Quốc lộ 1 qua Phú Yên: 123 km, hơn 5.200 "ổ gà"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng các cán bộ của Ban Quản lý dự án Thăng Long và Cục Quản lý đường bộ III đã vô cảm, đùn đẩy trách nhiệm khi để đầy rẫy "ổ gà", "ổ voi" trên Quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên.
Sáng qua, 14-12, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, cùng đoàn công tác đã thị sát tình hình hư hỏng mặt đường trên Quốc lộ (QL) 1 qua địa phận tỉnh Phú Yên.
Đào lên bỏ đó, cực kỳ nguy hiểm
Hơn 5.200 "ổ gà" là con số mà Ủy ban ATGT quốc gia đã thống kê trên 123 km QL1 qua địa phận tỉnh Phú Yên. Theo ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, tình trạng mặt đường bong tróc, sụt lún, lắm "ổ gà", "ổ voi" không chỉ mới xuất hiện mà ngay từ đầu năm 2016, khi dự án nâng cấp, mở rộng QL1 hoàn thành, đưa vào sử dụng đã có và ngày càng nặng hơn. Còn năm nay, Bộ GTVT chỉ đạo sửa chữa đến ngày 10-10 phải xong, nhưng khắc phục rất chậm. Việc sửa chữa lại rơi vào mùa mưa nên phát sinh nhiều hư hỏng. Nhiều vị trí "ổ gà" sau khi sửa chữa lại tiếp tục hư hỏng, không bảo đảm an toàn giao thông. "Khi mưa lớn, nước ngập mặt đường, người đi đường không thấy "ổ gà" nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, gây bức xúc trong nhân dân" - ông Trí nói.
Trung tá Võ Văn Thịnh, Trưởng trạm CSGT Tuy An (quản lý toàn tuyến QL1 qua Phú Yên), cho biết lực lượng CSGT phát hiện rất nhiều "ổ gà", "ổ voi" sâu và rộng rất nguy hiểm nên đã nhiều lần đề nghị rào chắn để cảnh báo, nhưng vẫn không thấy chủ đầu tư thực hiện. "Vụ tai nạn chết người vừa qua là do "ổ gà". Chỉ 3 ngày qua đã có 3 vụ tai nạn xe tải và xe khách liên quan đến "ổ gà". Xe con sụp "ổ gà" nổ lốp, méo mâm là chuyện bình thường, huống hồ gì xe máy" - trung tá Thịnh nói. Trao đổi bên ngoài cuộc làm việc, trung tá Thịnh cho hay mới đây 1 người đi xe máy trên QL1 khi qua địa phận thôn Chính Nghĩa, xã An Phú, TP Tuy Hòa thì bị sụp "ổ gà" ngã ra đường đúng lúc xe khách BKS 51B-401.52 vừa chạy tới. Cũng may, tài xế kịp đánh lái ra giữa đường, húc văng 1 đoạn dài dải phân cách giữa. Vụ tai nạn không gây thương vong nhưng đã làm nhiều người hú vía, xe khách hư hỏng nặng.
"Đường đèo Quán Cau hư lắm rồi nhưng cứ đào lên rồi bỏ đấy, chẳng có biển báo, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trong thời gian qua tỉnh Phú Yên xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm có liên quan đến việc đường hư hỏng" - đại tá Lê Xuân An, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, bức xúc.
 Đoạn Quốc lộ 1 trên đèo Quán Cau (huyện Tuy An, Phú Yên) nát như tương
Đoạn Quốc lộ 1 trên đèo Quán Cau (huyện Tuy An, Phú Yên) nát như tương
Đá quả bóng trách nhiệm!
Ông Trần Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), nói cán bộ cục này thường xuyên kiểm tra tuyến QL1 qua địa phận Phú Yên và cũng đã phối hợp với Ban ATGT Phú Yên xác nhận các điểm "ổ gà", "ổ voi". "Ban Quản lý dự án Thăng Long chưa báo cáo cụ thể cho cục về tình trạng hư hỏng. Còn các đơn vị thi công thì xử lý hư hỏng rất chậm" - ông Trung đá quả bóng trách nhiệm sang Ban Quản lý dự án Thăng Long và các đơn vị thi công.
Trong khi đó, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long lại đổ lỗi cho trời mưa lớn, nhiều đoạn đường nước ngập đến nửa mét nên đường hư rất nhanh, mưa kéo dài nên việc san lấp các "ổ gà" không kịp. Riêng đoạn qua đèo Quán Cau thuộc huyện Tuy An (Phú Yên), hư hỏng mặt đường quá lớn nên việc bảo hành của Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn gần như bỏ bê, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã phải thay nhà thầu là Công ty Bắc Phương để sửa chữa đoạn đèo này.
