Thời gian trôi qua, sự vật biến đổi không ngừng, nếu cứ để mọi việc trôi đi mà không nắm bắt lại, gìn giữ nó thì có thể tuột mất đi và rơi vào quên lãng. Sẽ thật nuối tiếc nếu đó là văn hóa, là phong tục tập quán, ẩm thực, ngôn ngữ và những tinh hoa của các vùng miền. Vì thế, nhất thiết cần phải có một sợi dây liên kết để làm nhiệm vụ kết nối, hơn thế nữa còn là bảo tồn và phát huy những vốn quí của dân tộc. Sợi dây ấy chính là giáo dục, là truyền thông, bằng ngôn ngữ và các phương tiện nghệ thuật khác.
Bìa cuốn sách "Rồi ai sẽ kể" của tác giả Nguyễn Minh Hải. |
Quyển sách "Rồi ai sẽ kể" của nhà báo Nguyễn Minh Hải vừa ra mắt mùa hè này, phần nào đã làm nhiệm vụ ấy. Chọn tên "Rồi ai sẽ kể" bởi vì anh lo lắng trăn trở rằng những hình ảnh, câu chuyện quê hương rồi đây sẽ bị mai một, lãng quên. Sách gồm 32 tạp bút, nói là kể cho con cháu nghe, nhưng thực ra cũng là giới thiệu cho người lớn, những ai chưa biết về quê hương Bến Tre của anh, những mẫu chuyện thú vị về vùng đất miền Tây Nam Bộ với nét sinh hoạt và văn hóa đặc thù... Những sinh hoạt nông thôn được tác giả kể lại khá chi tiết, tỉ mỉ, bằng sự quan sát tinh tế, cảm xúc chân thật dưới góc nhìn tuổi thơ. Từng công đoạn khó nhọc của nhà nông được miêu tả: làm lúa, xúc đìa, tát đìa, đóng đáy, mò tôm, cá, thả rập cua, đánh lưới, giăng lưới, thả câu, đi chài, đi xịp, đi nơm, chăn vịt, bắt cá, bắt trích... Càng hiểu công việc đặc thù của nhà nông, ta càng cảm thông với nỗi cực khổ và sức chịu đựng của họ. Đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là người thành phố, quyển sách có thể coi là một tài liệu sinh động về nông thôn vì qua đó ta có thể hiểu về từ ngữ, khái niệm cùng những sinh hoạt mà đôi khi tra tự điển hoặc google cũng không thể tìm thấy.
Ẩn sau mỗi câu chuyện là tâm sự của một người luôn nhớ quê với những kỷ niệm đẹp thời niên thiếu. Sách làm sống dậy một thời ký ức, giúp những người xa quê nhớ quê đọc để thấy tâm hồn lâng lâng bao xúc cảm, được gợi nhớ, gợi thương với bao kỷ niệm, gắn liền với những hình ảnh thân thuộc ở quê nhà.
Kể lại những câu chuyện rất đỗi bình thường, nhưng mỗi câu chuyện như được thổi hồn vào, tạo nên nhiều cảm xúc bởi tình cảm sâu nặng của tác giả, như chuyện hứng nước mưa vào những hàng lu để trữ, đọc xong mà nghe mát rượi cả tâm hồn, chuyện múc nước bằng gáo tra dài cán, chuyện nấu cơm bằng bếp củi, ấm áp mùi khói cay nồng, chuyện mỗi tối gia đình quây quần dưới ánh sáng của cái đèn chai; trẻ con thì có những thú vui thú vị như ngắm từng đàn chim bay về mùa di trú, đi học cùng với con cúi ấm áp hay tung tăng chăn vịt, bắt cá, câu cua; hoặc thú vị khi đi qua kênh rạch bằng cái cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi... Những sinh hoạt ấy diễn ra trong tình yêu thương gia đình gắn với hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp rất đáng để được tác giả cho là "một thuở vàng son".
Nhớ quê còn là nhớ những món ngon mẹ nấu. Ẩm thực của người dân miền Tây được giới thiệu khá đầy đủ và hấp dẫn. Nếu người xa xứ miền bắc "nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương", thì ở đây, tác giả nhớ những món ăn dân dã đặc trưng miền Nam như: cá kèo kho tộ, đọt lang luộc chấm nước cá kho, béo bùi tóp mỡ, những trái dại vừa chát, vừa bùi, hoặc ngọt ngào rau đắng quê nhà. Đó là những món bánh còng, bánh phồng mì, bánh ống. Đặc biệt các loại mắm: mắm cá đồng, mắm cá linh, cá lóc, cá sặc, ba khía, lẩu mắm... Đọc các bài viết, ta có thể cảm nhận hương vị quê hương độc đáo và hấp dẫn biết chừng nào.
Ngôn ngữ miền Tây được tác giả giới thiệu và phân tích khá thú vị: Tôi yêu tiếng quê tôi, Về miền tây nghe nói lái, Điệu ca của miền tây. Những câu chuyện miền tây... được kể với niềm tự hào và tiếng cười sảng khoái của người con quê hương. Quê hương ngày nay dần được đô thị hóa. Trước cuộc sống hiện đại, nhịp sống hối hả, những sinh hoạt truyền thống, hình ảnh cũ sẽ được thay thế. Với tình yêu quê hương sâu đậm, tác giả mong muốn qua những câu chuyện phần nào gửi gắm tình cảm, nhân cách và ước mơ của một người con lớn lên từ đất mẹ quê hương để từ đó nhắn gửi cho thế hệ mai sau những điều gọi là hồn quê và bản sắc văn hóa dân tộc.
Trần Thị Bình Dương (cadn)
(*): Đọc "Rồi ai sẽ kể" của Nguyễn Minh Hải-NXB Văn hóa-văn nghệ