Sinh tồn hậu chấn thương tủy sống: Nằm viện lẻ loi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Có những bệnh nhân bị liệt, bị loét, mất tự chủ tiểu tiện do chấn thương tủy sống, phải nằm viện nhưng không có người thân chăm sóc. Ngoài nỗi đau thể xác, họ còn chất chứa nỗi đau tinh thần.

Hai hàng nước mắt chảy dài

Anh Hồ Vĩnh Phúc (49 tuổi, ngụ xã Sùng Nhơn, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) bị tổn thương tủy sống ngực sau một tai nạn lao động cách đây hơn chục năm. Hồi trước, mỗi khi anh nằm viện đều có vợ hoặc con đi theo chăm sóc. Khoảng ba năm nay, người vợ bỏ nhà đi, con cái làm ăn thất bát và dính nợ nần, nên anh Phúc nhiều lần nằm viện trong cảnh cô độc.

Anh Hồ Vĩnh Phúc nhiều lần nằm viện mà không có người thân chăm sóc. Ảnh: NHƯ LỊCH

Anh Hồ Vĩnh Phúc nhiều lần nằm viện mà không có người thân chăm sóc. Ảnh: NHƯ LỊCH

Đợt nằm viện đầu năm nay của anh Phúc kéo dài hơn 2 tháng tại Khoa Tổn thương tủy sống Bệnh viện (BV) Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM. Anh Phúc bị liệt từ ngực trở xuống, không tự chủ tiểu tiện, bị loét tì đè. Đã vậy, lúc đó anh mới phẫu thuật bìu tinh hoàn và bàng quang (từ BV Chợ Rẫy chuyển qua), nên càng cần người thân chăm sóc.

Do nằm viện xuyên Tết Nguyên đán, anh Phúc hoang mang nghĩ đến cảnh mọi người cùng phòng đều về quê, chỉ còn anh trơ trọi không biết xoay trở ra sao trên giường bệnh. May mắn là phòng anh Phúc có hai bệnh nhân lớn tuổi ở lại và anh được người thân của họ hỗ trợ trong sinh hoạt hằng ngày.

Theo anh Phúc, đa số người nhà của các bệnh nhân từng ở cùng phòng với anh rất tốt bụng, sẵn lòng giúp đỡ anh. Có điều họ còn phải ưu tiên săn sóc cho người thân của họ cũng bị liệt, bị loét...

Sau tết, anh Phúc phải thuê một phụ nữ chuyên nuôi bệnh (anh từng mướn chị này trong những ngày anh nằm hậu phẫu tại BV Chợ Rẫy). Eo hẹp tiền bạc, anh chỉ mướn ca phụ với giá 200.000 đồng/ngày (ca chính 500.000 đồng/ngày). Là ca phụ nên sự chăm sóc cũng ở mức "phụ", vì người nuôi còn phải chạy lo ca chính và vài ca phụ khác.

Chú Cường (quê Cà Mau) đi nuôi vợ bệnh, nhiệt tình giúp đỡ những bệnh nhân không có thân nhân như anh Phúc. Ảnh: NHƯ LỊCH

Chú Cường (quê Cà Mau) đi nuôi vợ bệnh, nhiệt tình giúp đỡ những bệnh nhân không có thân nhân như anh Phúc. Ảnh: NHƯ LỊCH

Chẳng hạn việc vệ sinh cơ thể, anh Phúc cho biết 3-4 ngày anh mới dám mở lời: "Chị ơi giặt dùm em cái khăn để em lau người, không thôi nóng nực rít rát quá". Thay vì mỗi ngày được thay ga trải giường, còn anh Phúc thì: "Chị ơi lên thay ga dùm em với, chứ cả tuần nay rồi chưa thay, ngứa lắm"…

Anh Phúc thổ lộ: "Mình liệt hai chân, mới mổ tinh hoàn và bàng quang, vệ sinh tại chỗ mà không có người thân kề cận. Người ta chỉ chăm phụ, mình cần cái chi quan trọng lắm mới gọi điện. Kể cả nhiều khi mình cần nhưng không dám gọi, chỉ biết nằm chơ vơ câm nín, hai hàng nước mắt chảy dài".

Là người khuyết tật nặng, anh Phúc thuộc diện được hưởng 100% BHYT. Tuy vậy, anh cũng phải tốn mấy triệu đồng mua một vài loại thuốc ngoài danh mục BHYT. Đặc biệt, các khoản băng, gạc, tã, ăn uống hằng ngày, thuê người nuôi bệnh, xe cộ… đã ngốn sạch khoản tiền 35 triệu đồng vay mượn của anh. Dù vết thương chưa lành hẳn, anh Phúc phải xin xuất viện.

Khi được hỏi sao không xin hỗ trợ từ BV, anh Phúc giải thích: "Phòng công tác xã hội của BV cũng có giúp đỡ những ca đặc biệt khó khăn. Trường hợp của tui không có người nhà đi chứng giấy xác nhận hoàn cảnh ở địa phương và làm các thủ tục nên tui không dám xin".

Bị liệt hai chân do tổn thương tủy sống và có hoàn cảnh tương tự anh Phúc, anh Quách Văn Nhứt (42 tuổi, hành nghề bán vé số, tạm trú tại Q.Bình Tân, TP.HCM) cũng trải qua nhiều đợt nằm viện lẻ loi. Anh Nhứt tâm sự: "Biết bao lần tui tự ôm bịch đồ vô bệnh viện một mình rồi tự về một mình. Nhiều khi cũng tủi thân, người ta có anh em có vợ chồng, còn mình thui thủi".

