(GLO)- Hiện nay, nhiều thanh niên ở vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận với thông tin về việc làm và thị trường lao động. Nắm bắt thực tế đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh vừa phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm nhằm tích cực hỗ trợ nhóm đối tượng này.
Từ ngày 11 đến 30-6, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Tỉnh Đoàn và một số doanh nghiệp tổ chức chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên các huyện: Kông Chro, Đức Cơ, Mang Yang, Ia Grai và Chư Sê. Qua các buổi tư vấn, đơn vị tổ chức phần nào đã nắm bắt được những vướng mắc mà thanh niên nông thôn gặp phải, đó là chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc học nghề, nâng cao kỹ năng nghề, tìm việc làm phù hợp cho bản thân. Nhiều thanh niên còn tâm lý ỷ lại, ngại đi làm ăn xa.
Để tháo gỡ khó khăn, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm; thông tin về quyền lợi được hưởng khi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Buổi tư vấn, giới thiệu việc làm tại huyện Đức Cơ đã thu hút gần 300 thanh niên tham gia. Anh Rơ Lan Nhic (SN 1990, làng Dơk Ngol, xã Ia Dơk) cho biết: “Mới xây dựng gia đình nên mình rất khó khăn. Hàng ngày, mình chỉ có thu nhập từ việc đi làm thuê. Nhờ tham gia buổi tư vấn việc làm, mình không còn e ngại khi đi làm ăn xa nên đã đăng ký làm việc tại một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh”. Ông Trần Thanh Hải-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-chia sẻ: “Hiện nay, lực lượng thanh niên ở nông thôn chủ yếu làm nông, làm thuê, thu nhập bấp bênh. Do vậy, chúng tôi muốn đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối với doanh nghiệp để giúp thanh niên thay đổi nhận thức, tìm việc làm phù hợp với năng lực, nâng cao thu nhập”.
Thanh niên huyện Mang Yang tham gia buổi tư vấn, giới thiệu việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Ảnh: Đ.Y |
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng cho hay: Bình quân mỗi năm, Trung tâm phối hợp với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể tổ chức trên 20 phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động tại 17 huyện, thị xã, thành phố. Qua các phiên giao dịch, chúng tôi đã kết nối hàng trăm doanh nghiệp có nhu cầu về lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tư vấn, định hướng nghề nghiệp và xuất khẩu lao động hàng chục ngàn lượt người. Sàn giao dịch việc làm tỉnh còn tập trung tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, giúp họ thay đổi nếp nghĩ, tự tin tham gia phỏng vấn để đi làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoài tỉnh như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...
Ông Nguyễn Văn Bốn (thôn Tân Thành, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) cho biết: “Con tôi được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu đi học tiếng Nhật và còn tạo cầu nối sang Nhật làm việc. Mỗi tháng, cháu gửi về cho gia đình một khoản kha khá. Số tiền ấy là niềm mơ ước đối với thanh niên nông thôn”.
Trao đổi với P.V, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho hay: “Bên cạnh nỗ lực từ phía Trung tâm, chúng tôi rất mong cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền về phân luồng học nghề, tìm việc làm có thu nhập phù hợp để giúp thanh niên ổn định cuộc sống và đóng góp cho xã hội”.
ĐINH YẾN