Quảng bá du lịch Gia Lai: Cần đổi mới nội dung và phương thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thông tin trực tuyến hiện là một trong những hình thức tác động quan trọng tới quyết định của du khách. Do đó, đổi mới hoạt động quảng bá là yêu cầu bắt buộc để tăng sức cạnh tranh cho du lịch tỉnh nhà.
Đổi mới cách tiếp cận
Trước đây, phương thức quảng bá chủ yếu là phát hành tờ rơi, tập gấp, cẩm nang du lịch… Nhưng vài năm trở lại đây, hoạt động này đã có sự đổi mới, hiện đại, phù hợp với xu hướng thị trường. Có thể kể đến một số hoạt động quảng bá của ngành du lịch như: tham gia các hội chợ, ngày hội du lịch với quy mô quốc tế tại 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; tăng cường mời doanh nghiệp lữ hành cả nước tham gia khảo sát tour, tuyến nhằm giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch mới; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu những thắng cảnh đẹp, giá trị văn hóa-ẩm thực độc đáo, các loại hình du lịch đặc thù trong chương trình S-Việt Nam… Tuy nhiên, hiệu quả của các hoạt động quảng bá vẫn còn hạn chế. Một số doanh nghiệp lữ hành cho rằng, vẫn khó nhận diện được “du lịch Gia Lai” trên các công cụ tìm kiếm bởi hình ảnh, bài viết lan man, thiếu tập trung, thiếu điểm nhấn. Đặc biệt, khách nước ngoài rất khó tìm kiếm thông tin vì không có phần hỗ trợ tiếng Anh trong giới thiệu các điểm đến. Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu thị trường khách du lịch của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, khách châu Âu là thị trường tiềm năng vì họ rất yêu thích loại hình du lịch văn hóa-vốn là thế mạnh của Gia Lai.
Hàng thông trăm tuổi tại khu vực Biển Hồ chè là điểm đến hấp dẫn với du khách. Ảnh: PHAN NGUYÊN
Hàng thông trăm tuổi tại khu vực Biển Hồ chè là điểm đến hấp dẫn với du khách. Ảnh: PHAN NGUYÊN
Vì vậy, việc đổi mới công tác quảng bá theo hướng ứng dụng công nghệ là điều hết sức cần thiết hiện nay. Bởi theo ông Nguyễn Chí Nguyện-Giám đốc Công ty Du lịch Tây Nguyên Xanh: “Du khách hiện ít tìm kiếm thông tin trên tờ rơi, tập gấp hay cẩm nang du lịch mà chủ yếu qua mạng internet. Cứ 100 du khách thì phải có đến 95 người sử dụng mạng xã hội và cập nhật hình ảnh các điểm đến để chia sẻ với mọi người. Công tác quảng bá hiện nay nên dựa trên xu hướng và thói quen này của du khách. Mạng xã hội chính là một kênh hiệu quả, lan tỏa nhanh chóng hơn bất cứ phương tiện nào khác hiện nay”.
Đại diện các công ty lữ hành đều cho rằng, ngành du lịch tỉnh nào quảng bá chuyên nghiệp, thuyết phục, hình ảnh bắt mắt, nhất là có hỗ trợ các app về du lịch thì khách du lịch có xu hướng chọn địa phương đó. Ông Phạm Long Trọng-Giám đốc Công ty Huấn luyện kỹ năng Đồng Đội Tây Nguyên-cho rằng, du lịch chính là những câu chuyện được kể lại qua hình ảnh và thực tế. Hình ảnh càng phong phú, sống động càng có sức hút du khách. Tuy nhiên, công tác quảng bá của Gia Lai chưa làm được điều này, những câu chuyện chưa được kể lại một cách hấp dẫn bằng hình ảnh và rất thiếu thông tin.
Ông Trọng đề xuất: “Thói quen tìm kiếm địa điểm du lịch của khách hàng đã có sự thay đổi, do đó cần truyền thông mạnh trên mạng xã hội, tạo kênh chuyên review các điểm đến, càng nhiều thông tin, hình ảnh càng tốt. Giới thiệu một điểm đến nào đó lặp đi lặp lại cũng tạo ra ấn tượng mạnh với người tiếp nhận. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần xây dựng những chương trình trải nghiệm thực tế phát sóng trên HTV, VTV, việc review cũng cần được đầu tư chỉn chu hơn. Về lâu dài, cần kết nối với các app du lịch hoặc các trang review du lịch uy tín có nhiều người theo dõi hiện nay. Gia Lai hiện cũng có một số trang Facebook về du lịch như Thắng cảnh Gia Lai, Gia Lai Travel, Review Gia Lai 4.0... nhưng đều là các fanpage cá nhân tự làm vì đam mê, chưa được đầu tư nhiều. Ngành du lịch cần kết nối với những page này, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để biến thành một kênh quảng bá hiệu quả”.
Tận dụng ưu thế mạng xã hội 
Núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh internet
Núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh internet
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: “Về lâu dài, hoạt động quảng bá cho du lịch địa phương sẽ được đầu tư, đổi mới dưới nhiều hình thức, trong đó có ứng dụng công nghệ và tận dụng hiệu ứng của mạng xã hội”.