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, cho hay trên tuyến QL1 qua Phú Yên có đến hơn 10.000 m2 đường bị hư hỏng. Trong khi đó quỹ bảo trì của các đơn vị thi công trên QL1 qua Phú Yên giờ đã cạn. Đơn vị còn nhiều nhất cũng chỉ 20 triệu đồng, trong khi thời gian bảo hành còn 1 năm nữa. "Cứ sửa xong lại hỏng. Nhiều chỗ vá 3 lần, vá luôn bằng bê-tông nhựa nhưng vá hôm trước thì hôm sau đã bong chứ đừng nói vá tạm. Có những điểm chúng tôi vá đến 5 lần rồi mà vẫn chưa ổn" - ông Roãn nói. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc sửa chữa mặt đường, vá các "ổ gà" trên QL1 hiện nay không như các đơn vị đã nói. "Toàn tuyến có 5.200 "ổ gà" mà chỉ có 1 mũi thi công vá. Hình ảnh này mà đưa lên là rất phản cảm. Nếu anh làm nghiêm túc thì chắc chắn không có vấn đề gì xảy ra" - ông Cường nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long phải xác định trách nhiệm của mình khi để "ổ gà", "ổ voi" đầy rẫy trên QL1. Theo ông Thọ, Ban Quản lý dự án Thăng Long cũng như Cục Quản lý đường bộ III chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo việc bảo đảm ATGT, chưa xử lý kịp thời, triệt để hư hỏng. "Tôi thấy các anh báo cáo rất hay, rất bài bản, rất là trách nhiệm nhưng các anh không có trách nhiệm mới xảy ra những vụ tai nạn như vậy. Bộ trưởng cũng đã nói rồi, sau vụ này các đơn vị phải kiểm điểm một cách nghiêm túc, lấy đây là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Phải xem xét để xử lý kỷ luật các tập thể, cá nhân có liên quan. Ở đây có tình trạng trên nói dưới không nghe" - Thứ trưởng Thọ tỏ ra thất vọng với thuộc cấp của mình. Ông nói: "Tôi phải dùng từ vô cảm ở đây. Các anh đã vô cảm khi để "ổ gà", "ổ voi" như vậy. Thử hỏi các cán bộ của các anh đi trên đường mà có vấn đề gì thì có chịu được không, trong khi ở đây lại đầy "ổ gà", "ổ voi" như thế. Vụ tai nạn vừa rồi trong đó có nguyên nhân để "ổ gà" như vậy. QL1 huyết mạch, lưu lượng giao thông cao như thế mà để "ổ gà", "ổ voi" đầy ra vậy!".
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng nhìn nhận đã có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan với nhau. "Một cục phó đi trên đường thấy cái "ổ gà" thì phải yêu cầu sửa ngay chứ cần gì phải báo cáo với Tổng cục Đường bộ để xin ý kiến của bộ. Làm sao bộ quản lý đến từng cái "ổ voi", "ổ gà". Nghe qua thấy ý thức trách nhiệm như vậy là không được" - Thứ trưởng Thọ nói rồi cho rằng các đơn vị quản lý đã không chủ động trong việc sửa chữa. Biết miền Trung từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm đều có mưa, nhưng không chủ động vá "ổ gà", đợi đến mưa xuống lại đi vá. "Đừng có nói hết tiền bảo hành với tôi. Hết tiền thì nhà thầu phải bỏ tiền ra mà làm. Nhà thầu phải có trách nhiệm với công trình của mình. Ban quản lý mà đồng tình với nhà thầu như thế là chết rồi. Bảo hành thì phải bảo hành hết thời gian quy định" - ông Thọ nói. Ông chỉ đạo phải xem xét nhà thầu nào làm không tốt thì sẽ cắt, từ nay về sau không cho tham gia đấu thầu các công trình giao thông, xem đó là 1 tiêu chí để lựa chọn nhà thầu.
Thị sát tại hiện trường, Thứ trưởng Thọ yêu cầu các đơn vị quản lý phải yêu cầu nhà thầu vá ngay toàn bộ "ổ gà" để bảo đảm giao thông. Đối với các "ổ gà" chưa sửa kịp, phải lấp bằng cấp phối và phải có biển báo để người tham gia giao thông biết mà tránh.
 
Phải minh bạch nguyên nhân tai nạn chết người
Ông Khuất Việt Hùng đề nghị cơ quan CSĐT khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn dẫn đến cái chết của anh Trần Nguyễn Quang Tánh (ngụ xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa) vào rạng sáng 10-12, tại xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa. Vụ tai nạn được nghi vấn do sụp "ổ gà". "Cần phải công khai, minh bạch nguyên nhân vụ tai nạn, trách nhiệm thuộc về ai. Tuy nhiên, trước mắt Bộ GTVT cần xử lý trách nhiệm đối với các bên liên quan đã để việc khắc phục hư hỏng trên QL1 chậm" - ông Hùng đề nghị.
Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết đã bàn giao đoạn đường xảy ra tai nạn cho đơn vị thi công là Công ty Bắc Phương để sửa chữa. Ngày trước xảy ra tai nạn, đơn vị thi công đã lấp các "ổ gà" này. Tuy nhiên, ngay đêm sau mưa lớn nên đã bong tróc trở lại. Thực tế thì đêm trước xảy ra vụ tai nạn, trên địa bàn mưa không lớn. Hiện trường vụ tai nạn cũng không thấy dấu vết bong tróc mới.
Hồng Ánh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.