Quy định nhà thuê 20m2/người mới được đăng ký thường trú: Gây khó khăn cho người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuối tháng 10, UBND Thành phố Hà Nội đã xây dựng tờ trình số 353 gửi Thường trực HĐND thành phố về việc phê duyệt đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở. Tuy nhiên, đến 23.11, UBND Thành phố Hà Nội lại có văn bản hoả tốc xin lùi thời gian trình nghị quyết này. Dù vậy, những động thái trên đã tác động khá lớn tới người dân, trong đó có lực lượng người lao động có nhu cầu đăng ký thường trú tại Hà Nội.

Việc đưa ra quy định bình quân 20m2 nhà ở/người mới được đăng ký tạm trú sẽ gây khó khăn cho người lao động. Ảnh: TTXVN
Việc đưa ra quy định bình quân 20m2 nhà ở/người mới được đăng ký tạm trú sẽ gây khó khăn cho người lao động. Ảnh: TTXVN
Người lao động gặp khó
Chị Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1986) là công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long. Chị đang thuê trọ ở một căn phòng chỉ hơn 10m2 tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội - nơi tập trung rất đông công nhân như chị.
“Tôi sắp lập gia đình - chị Hoa nói - và có lẽ phải tìm một chỗ khác rộng hơn để thuê ở và cũng muốn đăng ký thường trú tại địa phương để thuận lợi cho khám, chữa bệnh và học hành của con cái sau này. Thế nhưng tôi đọc báo thấy việc Hà Nội sắp quy định nhà thuê phải 20m2 mỗi người mới được đăng ký thường trú. Như vậy thì khó khăn quá”.
Chị Hoa là một trong hàng trăm nghìn người lao động có nhu cầu thuê nhà mới và đăng ký thường trú tại Hà Nội. Song, họ cũng đang rất lo lắng nếu quy định mới ban hành thì cơ hội của họ hẹp dần.
Ngày 17.10, UBND Thành phố Hà Nội đã xây dựng tờ trình số 353 gửi Thường trực HĐND thành phố về việc phê duyệt đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở. Ngày 26.10, Thường trực HĐND thành phố đã có công văn số 244 đồng ý chủ trương xây dựng quy định này. 
Nội dung đáng chú ý là dự thảo quy định đối với nhóm nhà ở có nguồn gốc sở hữu nhà nước thì hạn mức diện tích bình quân tối thiểu là 8m2. Đối với nhóm nhà ở còn lại (không có nguồn gốc sở hữu nhà nước), diện tích bình quân tối thiểu là 20m2, tính theo m2 sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ. 
Có thể hiểu, với một gia đình 4 người, muốn đăng ký hộ khẩu thường trú Hà Nội thì ngoài các quy định trong Luật Cư trú diện tích thuê tối thiểu có xác nhận phải là 80m2. Điều này gần như bất khả thi với người lao động có thu nhập thấp.
Có ý kiến cho rằng, việc ban hành quy định diện tích bình quân tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân là cần thiết, nhằm đáp ứng được vấn đề nhập cư, giãn dân và tạo môi trường sống cho người dân tại địa bàn được đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu.
Đây cũng không phải vấn đề mới, tại TPHCM, cuối năm 2018, Sở Xây dựng TPHCM cũng có tờ trình UBND TP dự thảo nghị quyết để trình HĐND TP thông qua quy định diện tích bình quân 20m2 sàn nhà ở/người áp dụng khi giải quyết đăng ký hộ khẩu thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.
Tuy nhiên, qua thẩm định dự thảo, đầu năm 2019 Sở Tư pháp có công văn gửi UBND TP đề nghị “cần đánh giá một cách thực chất, đúng yêu cầu và có đánh giá cụ thể, định lượng hơn về tác động của quy định diện tích nhà ở bình quân…”. Sau đó, đề xuất này không được thực hiện.
Mâu thuẫn với quy định của Luật Cư trú năm 2020?
Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ 1.7.2021) đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.
Trước đó, các Nghị quyết của HĐND TP.Hà Nội (Nghị quyết số 11/2013/NQ-HĐND ngày 17.7.2013 và Nghị quyết 21/2016/NQ-HĐND) quy định, diện tích ở đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở nội thành Thành phố Hà Nội đến hết năm 2020 tối thiểu là 15m2/người.
