Rơ Lan Đinh Diễm Phương: Luôn mong muốn thực hiện ước nguyện của người cha liệt sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong số thanh niên viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 2024, trường hợp nữ thanh niên Rơ Lan Đinh Diễm Phương (SN 2003, tổ dân phố 5, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) khá đặc biệt. Em vừa tốt nghiệp loại giỏi trường Cao đẳng Gia Lai, là đảng viên và là con liệt sĩ.

“...Sinh ra trong gia đình quân nhân, từ nhỏ bản thân đã tiếp xúc với hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ”, hình ảnh ấy luôn in sâu vào tâm trí tôi. Dù bố đã hy sinh, song được sự dạy bảo của mẹ, sự nỗ lực của bản thân, qua quá trình học tập, cùng với truyền thống gia đình, tôi càng hiểu rõ hơn về Quân đội Nhân dân Việt Nam và mong muốn được đứng vào hàng ngũ quân đội, phục vụ đất nước”-Đây là 1 phần nội dung trong đơn tình nguyện của nữ thanh niên Diễm Phương gửi Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự huyện Chư Prông.

Đại úy QNCN Đinh Thị Đoài chia sẻ với con về những khó khăn, thử thách trong môi trường mới và động viên con trước lúc lên đường. Ảnh: P.D

Đại úy QNCN Đinh Thị Đoài chia sẻ với con về những khó khăn, thử thách trong môi trường mới và động viên con trước lúc lên đường. Ảnh: P.D

Phương là chị cả trong gia đình có 2 chị em. Ông ngoại Phương từng tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Bố là liệt sĩ, Trung tá Rơ Lan Phúc, hy sinh năm 2016 khi đang công tác tại Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông). Mẹ là Đại úy QNCN Đinh Thị Đoài, công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Prông. “Khi còn sống, ông ngoại và ba đều hy vọng em sẽ sớm khoác trên mình bộ quân phục, trở thành người lính. Bản thân em cũng thích môi trường quân đội và muốn thực hiện ước nguyện của 2 người đàn ông quan trọng trong cuộc đời mình”-Phương bộc bạch. Tốt nghiệp THPT, Phương đăng ký nguyện vọng thi vào Học viện Hậu cần nhưng không đậu.

Theo học khoa Kế toán doanh nghiệp, Trường Cao đẳng Gia Lai song Phương vẫn nuôi ước mơ trở thành chiến sĩ. Vậy nên khi nắm thông tin trong đợt tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2024 địa phương có chỉ tiêu dành cho nữ, Phương đã viết đơn tình nguyện. Trải qua các bước xét duyệt về chính trị, văn hóa, sức khỏe,...Phương đáp ứng đầy đủ các điều kiện và được chọn. “Ngày nhận lệnh gọi công dân nhập ngũ, em đã khóc vì vui mừng. Điều đầu tiên em muốn làm là đứng trước bàn thờ của ông, của bố và nói rằng: cháu, con đã làm được! Nay mai thôi, cháu, con sẽ được khoác trên người bộ quân phục màu xanh đúng như ước nguyện của ông, của bố và mong muốn của bản thân”-Phương rưng rưng xúc động khi nhắc lại. Và cũng trong khoảnh khắc ấy, Phương thầm hứa với cả hai sẽ nỗ lực hết sức để học tập, rèn luyện, trưởng thành và cống hiến.

Tranh thủ khoảng thời gian trước ngày lên đường nhập ngũ, Phương phụ giúp mẹ làm việc nhà, chăm sóc vườn lan mà khi còn sống bố rất thích và vui chơi cùng cậu em trai 10 tuổi. Phương muốn có thêm nhiều kỷ niệm đẹp bên gia đình, người thân, bởi đó sẽ là hành trang để em mang theo trong suốt khoảng thời gian quân ngũ.

Nói về chặng đường phía trước, Phương bộc bạch: “Khoảng thời gian trước, khi ba còn công tác trên biên giới, 1-2 tháng mẹ sẽ chở em lên thăm. Vì vậy, em cũng hiểu phần nào những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Thỉnh thoảng, em theo mẹ vào đơn vị nên cũng biết điều kiện ăn, ở, học tập, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương. Tiếp xúc nhiều, em lại càng thích hơn môi trường, cuộc sống quân ngũ. Thích tính kỷ luật và nền nếp trong quân đội. Em hy vọng mình có thể gắn bó, phục vụ lâu dài trong quân đội”.

Phương chăm sóc những giò hoa lan trước nhà. Ảnh: P.D

Phương chăm sóc những giò hoa lan trước nhà. Ảnh: P.D

Chia sẻ về quyết định của con gái, Đại úy QNCN Đinh Thị Đoài không giấu được niềm vui: “Gia đình rất mừng, vì qua quyết định ấy thấy cháu đã trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Cháu quyết tâm thực hiện mong muốn của bản thân cũng như nguyện vọng của người đã khuất. Là người mẹ và cũng là người đi trước, mình cũng tâm sự với con về những khó khăn, thử thách trong môi trường mới và động viên con khi đã quyết tâm chọn thì phải nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Trao đổi với P.V, Trung tá Phạm Thanh Tùng-Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Prông cho biết: Năm 2024, toàn huyện có 261 thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an. Theo đó, có 78 thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ, trong đó có 1 nữ là công dân Rơ Lan Đinh Diễm Phương. Đây là trường hợp khá đặc biệt, vừa là đảng viên, đã tốt nghiệp Cao đẳng và là con liệt sĩ. Về phía đơn vị cũng đã tổ chức thăm hỏi kịp thời và động viên công dân tiếp tục phát huy truyền thống quê hương, truyền thống gia đình, nỗ lực học tập, rèn luyện, nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Mỗi mảnh đời đôi khi đơn điệu đứng một mình, nên Huệ tìm kiếm những mảnh ghép đó để kết nối lại, tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Lớp học mang tên 'Cầu vồng' dạy miễn phí cho những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ra đời từ đó...