Quảng Nam - Đà Nẵng, lịch sử tách và nhập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong lịch sử, 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng đã không ít lần tách, nhập để thực hiện sứ mệnh phát triển của mình.

Ngày hòa bình, Đà Nẵng "trở lại" Quảng Nam

UBND TP.Đà Nẵng cho biết, sau khi xâm chiếm toàn bộ đất nước ta vào năm 1889, thực dân Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane, chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương.

Đầu thế kỷ 20, Tourane được Pháp xây dựng trở thành một đô thị theo kiểu Tây phương. Cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật sản xuất được đầu tư. Các ngành nghề sản xuất và kinh doanh được hình thành và phát triển.

Cùng với Hải Phòng và Sài Gòn, Tourane trở thành trung tâm thương mại quan trọng của cả nước. Năm 1950, Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính quyền Bảo Đại.

Đà Nẵng đặc biệt bứt phá trong khoảng 30 năm trở lại đây. ẢNH: HOÀNG SƠN
Đà Nẵng đặc biệt bứt phá trong khoảng 30 năm trở lại đây. ẢNH: HOÀNG SƠN

Tháng 3.1965, các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và thiết lập ở đây một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn. Năm 1967, Đà Nẵng được Mỹ - Ngụy ấn định là thành phố trực thuộc Trung ương và xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa cho vùng I và II chiến thuật.

Mỹ cho xây dựng ở Đà Nẵng các căn cứ quân sự và kết cấu hạ tầng: sân bay, cảng, kho bãi, đường sá, công trình công cộng, cơ sở thông tin liên lạc, lập tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, chiến tranh đã để lại hậu quả nặng nề, hàng trăm nghìn người dân quê phải chạy vào các trại tỵ nạn, các khu ổ chuột đô thị; tệ nạn xã hội tăng nhanh, sản xuất không phát triển.

Quy mô nền kinh tế tỉnh Quảng Nam ngày một lớn hơn. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Quy mô nền kinh tế tỉnh Quảng Nam ngày một lớn hơn. ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Năm 1975, hòa bình lập lại, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã bắt tay vào khôi phục những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh. Mặc dù còn lắm khó khăn nhưng công cuộc phục hồi và phát triển thành phố đã đạt nhiều thành quả, nhất là thời kỳ đổi mới sau năm 1986.

22 năm "chung một nhà"

Tính từ thời điểm sau năm 1975 cho đến ngày 1.1.1997, TP.Đà Nẵng là một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, kéo dài được 22 năm. Ngày 7.10.1996, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Mai Thúc Lân nhận công điện của Trung ương với nội dung: Bộ Chính trị nhất trí chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và nâng cấp Đà Nẵng lên thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau ngày chia tách tỉnh, hiện trung tâm hành chính Đà Nẵng đặt tại Q.Hải Châu. ẢNH: HOÀNG SƠN
Sau ngày chia tách tỉnh, hiện trung tâm hành chính Đà Nẵng đặt tại Q.Hải Châu. ẢNH: HOÀNG SƠN

Sau nhiều cuộc họp bàn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quyết định chọn địa giới TP.Đà Nẵng gồm TP.Đà Nẵng, H.Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa; các địa phương còn lại của tỉnh thuộc về Quảng Nam.

Ngày 6.11.1996, Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ 10 phê chuẩn việc tách tỉnh Quảng Nam thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương: tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Bộ máy hành chính mới của 2 đơn vị bắt đầu hoạt động từ ngày 1.1.1997.

Tỉnh lỵ Quảng Nam đặt tại TP.Tam Kỳ. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Tỉnh lỵ Quảng Nam đặt tại TP.Tam Kỳ. ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Ở thời điểm chia tách, tỉnh Quảng Nam có diện tích tự nhiên 10.406,34 km2, dân số hơn 1,364 triệu người. Tỉnh lỵ Quảng Nam đặt tại thị xã Tam Kỳ. Số đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh có 12 huyện, 2 thị xã.

TP.Đà Nẵng có diện tích tự nhiên 942,46 km2, dân số 663.115 người. Đơn vị hành chính trực thuộc thành phố có 5 quận, 1 huyện trong đất liền và 1 huyện hải đảo, với 33 phường, 14 xã.

28 năm Đà Nẵng cất cánh

Ôn lại những ngày đầu chia tách, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhắc nhớ tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng thành phố vào ngày 29.3 vừa qua: "Có lẽ trong mỗi ký ức của người dân thành phố chưa bao giờ phai mờ hình ảnh những năm tháng đầy gian khó, khi Đà Nẵng là đơn vị hành chính cấp 3 thuộc tỉnh, với xuất phát điểm thấp, quy hoạch rời rạc, cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại khó khăn".

