn lực từ các nhà hảo tâm, một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nguồn quỹ để hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh”.

 “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa-túi nilon” nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

“Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa-túi nilon” nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

(GLO)- Mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa-túi nilon” do Đoàn phường Yên Thế (TP. Pleiku) triển khai tại chợ Yên Thế đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giảm thiểu sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần khi đi chợ để bảo vệ môi trường.

Chị Lê Thị Luyên trao đổi với anh Đinh Klet-Bí thư Chi Đoàn làng Dơ Nông Ó về mô hình tủ sách pháp luật điện tử của Đoàn xã Kông Htok. Ảnh: R.H

“Thủ lĩnh” thanh niên ở Kông Htok

(GLO)- Trong vai trò “thủ lĩnh” thanh niên cùng tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo, chị Lê Thị Luyên-Bí thư Đoàn xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã có nhiều đóng góp trong công tác Đoàn, góp phần thay đổi nhận thức và đời sống của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở địa phương.