Sắc xanh trong nắng gió biên thùy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn hàng ngày, những người lính Biên phòng đang làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới luôn vững tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Biên giới... khát
Tháng 4, biên giới nắng như đổ lửa. Nắng táp vào người, gió thông thốc thổi hơi nóng và từng lớp bụi vào mặt. Mồ hôi trên người cứ túa ra như tắm. Thứ “đặc sản” miền biên viễn ấy dù đã được “thưởng thức” nhiều lần nhưng vẫn khiến tôi e ngại. 
Dừng chân ở cổng Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động (xã Ia Púch, huyện Chư Prông, Gia Lai), tôi liếc vội qua màn hình điện thoại và giật mình khi thấy nhiệt độ đang ở mức 39 độ C. Với nhiệt độ ấy, ngồi trong nhà bật quạt máy có khi còn thấy mệt. Vậy mà, ngày nối ngày, những người lính Biên phòng nơi đây vẫn miệt mài với công tác huấn luyện, tuần tra, kiểm soát... để giữ vững bình yên biên giới.
 Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai) tuần tra trên sông. Ảnh: P.D
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai, Gia Lai) tuần tra trên sông. Ảnh: P.D
Có lẽ với những người lính Biên phòng, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt không phải là điều đáng quan tâm, lo ngại. Điều mà họ luôn trăn trở là làm thế nào để khắc phục tình trạng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Gần 2 năm chuyển về vị trí đóng quân mới, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động đã khoan gần 10 mũi ở nhiều vị trí khác nhau, có mũi sâu cả 100 m nhưng chỉ 1 điểm có nước. Lượng nước từ giếng khoan này không nhiều nên mỗi ngày đơn vị phải bơm vài lần mới đủ nước phục vụ nấu nướng, ăn uống; còn nước dùng cho bộ đội tắm giặt, sinh hoạt đều phải bơm từ dưới suối lên. Riêng với Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ), đầu năm 2019, tình trạng thiếu nước sinh hoạt mới được cải thiện nhờ đơn vị có 1 giếng khoan. Song nước từ giếng khoan cũng không đáp ứng đủ nhu cầu nên bộ đội vẫn phải sử dụng nước từ hồ (cách đơn vị khoảng 1 km) trong sinh hoạt hàng ngày. Thiếu tá Nguyễn Văn Lý-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Nan-cho biết: “Có thời điểm, để khắc phục tình trạng thiếu nước, đơn vị linh động giải quyết cho một số cán bộ có nhà ở các xã lân cận, trong bán kính cho phép về nhà tắm, giặt buổi chiều rồi trở lại đơn vị”.
Thật khó để lột tả nỗi khổ của những người lính nơi đây bởi vừa làm việc dưới cái nắng như thiêu đốt lại phải sinh hoạt trong điều kiện nguồn nước không đảm bảo, thậm chí còn phải tiết kiệm để tăng gia sản xuất và xây dựng cảnh quan môi trường. Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông) được mệnh danh là Đồn Biên phòng “đệ nhất nóng” vì khí hậu mùa khô luôn ở mức 39-40 độ C. Do đó, xây dựng cảnh quan môi trường xanh luôn là điều cán bộ, chiến sĩ đơn vị quan tâm. “Trong 2 năm trở lại đây, nhờ có 2 giếng khoan nên đơn vị không còn thiếu nước sinh hoạt cho bộ đội, nhưng nguồn nước phục vụ tăng gia sản xuất và chăm sóc cảnh quan môi trường vẫn phải tận dụng tối đa. Đơn vị luôn xác định xây dựng cảnh quan môi trường không chỉ là tiêu chí để xây dựng đơn vị chính quy mà hơn thế nó còn được xem là “lá phổi xanh”, máy điều hòa không khí trong thời tiết khắc nghiệt”-Thiếu tá Nguyễn Văn Quang-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Lốp-chia sẻ. Tương tự, mỗi tuần, Đồn Biên phòng Ia Nan đều phải thuê máy bơm của người dân để bơm nước từ dưới suối Kamat (cách đơn vị chừng 2 km) về bể chứa với dung tích 50 m3 để tưới rau và chăm sóc cảnh quan môi trường.