Internet và công nghệ là những công cụ đầy sức mạnh tác động tới ngành du lịch một cách bất ngờ và chưa từng thấy ở các ngành, lĩnh vực khác. Quảng bá du lịch gắn liền với ứng dụng công nghệ sẽ giảm gánh nặng về kinh phí so với việc in ấn. Cẩm nang du lịch vừa in xong có thể đã lạc hậu bởi thông tin về du lịch cần luôn đổi mới, cập nhật hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Nhưng tận dụng internet, mạng xã hội cho hoạt động quảng bá cũng cần có chiến lược, cân nhắc vì đây là con dao hai lưỡi, hiệu ứng tốt hay xấu cũng sẽ lan truyền với tốc độ nhanh chóng. Ông Nguyễn Chí Nguyện cho rằng, tâm lý, thói quen của khách du lịch là thích chụp ảnh và tương tác trên mạng xã hội nên chúng ta có thể tạo ra các điểm check-in ở các điểm du lịch. Mỗi hình ảnh khách đưa lên trang cá nhân là một lần điểm đến đó được giới thiệu, quảng bá miễn phí. Lang Biang của Đà Lạt là một ví dụ cho sự thành công của việc tạo điểm check-in khi bất cứ ai tới đây cũng muốn chụp hình kỷ niệm, sau một thời gian dài nơi này nghiễm nhiên trở thành một thương hiệu cho du lịch ở xứ ngàn thông.
Ông Nguyện đề xuất: “Ngoài Biển Hồ, núi lửa Chư Đang Ya là những thắng cảnh tự nhiên mang dáng dấp, đặc trưng riêng, Gia Lai cần tạo thêm những điểm check-in độc đáo, ấn tượng ở các điểm du lịch để du khách vừa có những bức ảnh kỷ niệm cho chuyến đi, ngành du lịch lại được quảng bá hình ảnh miễn phí. Chẳng hạn ở hàng thông trăm tuổi ngoài khu vực Biển Hồ chè chỉ cần làm một chiếc xích đu giữa 2 gốc thông già kèm một tấm biển khắc gỗ giới thiệu đây là điểm đến nào, ở đâu là sẽ có ngay điểm check-in tuyệt đẹp cho khách chụp ảnh”. Còn ông Phạm Long Trọng thì cho rằng, hoạt động quảng bá còn giúp các doanh nghiệp lữ hành nắm bắt được thông tin địa phương đang có sản phẩm gì phù hợp để đưa khách đến. “Đầu tư cho hoạt động quảng bá cần có ý đồ rõ ràng, tránh giới thiệu, quảng bá chung chung. Ví dụ, nhấn mạnh vào một sản phẩm nào đó thực sự khác biệt, khiến khách du lịch phải “thèm thuồng” muốn đến bằng được”-ông Trọng nói.
NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Đảo Bé, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được ví như “thiên đường” du lịch giữa biển khơi, nơi đây sở hữu cảnh sắc hoang sơ, những vách đá trầm tích núi lửa hàng triệu năm, bờ cát trắng mịn, bờ biển đẹp... Chính vẻ đẹp vừa mộc mạc, vừa thơ mộng ấy đã mang lại sức hút riêng biệt cho vùng đất này.

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

(GLO)- Nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4 do Việt Nam đăng cai tổ chức, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) vừa chính thức ra mắt 3 video clip quảng bá vẻ đẹp du lịch Việt Nam. Trong đó, Gia Lai góp mặt với 2 đại diện là núi lửa Chư Đang Ya và thác K50.

'Nóng' với du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5

'Nóng' với du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, tạo cơ hội cho nhiều gia đình lên lịch vui chơi. Đặc biệt, tour nội địa có xu hướng dịch chuyển ngược, khi lượng khách đổ về TPHCM khá đông nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Phát huy lợi thế và tiềm năng về phát triển kinh tế đêm của địa phương, UBND phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) triển khai xây dựng Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum với quy mô 51 gian hàng trên khu đất rộng hơn 5.100m2 tại khu vực đường Bạch Đằng.