TP.Đà Nẵng đạt được thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế số. ẢNH: HOÀNG SƠN
TP.Đà Nẵng đạt được thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế số. ẢNH: HOÀNG SƠN

Trong điều kiện đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên bằng sự đổi mới tư duy với ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển…

Tính đến thời điểm 1.7.2025, Đà Nẵng sẽ tròn 28 năm chia tách từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Hiện dân số TP.Đà Nẵng đạt 1,276 triệu người; quy mô nền kinh tế là 151.307 tỉ đồng, GDP đầu người khoảng 120 triệu đồng/người.

Cơ cấu kinh tế của TP.Đà Nẵng đang dần dịch chuyển sang lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch bán dẫn (Trong ảnh: Công viên Phần mềm số 2 Đà Nẵng vừa đi vào hoạt động). ẢNH: HOÀNG SƠN
Cơ cấu kinh tế của TP.Đà Nẵng đang dần dịch chuyển sang lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch bán dẫn (Trong ảnh: Công viên Phần mềm số 2 Đà Nẵng vừa đi vào hoạt động). ẢNH: HOÀNG SƠN

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, kinh tế thành phố tăng trưởng khá qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn đạt hơn 9%/năm.

So với năm 1997, quy mô nền kinh tế tăng khoảng hơn 45 lần; thu ngân sách trên địa bàn tăng hơn 25,6 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 21 lần. Nét nổi bật nhất của thành phố là công cuộc quy hoạch, chỉnh trang đô thị, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. Từ một đô thị nhỏ bé, đến nay Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa đạt 87,2%, cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước.

Diện mạo đô thị Đà Nẵng ngày càng khang trang, hiện đại. ẢNH: HOÀNG SƠN
Diện mạo đô thị Đà Nẵng ngày càng khang trang, hiện đại. ẢNH: HOÀNG SƠN

Cùng với đó là cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; khu vực dịch vụ dẫn đầu cả nước về tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng. Đặc biệt, kinh tế số đã đóng góp 24,7% trong tổng sản phẩm xã hội thành phố.

Đà Nẵng đứng đầu cả nước về chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đứng đầu trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và có 5 năm liên tiếp nhận giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam.

Du khách quốc tế đến với TP.Đà Nẵng liên tục tăng trong những năm gần đây. ẢNH: HOÀNG SƠN
Du khách quốc tế đến với TP.Đà Nẵng liên tục tăng trong những năm gần đây. ẢNH: HOÀNG SƠN

Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành nên thương hiệu có sức cạnh tranh mang tầm quốc tế. Đà Nẵng đã trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của du khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt, TP.Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách đột phá mang đậm tính nhân văn, vượt trội được dư luận đồng tình, đánh giá cao, trở thành "thương hiệu" của thành phố như: Chương trình thành phố "5 không", "3 có", "4 an". Chỉ số phát triển con người của Đà Nẵng luôn trong nhóm tốt nhất cả nước.

Từ tỉnh nghèo nhất nước, Quảng Nam vươn mình

Trong khi đó, dù xuất phát điểm của một tỉnh nghèo, khó khăn nhất nhì cả nước ở thời điểm chia tách (tháng 1.1997), hiện nay tỉnh Quảng Nam đã mạnh mẽ vươn lên, đạt nhiều thành tựu và dấu ấn quan trọng.

Vùng đông tỉnh Quảng Nam đang phát triển mạnh mẽ. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Vùng đông tỉnh Quảng Nam đang phát triển mạnh mẽ. ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Từ một nền kinh tế chủ yếu thuần nông với nền sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, hơn 50% số hộ dân thuộc diện đói nghèo, công nghiệp và du lịch hầu như chưa có gì đáng kể, thu ngân sách chỉ hơn 150 tỉ đồng trong năm đầu tái lập tỉnh..., Quảng Nam đã liên tục vươn lên với những bước phát triển đầy ấn tượng.

Từ năm 2017, Quảng Nam chính thức điều tiết nguồn thu nội địa về Trung ương. Năm 2024, tổng thu phát sinh kinh tế trên địa bàn đạt hơn 27.600 tỉ đồng (gấp 217 lần năm 1997), quy mô kinh tế hơn 129.000 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người hơn 84 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ.

Trong đề án quy hoạch, TP.Hội An được định hướng là trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Trong đề án quy hoạch, TP.Hội An được định hướng là trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế. ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2024 chỉ còn 4,56%.

Đặc biệt, từ một tỉnh thuần nông, đến nay Quảng Nam đã có Khu kinh tế mở Chu Lai với trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp cơ khí lớn nhất cả nước; có sân bay Chu Lai đã đi vào hoạt động hiệu quả và được quy hoạch trở thành cảng hàng không quốc tế cấp 4F, có cảng biển được quy hoạch loại 1 đón được tàu 5 vạn tấn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hỏi thăm, động viên công nhân làm việc tại một khu công nghiệp nhân chuyến thăm làm việc với tỉnh Quảng Nam mới đây. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hỏi thăm, động viên công nhân làm việc tại một khu công nghiệp nhân chuyến thăm làm việc với tỉnh Quảng Nam mới đây. ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Toàn tỉnh có 14 khu công nghiệp và hơn 50 cụm công nghiệp đang hoạt động với nhiều nhà đầu tư lớn, thu hút hơn 6,2 tỉ USD đầu tư nước ngoài và hàng trăm ngàn tỉ đồng nguồn đầu tư trong nước, giải quyết hơn 113.000 lao động.

Xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam mới là một thành phố

Thông tin từ cuộc họp với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Quảng Nam do Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì vào chiều 29.3 cho biết dự kiến sẽ sáp nhập 2 địa phương này.

Tại cuộc làm việc này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những định hướng hết sức quan trọng nhằm phát huy tốt hơn tiềm năng lợi thế vốn có của cả Quảng Nam và của Đà Nẵng.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Quảng Nam vào chiều 29.3. ẢNH: HOÀNG SƠN
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Quảng Nam vào chiều 29.3. ẢNH: HOÀNG SƠN

Tổng Bí thư nhấn mạnh xây dựng Đà Nẵng – Quảng Nam mới là một thành phố, tiếp tục đô thị hóa. Phải tiếp tục duy trì những lợi thế về vai trò, vị trí, chính sách thuận lợi như hiện nay để xây dựng thành phố mới trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam, một trong những thành phố có năng lực cạnh tranh cao của quốc gia, của khu vực, ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương.

Một Đà Nẵng – Quảng Nam cần định vị cho mình không chỉ là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung mà còn thể hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt các địa phương khác trong quá trình phát triển.

Nét nổi bật nhất của TP.Đà Nẵng là công cuộc quy hoạch, chỉnh trang đô thị, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. ẢNH: HOÀNG SƠN
Nét nổi bật nhất của TP.Đà Nẵng là công cuộc quy hoạch, chỉnh trang đô thị, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. ẢNH: HOÀNG SƠN

Tổng Bí thư yêu cầu, đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao sức lao động và phát huy tiềm năng, lợi thế; xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, khu đô thị hiện đại, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng… kết nối giữa các vùng, các thành phố lớn.

Không gian phát triển mới cần xác định vai trò lợi thế và chiến lược riêng, như cực phát triển công nghiệp – logistics Chu Lai, Trung tâm Du lịch văn hóa – sinh thái Hội An – Mỹ Sơn, những khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Quảng Nam cũng được biết đến là tỉnh có bề dày về văn hóa truyền thống. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Quảng Nam cũng được biết đến là tỉnh có bề dày về văn hóa truyền thống. ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Phải quy hoạch tổng thể phát triển cân bằng, không để tình trạng tập trung quá mức vào Đà Nẵng mà lãng quên tiềm năng quý báu của Quảng Nam.

"Có thể nói rằng, việc sáp nhập 2 địa phương không chỉ là thay đổi về hành chính mà đó là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực. Chúng ta cần phát huy thế mạnh của đôi bên, cùng quy hoạch tầm nhìn dài hạn, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm, khát vọng phát triển để vùng Quảng Đà thực sự vươn ra biển lớn với tâm thế xứng đáng của khu vực", Tổng Bí thư Tô Lâm nói.

Đà Nẵng ngày càng củng cố vị thế là một thành phố sự kiện. ẢNH: HOÀNG SƠN
Đà Nẵng ngày càng củng cố vị thế là một thành phố sự kiện. ẢNH: HOÀNG SƠN

Tại cuộc làm việc này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết kiến nghị Trung ương cho phép xây dựng đề án phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai trong giai đoạn mới, phạm vi diện tích mở rộng đến bờ nam sông Thu Bồn, bao gồm hệ sinh thái kinh tế và đô thị sân bay Chu Lai kết hợp với cảng biển Chu Lai.

Bí thư Quảng Nam cũng đề nghị Trung ương thống nhất chủ trương cho đầu tư một khu đô thị mới thông minh, hiện đại với tổng diện tích khoảng 15.000 ha, thuộc vùng đông H.Duy Xuyên và H.Thăng Bình, trở thành đô thị trọng điểm của khu vực.

Dự kiến Quảng Nam, Đà Nẵng sáp nhập sẽ là địa phương giàu bản sắc văn hóa. ẢNH: HOÀNG SƠN
Dự kiến Quảng Nam, Đà Nẵng sáp nhập sẽ là địa phương giàu bản sắc văn hóa. ẢNH: HOÀNG SƠN

Ngoài ra, còn có tuyến đường sắt đô thị từ Đà Nẵng vào Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ, Chu Lai để tạo điều kiện kết nối phát triển khu vực phía nam của tỉnh Quảng Nam.

Hiện tại, những kỳ vọng về sức mạnh tổng lực, về không gian phát triển mới của Đà Nẵng - Quảng Nam được các chuyên gia, cán bộ lão thành, người dân rất quan tâm và Thanh Niên đang tiếp tục ghi nhận.

Theo Hoàng Sơn - Mạnh Cường (TNO)

Có thể bạn quan tâm