Khi chúng tôi tìm hiểu về những hệ lụy chấn thương tủy sống, bác sĩ CKII Lê Hoàng Dũng, Trưởng khoa Tổn thương tủy sống (TTTS) Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, nhận xét: "Thực tế là nhiều bệnh nhân TTTS bị ảnh hưởng hạnh phúc gia đình. Nhưng chủ đề này nhạy cảm, lâu nay ít có ai đề cập".
Anh Nguyễn Văn Quyết bán tăm bông phụ nuôi con. Ảnh: NHƯ LỊCH |
Dứt áo ra đi
Thời thanh niên, anh thợ hàn Nguyễn Văn Quyết (sinh năm 1983, ngụ H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vào miền Nam mưu sinh. Sau đó, anh lập gia đình với cô gái cùng quê làm công nhân may tại Bình Dương. Đôi vợ chồng trẻ lần lượt đón hai đứa con chào đời, trai gái đủ cả.
Nhưng tai họa ập đến khi Quyết bước vào tuổi 31 (năm 2014). Trong lần leo giàn giáo lợp tôn cho người ta, anh bị ngã xuống đất, liệt từ ngực trở xuống. Đinh ninh ngày nào đó mình sẽ đi lại bình thường, Quyết nhờ cha mẹ vay tiền và đưa đi chữa chạy khắp nơi.
Sau một năm điều trị, Quyết buồn nản vì thấy bệnh không thuyên giảm. Đã vậy, vợ Quyết gửi đơn ly hôn càng khiến anh tan nát cõi lòng. Anh trách vợ: "Ngày trước anh đi làm xong là lo nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc con cái, em tăng ca về chỉ có ngồi ăn. Bây giờ anh sập (bị nạn - PV) một cái, sao em trở mặt với anh thế kia?". Người vợ phân trần: "Anh nằm một chỗ, mình em không thể lo nổi cho cả nhà". Quyết chua chát: "Nay tôi bị liệt rồi, chẳng làm ăn gì được. Thôi, muốn ly hôn thì tùy em. Cuộc sống của tôi như thế, đành chịu!".
Vợ dứt áo ra đi, hai đứa con ở lại với Quyết. Bố mẹ anh đã già và nghèo khó, đành cưu mang ba cha con Quyết.
Thêm 2 năm nữa trôi qua, đôi chân của Quyết vẫn bất động. Lúc bấy giờ, bố anh xót xa nói với Quyết: "Từ lâu bác sĩ đã bảo bệnh của con phải ngồi xe lăn suốt đời, nhưng bố sợ con buồn nên không thông báo". Suốt mấy tháng trời, Quyết ru rú trong nhà, nửa đêm bật khóc thành tiếng. Hàng xóm, bà con thân thích thường xuyên đến thăm, khuyên nhủ Quyết. Bố Quyết cũng hay mở kinh kệ cho anh nghe, dạy anh niệm Phật cầu bình an. Hai đứa con ngây thơ, hiếu thảo và chăm học cũng giúp kéo anh thoát ra vùng tối cuộc đời, như lời anh chia sẻ sau này với người viết: "Ngày nào hai đứa con cũng thỏ thẻ nói chuyện cho tôi vui. Tôi nhìn hai con mà ráng sống".
Ngoài khoản trợ cấp xã hội 720.000 đồng/tháng, những lúc sức khỏe cho phép, Quyết đi bán tăm bông để phụ bố mẹ nuôi hai đứa con của anh ăn học (hiện một cháu học lớp 7, một cháu học lớp 11).
Khát khao thầm kín
"Ngày xưa vợ chồng tui yêu thương mặn nồng, đi đâu cũng có cặp có đôi…".
Nhắc lại chuyện quá khứ, anh H. (ngụ H.Đức Linh, Bình Thuận) nghẹn giọng, ánh mắt xa xăm. "Ngày xưa", là quãng đời hạnh phúc của anh trước mốc biến cố cuộc đời xảy ra vào ngày 14.11.2009. Chỉ một giây sơ sẩy trong lúc cưa cây thuê, anh H. (lúc đó 35 tuổi) đã rơi từ ngọn cây cao 10 m, chấn thương tủy sống ngực.
Một ca tổn thương tủy sống chịu nhiều nỗi đau trong cuộc sống. Ảnh: NHƯ LỊCH |
Theo anh H., vợ chồng anh vốn cởi mở về chuyện phòng the. Tai nạn nghiêm trọng khiến anh mang nhiều di chứng, trong đó có tình trạng liệt dương, nên vợ chồng anh bàn mua dụng cụ thay thế. Anh H. tâm sự thời gian đầu, vợ anh tỏ ra "hưởng ứng" nhiệt tình. Nhưng có lần chị nằm thừ người, chảy nước mắt rồi thốt lên: "Em ước chi anh còn "cái thật"!". Nói gì cũng thấy thừa thãi, anh H. chỉ biết ngó trân lên trần nhà. Khi vợ vừa ra khỏi buồng, người đàn ông này bật khóc cay đắng…
Từ một nông dân khỏe mạnh và là lao động trụ cột của gia đình, anh H. không tránh khỏi mặc cảm bởi phần đời còn lại phải gắn với chiếc xe lăn, ngay cả tiểu tiện cũng không tự chủ được. Kinh tế khó khăn, người vợ phải bươn chải nhiều hơn, H. phập phồng lo sợ vợ sẽ bỏ anh ra đi.
Ngày qua ngày, mối nghi ngờ cứ len sâu tâm trí, anh càng cố gạt ra thì nó càng ám ảnh. Mỗi khi vợ có ai đó gọi điện thoại, anh đều nghe ngóng và âm thầm phân loại đối tượng. Nếu vợ gắt gỏng, anh mừng trong bụng: "A, đây là người hắn không thích, nên hắn nói năng có vẻ cộc lốc". Còn khi vợ cười, ruột gan anh như có lửa đốt: "Chao ôi, nhận cuộc gọi này hắn cười rúc rích, hắn đi xuống bếp, hắn ra chuồng heo thầm thì, vậy là hắn thích thằng đó rồi"...
Gần đây, tôi gặp lại anh H. thui thủi trên giường bệnh, anh rầu rĩ thổ lộ: "Vợ tui bỏ nhà theo người khác rồi, nó đi đã 3 năm nay".
Ai cũng một lần chết…
Cũng như anh Nguyễn Văn Quyết và những người tưởng chừng không chịu nổi cú sốc cuộc đời, anh H. cũng từng nghĩ đến cái chết. Có những khi nằm một mình trong ngôi nhà quạnh vắng của anh ở bìa làng, anh dằn vặt: "Bây giờ mình bị liệt, bệnh tật, lở loét, vợ con bỏ đi hết, tiền bạc túng thiếu. Hay là mình chết đi cho rồi?".
Bệnh nhân tổn thương tủy sống được người nhà kề cận chăm sóc. Ảnh: NHƯ LỊCH |
Chỉ bịch thuốc đủ loại trên giường bệnh, anh H. kể: "Thuốc giảm đau và thuốc tiểu đường lúc nào cũng sẵn có, mua một lần uống cả tháng. Nhưng tui suy đi nghĩ lại, làm vậy cũng không được, thấy có lỗi với cha mẹ, với những người đã giúp đỡ mình".
Trong những lúc bế tắc, H. hay nghĩ đến mẹ của anh, nay đã hơn 75 tuổi. Bà bị cao huyết áp và thấp khớp, hằng ngày đạp xe đến thăm và tiếp tế cơm nước cho H. lúc anh ngã bệnh. H. cho hay anh rất ấn tượng tính tình của mẹ. Bà không sân si, ai nói điều tốt bà nghe, ai nói điều xấu bà lặng lẽ rời đi. Biết chuyện vợ chồng anh H. ly thân, bà không bình phẩm con dâu nửa lời. Bà bảo H., giọng nhẹ tênh: "Ai cũng một lần chết. Còn sống bao lâu nữa mà buồn mà trách, rồi cũng lên nghĩa địa nằm thôi"...
Nương theo lời mẹ, H. cho rằng đó là phương thuốc giúp anh có chút bình tâm khi sống chung với nỗi đau thể xác lẫn tinh thần.
(còn tiếp)
Tâm sự của một người vợ "trong cuộc"
Gần chục năm nay, chị T.N.M, 38 tuổi, ngụ TP.HCM, hết lòng chăm lo cho người chồng bị liệt hai chân do TTTS. Tuy vậy, chị cũng có nỗi niềm sâu kín: "Nói chung, phụ nữ lập gia đình ai cũng mong hạnh phúc, trong đó có nhu cầu sinh lý. Từ ngày bị chấn thương tủy sống, chồng mình bị liệt luôn "cái ấy", nên mình chịu nhiều thiệt thòi, lắm khi chỉ biết khóc thầm...".
Nói về một số phụ nữ dứt áo ra đi khi có chồng bị TTTS, chị T.N.M bộc bạch: "Mình vừa thương cho người phụ nữ đó, vừa thương cho người đàn ông bị bỏ rơi. Mình nghĩ cho người đàn ông thì cũng nên nghĩ cho người phụ nữ nữa, vì nhu cầu hạnh phúc - sinh lý là tự nhiên. Bản thân tôi chịu đựng và hy sinh được, nhưng không thể trách hoặc ép người khác phải sống giống mình".
Bệnh nhân cần trao đổi thực trạng với bác sĩ
Theo bác sĩ Đinh Quang Thanh, cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, kiêm phụ trách Khoa Phục hồi chức năng, các bệnh nhân sau TTTS, tùy tình trạng nặng, nhẹ có thể bị tổn thương nhiều hoặc ít đến khả năng tình dục và chức năng sinh sản. "Bác sĩ cần đánh giá và có hướng điều trị phù hợp để giúp bệnh nhân phục hồi chức năng tình dục và sinh sản tối đa trong khả năng có thể. Bệnh nhân cũng cần trao đổi với bác sĩ điều trị của mình để nhận sự hỗ trợ cần thiết, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và duy trì hạnh phúc gia đình", bác sĩ Thanh nói.