Rời phố về quê, chàng trai trồng hơn 100 gốc hoa hồng trước nhà đầy thơ mộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau 10 năm ở TP.HCM, anh Đào Công Thanh Duy (30 tuổi), đã quyết định chuyển hẳn về quê tại H.Tân Trụ, tỉnh Long An, sinh sống vào năm 2022. Vốn yêu thích hoa hồng nên khi du lịch, hay lướt mạng xã hội anh Duy đều mua giống về trồng.

Những ngày này, khu vườn hơn 100 gốc hoa hồng đủ loại trước ngôi nhà được dựng bằng lá dừa nước của anh Duy lại trổ bông. Hoa hồng nhà anh Duy trồng có đủ màu sắc từ đỏ đậm, vàng, trắng… đứng giữa khu vườn vào buổi sáng sẽ ngửi được mùi hương thoang thoảng rất dễ chịu.

Anh Duy đã có gần 2 năm kinh nghiệm trồng hoa hồng. Ảnh: KIM NGỌC NGHIÊN

Anh Duy đã có gần 2 năm kinh nghiệm trồng hoa hồng. Ảnh: KIM NGỌC NGHIÊN

Hiện tại, khu vườn của anh Duy đang trồng các giống hoa hồng cổ Sapa, Hải Phòng, Vân Khôi, son môi… và các loại ngoại như: abraham darby, spirit of freedom, kate, red eden, kizuna, vineyard song… Anh Duy cho biết rất mê hoa hồng nên có dịp du lịch ở làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), TP.Hà Nội, TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)… là mua về nhà trồng. Hay những lúc lướt mạng xã hội thấy có người đăng bán giống hồng mới là hỏi mua ngay.

Hai bên con đường vào nhà anh Duy được trồng nhiều hoa hồng leo. Ảnh: KIM NGỌC NGHIÊN

Hai bên con đường vào nhà anh Duy được trồng nhiều hoa hồng leo. Ảnh: KIM NGỌC NGHIÊN

“Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên mình chỉ mua những chậu hồng khoảng 35.000 đồng để thử nghiệm. Mình nhận ra hoa hồng ở những vùng khí hậu mát mẻ vẫn có thể thích nghi được khi trồng tại tỉnh Long An. Tuy nhiên, thời gian đầu cây chỉ sống mà không phát triển tươi tốt được. Khoảng 1 năm sau khi trồng thì hoa hồng mới có thể thích nghi và cho hoa ổn định. Chất lượng hoa nở chỉ ở mức khá, chứ không thể đẹp như khi người ta trồng ở vùng có khí hậu mát mẻ”, anh Duy chia sẻ.

Trước nhà anh Duy, hoa hồng đủ màu sắc nở rộ. Ảnh: KIM NGỌC NGHIÊN

Trước nhà anh Duy, hoa hồng đủ màu sắc nở rộ. Ảnh: KIM NGỌC NGHIÊN

Thời gian đầu, anh Duy phải mua giá thể từ Đà Lạt về trồng hoa hồng. Được một thời gian, anh Duy mới mày mò phân tích, học hỏi trong sách, xin kinh nghiệm của những người trồng hoa hồng trước đó để tự trộn giá thể bao gồm: phân bò, vỏ trấu, xơ dừa, rơm mục, đất… theo một tỉ lệ nhất định. Tất cả hoa hồng khi mới mua về, anh Duy đều đặt trong chậu, khi cây đã thích nghi được với khí hậu thì sẽ chuyển sang trồng trực tiếp ở khu đất trước nhà.

Theo anh Duy, khoảng 1 năm sau khi trồng thì cây mới thích nghi và cho hoa to, đẹp. Ảnh: KIM NGỌC NGHIÊN

Theo anh Duy, khoảng 1 năm sau khi trồng thì cây mới thích nghi và cho hoa to, đẹp. Ảnh: KIM NGỌC NGHIÊN

“Hoa hồng cần rất nhiều chất dinh dưỡng phân hữu cơ được ủ từ chuối, đậu nành, đầu cá… Vì vậy, mỗi tuần mình đều tưới phân, làm cỏ. Ngoài ra, hoa hồng cũng dễ mắc một số bệnh hại từ bọ trĩ, nhện đỏ hay thối rễ. Vì vậy, mỗi ngày mình đều ra vườn ngắm nghía từng cây, nếu có triệu chứng gì thì phải can thiệp ngay lập tức. Ngoài ra, mình còn sử dụng rơm phủ lên gốc để tăng độ ẩm và hạn chế cỏ phát triển, hút hết chất dinh dưỡng của cây”, anh Duy chia sẻ.

Mỗi ngày, anh Duy phải ra vườn ngắm nghía từng gốc hoa hồng để kịp thời xử lý nếu có bệnh hại. Ảnh: KIM NGỌC NGHIÊN

Mỗi ngày, anh Duy phải ra vườn ngắm nghía từng gốc hoa hồng để kịp thời xử lý nếu có bệnh hại. Ảnh: KIM NGỌC NGHIÊN

Anh Duy cho biết các giống hoa hồng ngoại như: tropical sunset, juliet… rất khó chăm sóc. Vì vậy, muốn trồng những loại này phải thật sự kiên trì, nhẫn nại và đợi khoảng 1 năm thì cây mới có thể thích nghi.

“Khi mới bắt đầu trồng hãy lựa chọn những giống hồng cổ của Việt Nam đã thích nghi được với khí hậu nóng ẩm, vì khả năng cây phát triển tốt sẽ cao hơn. Khi đã có kinh nghiệm chăm sóc, thì hãy trồng những giống hồng ngoại. Và người yêu hoa phải chấp nhận một sự thật rằng những giống hồng ngoại sẽ không thể nào đạt được trạng thái đẹp nhất, dù chúng ta có chăm sóc kỹ như thế nào đi nữa”, anh Duy chia sẻ.

Khung cảnh thơ mộng trước nhà anh Duy. Ảnh: KIM NGỌC NGHIÊN

Khung cảnh thơ mộng trước nhà anh Duy. Ảnh: KIM NGỌC NGHIÊN

Năm 30 tuổi, anh Duy nhận thấy tính cách không còn phù hợp với nhịp sống nhanh, năng động ở thành phố. Anh Duy bị thu hút bởi khung cảnh yên bình, mỗi buổi sáng bước ra trước nhà được ngắm nhìn cây cỏ, hít thở không khí trong lành. Anh Duy rời đi trong trạng thái vô cùng hài lòng, biết ơn vì TP.HCM đã cho nhiều trải nghiệm, cơ hội học tập đáng giá.

Có thể bạn quan tâm

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Gắn với nghiệp “gieo chữ”, những giáo viên vùng cao, giảng viên trẻ chung bầu nhiệt huyết, họ luôn giữ và thắp lên ngọn lửa tri thức, mang ánh sáng, trao những yêu thương, truyền cảm hứng gieo hy vọng cho bao thế hệ học trò vững vàng tiến bước. 

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.