Theo khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú 2020 một trong những điều kiện đăng ký thường trú là: “Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người”. Đây là quy định chung áp dụng cho tất cả các tỉnh, thành.
Khi bàn thảo về mức 8m2/người quy định trong Luật Cư trú, nhiều ĐBQH phân tích: Để bảo đảm quyền cư trú của người dân giữa các địa phương, tránh sự tùy nghi trong quá trình triển khai thực hiện, dự thảo luật đã chỉnh lý quy định về mức diện tích bình quân về chỗ ở, diện tích nhà ở tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú. Mức diện tích tối thiểu 8m2 sàn/người là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Thứ nhất, so với Luật Cư trú thì chênh lệch giữa mức tối thiểu (8m2/người) và 20m2/người là quá cao không sát với thực tế điều kiện và giá thuê nhà hiện nay tại Hà Nội. Với giá nhà, đất hiện nay, người dân, đặc biệt là người lao động rất khó sở hữu nhà nên rất nhiều người đã và đang phải thuê nhà ở. Chính sách này, do đó, sẽ gây khó khăn cho nhiều người dân trong việc tạo lập chỗ ở ổn định khi sinh sống và làm việc dài hạn ở Hà Nội.
Đó là chưa kể, quy định mới sẽ gây khó khăn cho người dân khi muốn đầu tư xây nhà ở cho thuê của người dân, người lao động thuê nhà. Đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc kinh doanh, thu nhập của người dân có nhà cho thuê hiện nay.
Cho đến ngày 23.11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn ký văn bản hoả tốc gửi Thường trực HĐND TP.Hà Nội đề nghị lùi thời gian trình ban hành Nghị quyết của HĐND thành phố quy định diện tích nhà ở tối thiểu đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ để công dân được đăng ký thường trú trên địa bàn. 
UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2020), việc hoàn thiện hồ sơ xây dựng quy định phải đảm bảo đầy đủ các bước: Chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng, thời hạn đăng tải, thời hạn thẩm định, thời hạn thẩm tra, thời hạn gửi hồ sơ đến các đại biểu HĐND thành phố. 
Theo UBND TP.Hà Nội, để thực hiện đủ các bước như trên thì không đảm bảo thời gian để trình HĐND thành phố nội dung này vào kỳ họp cuối năm 2022, dự kiến khai mạc vào ngày 5.12 tới. 
“UBND TP.Hà Nội kính đề nghị Thường trực HĐND thành phố xem xét lùi thời gian trình ban hành Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố tại kỳ họp HĐND thành phố năm 2023 để đảm bảo thời gian về trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, văn bản hoả tốc nêu.
Mặc dù vậy, UBND TP.Hà Nội và HĐND thành phố cũng cần xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng các quy định về đăng ký hộ khẩu thường trú, tránh tạo ra những hệ luỵ và gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là người lao động có nhu cầu nhập khẩu thủ đô.
Cần tăng diện tích phòng trọ cho công nhân
Tháng 7.2022, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) thông tin: Hiệp hội vừa gửi ý kiến bổ sung đến Bộ Xây dựng, để đề nghị bổ sung tiêu chuẩn thiết kế phòng trọ vào Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế”.
Theo đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét và quyết định “diện tích tối thiểu” của phòng trọ là 10m2 (hoặc có thể là 12m2; 15m2), diện tích sử dụng không nhỏ hơn 5m2 (hoặc có thể là 6m2; 7,5m2) cho một người.
Theo ông Châu, quy định này rất cần thiết để vừa đảm bảo không gian ở phù hợp, vừa đáp ứng được các cam kết quốc tế về điều kiện ở của công nhân lao động, nhưng không tạo áp lực làm tăng giá tiền thuê phòng trọ vượt quá khả năng tài chính của người thuê.
HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét quy định khu nhà trọ có từ 10 phòng ở trở lên phải có phòng sinh hoạt chung có tối thiểu 1 phương tiện nghe nhìn (tivi) kết nối internet. Bởi lẽ, đây là tiện ích tối thiểu và cũng là không gian giao lưu, kết nối cộng đồng người thuê phòng trọ và với cả chủ phòng trọ cho thuê. T.V
Theo Linh Anh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất