Động Thiên Đường, VQG Phong Nha Kẻ Bàng, bãi biển Nhật Lệ... đủ để Quảng Bình trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất dải đất miền Trung.
Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi, Quảng Bình còn là một trong số không nhiều địa phương có chiến lược đầu tư bài bản, chuyên nghiệp cho ngành công nghiệp không khói để du khách đã một lần tới đây khó có thể quên sự hồn hậu, chân thực của văn hóa và con người nơi đây.
Hiếm có nơi nào trên dải đất miền Trung nắng gió lại được thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh đến vậy: Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 2 lần được Unesco công nhận là di sản thiên nhiên thế giới; Hang Sơn Đòong, hang động lớn nhất thế giới - là điểm đến mơ ước một lần trong đời của rất nhiều người. Bãi biển Nhật Lệ được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là 1 trong 10 thắng cảnh du lịch biển hấp dẫn nhất Việt Nam.
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. |
Năm 2014, tạp chí The New York Times của Mỹ bình chọn Quảng Bình đứng thứ 8 trong top 52 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất hành tinh và là điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Năm 2017, Quảng Bình lọt top 4 điểm đến ở Việt Nam do Tripadvisor bình chọn. Những danh hiệu ấy đủ để hình dung về một Quảng Bình nên thơ, hết sức lôi cuốn, kỳ vĩ trong mắt du khách như thế nào. Có lẽ bởi vậy mà du khách trong nước và quốc tế khi đến với Quảng Bình đều chia sẻ những cảm nhận khó quên về vùng đất này.
“Tôi muốn nói với cả thế giới hãy một lần đến với Quảng Bình. Quảng Bình là vùng đất giao thoa văn hoá, ẩm thực tuyệt vời, cảnh đẹp, bãi biển nên thơ, khách sạn tốt, rất thích hợp cho nghỉ dưỡng”- một du khách chia sẻ.
Nếu chỉ được thiên nhiên ưu đãi không thôi là chưa đủ, chính quyền địa phương đã biết tận dụng thế mạnh ấy để kết nối các điểm du lịch mang giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất. Ông Đặng Đông Hà – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức xây dựng, hình thành “Tam giác” du lịch: Phong Nha - Kẻ Bàng, Vũng Chùa - Đảo Yến và Nhật Lệ - Bảo Ninh, thu hút lượng khách du lịch đến với Quảng Bình ngày càng đông.
Hang Sơn Đòong, hang động lớn nhất thế giới. |
“Đến nay chúng tôi đang triển khai một loạt sân gol ven biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch… đây là tiềm năng lớn về du lịch. Ngoài phát triển du lịch, Quảng Bình còn có tiềm năng công nghiệp như điện gió, điện pin mặt trời, rồi nhiệt điện; và có tiềm năng về đất đai để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, trong tương lai không xa Quảng Bình sẽ là trung tâm du lịch lớn không chỉ trong nước mà khu vực Đông Nam Á cũng như phát triển kinh tế sẽ ngang tầm tiềm năng đó”- ông Đặng Đông Hà cho biết.
Hiện nay, ngoài việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào những công trình hạ tầng, giao thông phục vụ du lịch tại Phong Nha- Kẻ Bàng, Quảng Bình còn chuyển hướng sang thu hút đầu tư vào du lịch biển, một trong những lĩnh vực tiềm năng được các nhà đầu tư đánh giá không hề thua kém bất cứ địa phương ven biển nào. Để thực hiện được điều này, tỉnh đã tiến hành xây dựng cầu Nhật Lệ 2 nối trung tâm Đồng Hới với xã biển Bảo Ninh, xây dựng Trục đường chính Bắc - Nam rộng 60m tại xã Bảo Ninh (Đồng Hới).
Những công trình này không chỉ nhằm mở rộng phát triển đô thị Đồng Hới về phía Đông, mà đây chính là tiền đề thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư các dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven biển. Với cách làm đó, trung bình hàng năm, Quảng Bình đón hơn 3 triệu lượt khách. Dự kiến trong tương lai không xa Quảng Bình sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và khu vực Châu Á.
“Đây là tỉnh có tiềm năng du lịch lớn nhất cả nước. Với cách làm của tỉnh Quảng Bình, với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Bình thì ngành du lịch Quảng Bình sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới và tăng bình quân hàng năm từ 40 đến 50%”- Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao Du lịch cho biết.
Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình đều khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của phát triển du lịch. Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Bình gần nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Con đường đi đến thịnh vượng của Quảng Bình là dịch vụ hoá nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng phát triển. Liệu Quảng Bình có thể tạo nên một làn gió Đại Phong mới cho du lịch Việt Nam hay không? Và liệu Quảng Bình có thể là dấu ấn đầu tiên lan toả hình ảnh Việt Nam… đây là sứ mệnh của Quảng Bình đối với cả nước.
Sỹ Đức/VOV1