Lấp lánh những “ngôi sao xanh”
Dẫu luôn phải đối diện với khó khăn, thiếu thốn nhưng những “ngôi sao xanh” vẫn luôn lấp lánh trong nắng gió biên cương. Đó là hình ảnh các cán bộ tăng cường xã biên giới, các đảng viên Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 50/50 chi bộ thôn, làng luôn tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn biên giới vững mạnh. Đó còn là hình ảnh những cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) quan tâm chăm chút từng bữa ăn cho các cháu học sinh nghèo tại “Bếp ăn tình thương”; những người lính Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) không quản ngại nắng mưa đến từng làng, ghé từng nhà vận động các cháu nhỏ đến trường; hay người lính Đồn Biên phòng Ia Mơr (huyện Chư Prông) xắn quần lội ruộng, hướng dẫn người dân trồng lúa nước để tăng thu nhập... Chưa kể, các đơn vị còn thường xuyên cử cán bộ quân y xuống từng làng, đến từng nhà khám bệnh, cấp phát thuốc và hướng dẫn nhân dân cách phòng tránh các loại dịch bệnh trong thời điểm giao mùa; giúp dân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nạo vét kênh mương, xây dựng hàng rào, đào hố rác, cải tạo vườn tạp, làm mới chuồng bò...
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ) hướng dẫn em Siu HDiệu học bài. Ảnh: P.D
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ) hướng dẫn em Siu HDiệu học bài. Ảnh: P.D
Đặc biệt, những năm gần đây, những người lính quân hàm xanh còn tích cực chung sức cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã biên giới tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Giai đoạn 2017-2020, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh được giao giúp xã biên giới Ia Mơr xây dựng NTM. Đây là xã có xuất phát điểm khá thấp, vì vậy, Bộ Chỉ huy đã giao cho 2 Đồn Biên phòng: Ia Mơr và Ia Lốp phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, tích cực góp công, góp của... Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng huy động cán bộ, chiến sĩ ủng hộ được 30 triệu đồng để sửa chữa cụm loa truyền thanh của xã, góp phần hoàn thành tiêu chí thông tin và truyền thông. “Thời gian tới, đơn vị tiếp tục cùng địa phương hoàn thành tiêu chí quốc phòng-an ninh, trong đó tập trung tham mưu cho Đảng ủy xã thành lập cấp ủy trong chi bộ dân quân và tăng cường, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn”-Thượng tá Đoàn Văn Khải-Tổ phó tổ xây dựng NTM trên địa bàn xã Ia Mơr-cho biết.
Ngoài ra, các Đồn Biên phòng cũng chủ động trao đổi, tham mưu, phối hợp với địa phương tập trung giúp các xã hoàn thành các tiêu chí NTM theo đúng lộ trình đã đề ra. Giai đoạn 2016-2018, Đồn Biên phòng Ia Nan là đơn vị duy nhất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng NTM”. Nói về điều này, Đại úy Phan Trung Tình-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Nan-cho hay: Năm 2018, làng Sơn được huyện Đức Cơ chọn làm điểm để xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Chung sức cùng địa phương, đơn vị đã triển khai cho 65 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia các phần việc, như: dọn dẹp vệ sinh đường làng, làm hàng rào, sửa chữa đường giao thông, nạo vét kênh mương, khơi thông rãnh thoát nước; tuyên truyền nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm... Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp vận động 11 hộ hiến đất làm 250 m đường giao thông nông thôn; hỗ trợ 300 kg gạo cho 6 hộ nghèo, tặng 1 con bò giống và 2 chiếc giường cho những hộ khó khăn; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cấp 15 thùng phuy đựng nước cho 15 hộ nghèo và 49 cây bơ giống cho hội viên phụ nữ...
Ai đó đã nói rằng “Nơi nào khó khăn, ở đó có cán bộ, chiến sĩ Biên phòng!”. Thật vậy, với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt!”, những người lính Biên phòng đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo NTM vùng biên. Và hẳn nhiên những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã được quần chúng nhân dân tin tưởng, cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Ông Ksor Tuy-Bí thư Đảng ủy xã Ia O (huyện Ia Grai) nhấn mạnh: “Mỗi khi trong làng, trong xã cần huy động lực lượng, chúng tôi đều nhờ đến cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O hỗ trợ. Mới đây, trên cơ sở công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và thực hiện phong trào xây dựng NTM, chúng tôi đã đề xuất với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và được đơn vị hỗ trợ 2 ti vi cho xã, 2 loa cầm tay cho làng O và làng Mít Kom 1”. Theo ông Ksor Tuy, xã đang tập trung xây dựng 2 làng NTM. Vì vậy, xã rất mong Bộ đội Biên phòng tiếp tục quan tâm cùng với xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và rà soát, giúp đỡ hộ nghèo... Còn ông Kpuih Bai-Bí thư Đảng ủy xã Ia Púch (huyện Chư Prông) thì luôn khẳng định rằng: “Những người lính Biên phòng rất tuyệt vời, luôn gần gũi và sâu sát với nhân dân”.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

(GLO)- Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 12-11, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Chư Pưh tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” cho học sinh huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.