Chiếc máy làm giá đỗ tự động của nhóm sinh viên ngành kỹ thuật thực phẩm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã được một đơn vị quân đội đặt mua vì tính tiện dụng.
Nguyễn Phúc Bình bên cạnh chiếc máy làm giá đỗ tự động của nhóm. Ảnh: Lê Văn |
Sinh viên Bách khoa chế tạo robot như người thật
Khác với những sản phẩm công nghệ cao như máy bay tự lái, kính thực tế ảo hay robot dạng người xuất hiện tại Triển lãm sản phẩm khoa học trẻ Bách khoa được tổ chức trong hai ngày 1-2/6, sản phẩm của nhóm sinh viên năm thứ 3 ngành kỹ thuật thực phẩm vẫn gây được sự chú ý với công dụng rất gần gũi và thiết thực: làm giá đỗ tự động.
Nguyễn Phúc Bình, sinh viên K59 ngành Kỹ thuật thực phẩm, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, một trong 3 thành viên của nhóm cho biết, hiện trên thị trường đã có những thiết bị làm giá đỗ với quy mô công nghiệp hoặc thủ công tại hộ gia đình song ở quy mô sản xuất vừa và nhỏ thì vẫn chưa có.
Xuất phát từ thực tế này, nhóm của Bình dưới sự hướng dẫn của TS Phạm Ngọc Hưng và các anh chị khóa trên đã nghiên cứu tối ưu quy trình sản xuất và chế tạo chiếc máy làm giá đỗ quy mô vừa và nhỏ với những tính năng vượt trội.
"Đây là chiếc máy làm giá đỗ tự đồng hoàn toàn. Người dùng chỉ cần cho đỗ vào khay sau đó nhấn nút start (bắt đầu) và sau 48 tiếng là có thể thu hoạch được" - Bình cho hay.
Theo Bình, chiếc máy làm giá đỗ tự động của nhóm bao gồm hệ thống tưới nước tự động, hệ thống hồi lưu nước tưới, hệ thống kiểm soát nhiệt độ nước khi ngâm và tưới… Vì vậy, người sử dụng thậm chí không cần phải ngâm giá đỗ trước như trong quy trình làm thủ công.
Bình cũng cho biết, để thiết kế chiếc máy nhóm của Bình cũng đã thực hiện các khảo sát, nghiên cứu về nhiệt độ, thời gian ngâm đỗ, nhiệt độ nước tưới, mật độ gieo… để tìm ra những chỉ số tối ưu nhất cho quy trình làm giá đỗ.
Theo khảo sát của nhóm Bình, nhiệt độ ngâm đỗ tối ưu là ở 35 độ C, thời gian ngâm là 4h, nhiệt độ nước tưới là 28-30 độ C, mật độ gieo đỗ là 35 g/dm2… Với những thông số này, tỉ lệ nảy mầm của đỗ là cao nhất.
Với những khảo sát để tối ưu quy trình công nghệ và sử dụng máy tự động, chiếc máy của nhóm Bình đã rút ngắn được thời gian thu hoạch từ 20-24 giờ và tiết kiệm được khoảng 150 lít nước/1kg nguyên liệu đỗ so với các phương pháp thủ công.
"Năng suất của chiếc máy làm giá đỗ tự động khoảng 30 kg giá/mẻ với nguyên liệu đầu vào khoảng 4 kg/đỗ"-Bình cho biết. Năng suất của chiếc máy phù hợp với những bếp ăn ở các khu công nghiệp, doanh trại quân đội hoặc sử dụng cho các hộ kinh doanh vừa và nhỏ.
Ngoài năng suất tương đương với phương pháp làm thủ công, với chiếc máy làm giá đỗ tự động này của nhóm Bình, việc sản xuất giá đỗ có thể đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh bị tác động bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh như nhiệt độ, độ ẩm, khí hậu… nhờ đó sẽ cho ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn.
"Sản phẩm giá đỗ làm ra từ chiếc máy này nhóm em cũng đã tiến hành so sánh với các chỉ tiêu do Bộ Y tế đưa ra về chiều cao, màu sắc, rễ. Kết quả cho thấy, sản phẩm đều đạt và vượt chất lượng tiêu chuẩn được đề ra" - Bình cho hay.
Nguyễn Phúc Bình tiết lộ, mặc dù nhóm mới làm 1 chiếc máy như một đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tuy nhiên, theo thầy giáo hướng dẫn của nhóm, hiện đã có một đơn vị quân đội đặt mua sản phẩm này.
Bình cũng cho biết giá thành của một chiếc máy làm giá đỗ tự động khoảng 15 triệu đồng.
Theo Vietnamnet