'Nâng cấp' chăm sóc bản thân

Từ vùng biên giới xa xôi, anh Trần Anh Tuấn (38 tuổi, ngụ xã Ia Nan, H.Đức Cơ, Gia Lai) từng xuống TP.HCM hơn 2 tháng để mổ và điều trị ổ loét tì đè trong tình cảnh không người thân săn sóc. May thay, anh được người nhà của những bệnh nhân cùng phòng cưu mang.

Ám ảnh cảnh nằm viện đơn độc, anh Trần Anh Tuấn (tỉnh Gia Lai) tự “nâng cấp” chăm sóc bản thân. Ảnh: NVCC

Ám ảnh cảnh nằm viện đơn độc, anh Trần Anh Tuấn (tỉnh Gia Lai) tự “nâng cấp” chăm sóc bản thân. Ảnh: NVCC

Anh Tuấn bị gãy cột sống, liệt hai chân vào năm 32 tuổi. Đó là ngày 4.3.2017, khi anh đang làm thuê trong một xưởng mộc tại Campuchia thì bị ngã từ trên cao xuống, lưng đập vào khúc gỗ to. Tai nạn bất ngờ đã lấy đi của anh sinh lực tuổi trẻ, công việc và hạnh phúc gia đình. Anh bộc bạch: "Tổn thương tủy sống khiến đôi chân em không còn cảm giác, suốt ngày đêm tê rát kiểu như bị nước sôi dội vào. Em thành người tàn phế, kinh tế gia đình khó khăn, nên vợ em chán nản".

Nhiều năm nay, vợ chồng anh Tuấn không còn sống chung. Trước đợt nằm viện dài ngày để mổ ổ loét (năm 2021), anh Tuấn phải gửi đứa con gái đầu lúc đó mới 5 tuổi ra Nam Định nhờ bác ruột của bé nuôi dưỡng, vì vợ anh bồng đứa con trai út bỏ nhà đi đâu không rõ. Hiện tại người vợ đã trở về, nhưng vợ chồng anh vẫn ly thân. Con trai anh Tuấn đang học lớp 1, khi thì bé sống với ba, lúc thì về nhà ngoại (gần đấy) ở với mẹ.

Mưu sinh bằng việc bán những món đồ lặt vặt tại nhà như bánh snack cho trẻ con, mì tôm, gói dầu gội đầu…, anh Tuấn kiếm được 10.000 - 20.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, anh còn nhờ khoản trợ cấp xã hội 540.000 đồng/tháng. Anh Tuấn kể: "Mỗi ngày em nấu nửa bát gạo, hai bố con ăn không hết. Hôm nào bố ăn mì tôm thì thằng bé cũng ăn mì tôm. Nếu nó không ăn bên này thì sang bên kia với mẹ nó".

Không còn đôi chân lành lặn, người thợ mộc dọc ngang một thời nay ngồi xe lăn làm mọi việc trong ngoài, từ chăm sóc bản thân, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cho đến bán hàng, đưa đón con đi học... Tuấn cho hay anh học được các kỹ năng sống tự lập tại BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM trong năm đầu tiên điều trị sau chấn thương tủy sống.

Ám ảnh cảnh nằm viện dài ngày trong đơn độc và túng thiếu, anh Tuấn luôn tự nhủ làm sao đừng để ngã bệnh. Để ngăn ngừa loét tái phát, hễ ngồi xe lăn khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ hoặc lúc nào cảm thấy quá đau nhức, tê rát là anh lên giường nằm úp, nằm nghiêng cho thông mạch máu. Anh Tuấn giãi bày: "Nếu em ngồi suốt một buổi là mông bị loét lại. Bây giờ mình không còn khả năng đi bệnh viện điều trị, nên chỉ biết cố gắng phòng bệnh". Thi thoảng, anh xin Câu lạc bộ Chấn thương cột sống VN thuốc chống loét, thuốc chữa viêm bàng quang...

Hồi anh Tuấn nằm viện lẻ loi, có người hỏi anh sao không ra quê (Nam Định) sống cùng bố mẹ và họ hàng cho đỡ cô độc lúc bệnh tật, anh trải lòng: "Lúc khỏe em không về, mặc dù bố mẹ, chú bác nói là ngoài đấy thiếu gì công việc để mưu sinh. Nay bố mẹ gần 80 tuổi rồi, em như thế này về lại thêm gánh nặng. Sau này các cụ mất, có khi em về đó ở với con gái em". (còn tiếp)

'Đôi lúc thực tế phũ phàng'

Một bác sĩ nhiều năm điều trị về tổn thương tủy sống tại BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM tâm tình: "Đôi lúc tôi thấy thực tế phũ phàng. Có những trường hợp người nhà cứ "ôm" bệnh nhân thì kinh tế không lo được. Thêm nữa, họ phải đi nuôi nhiều tháng nhiều ngày quá, mà nuôi rất cực, khó..., nên người ta có cảm giác chán nản. Vì vậy, có tình trạng một số người nhà chịu không nổi đã buông bệnh nhân".

Cũng tại BV này, trước đây có trường hợp hai người vốn không quen biết nhau đi nuôi bệnh nhân cùng phòng. Ông này chăm vợ, bà kia chăm chồng. Sau một thời gian, hai người đó trốn đi với nhau, bỏ hai bệnh nhân chới với tại BV...

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.