Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị và cải thiện môi trường làm việc nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động (NLĐ) cũng như nâng cao hiệu suất làm việc.

Đầu tư thiết bị hiện đại

Trước đây, muốn tạo được độ bóng cho mặt đá granite, công nhân Nhà máy Đá granite Quốc Duy (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) phải dùng hết sức lực đẩy mạnh máy mài. Trong quá trình xẻ đá cũng vậy, công nhân dùng máy cầm tay tách từng khối đá, rất nặng nhọc và vất vả. Ông Bùi Nghị-Quản đốc Nhà máy-cho biết: Khoảng hơn 10 năm nay, Nhà máy đầu tư máy mài và máy cắt đá tự động để làm thay các công đoạn nặng nhọc. Máy có tính cơ động cao, không tốn sức người, chỉ cần những thao tác đơn giản, công nhân đã có thể sử dụng, vận hành máy. Còn tại các mỏ đá, Nhà máy đã đầu tư máy khoan đá tự hành công nghệ hiện đại.

Cũng theo ông Nghị, Nhà máy Đá granite Quốc Duy đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị; xây dựng hệ thống cơ sở nhà xưởng; bố trí các dây chuyền, thiết bị hợp lý, đảm bảo nhà xưởng thông thoáng; phân công công việc phù hợp với tình hình sức khỏe của NLĐ; phân bổ thời gian, xây dựng chế độ nghỉ ngơi hợp lý giữa các ca làm việc, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động.

Ông Đặng Minh Hoàng-Công nhân Nhà máy Đá granite Quốc Duy-chia sẻ: “Tôi làm việc tại bộ phận mài đá hơn 10 năm. Với hệ thống máy móc hiện đại, các thao tác của công nhân trở nên nhẹ nhàng, hạn chế các bệnh nghề nghiệp thường mắc phải như run tay, mờ mắt, ù tai”.

Điều kiện làm việc của công nhân Nhà máy Đá granite Quốc Duy không ngừng được cải thiện. Ảnh: Đ.Y

Điều kiện làm việc của công nhân Nhà máy Đá granite Quốc Duy không ngừng được cải thiện. Ảnh: Đ.Y

Hiện nay, 100% NLĐ làm việc tại nhà máy gỗ của Công ty TNHH Sản xuất-thương mại Gia Khang (Khu Công nghiệp Trà Đa) cũng được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động; tham gia tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, được trang bị kỹ năng bảo vệ an toàn, phòng-chống cháy nổ. Bà Đào Thị Ngọc Mai-Giám đốc Công ty-cho biết: “Nhà máy có hơn 100 NLĐ. Cùng với các hoạt động nhằm bảo đảm an toàn lao động, định kỳ hàng tháng, Nhà máy thực hiện bảo dưỡng tất cả các bộ phận máy móc. Đặc biệt, ở bộ phận sấy gỗ, chúng tôi luôn quan tâm kiểm tra hệ thống máy móc đảm bảo an toàn tuyệt đối mới cho vận hành. Nhờ đó, nhiều năm qua, Nhà máy chưa để xảy ra sự cố đáng tiếc nào trong lao động sản xuất.

Xây dựng môi trường làm việc xanh-sạch-đẹp-an toàn

Theo ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Chính sách lao động (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác tập huấn, phổ biến kiến thức và các quy tắc đảm bảo an toàn cho NLĐ; treo biển cảnh báo tại vị trí làm việc có nguy cơ mất an toàn; trang bị đầy đủ bảo hộ lao động theo tính chất công việc.

Nhằm góp phần giúp NLĐ có không gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, một số doanh nghiệp còn xây dựng khu nghỉ giải lao trong khuôn viên công ty với đầy đủ bàn ghế, sách báo, đồ uống, bữa ăn giữa ca và các dụng cụ thể dục, thể thao tại chỗ… Các mô hình này đã đem đến không gian xanh, giúp NLĐ được hưởng các tiện ích giải trí phù hợp, góp phần tái tạo sức lao động, tạo không khí làm việc vui tươi, thoải mái, từ đó, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm cải thiện điều kiện và môi trường làm việc. Nhiều người vẫn phải làm việc trong môi trường nóng, ồn, mất an toàn vệ sinh lao động. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nguy cơ gây tai nạn lao động, làm tăng nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.

Người lao động làm việc tại Nhà máy Chế biến mủ cao su Chư Prông. Ảnh: Đinh Yến

Người lao động làm việc tại Nhà máy Chế biến mủ cao su Chư Prông. Ảnh: Đinh Yến

Trao đổi với P.V, ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm nay có chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Trước mắt, Sở phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương hưởng ứng với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Cụ thể, Sở phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm phát hiện, chấn chỉnh và yêu cầu có biện pháp khắc phục kịp thời; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Cùng với đó, vận động các doanh nghiệp chú trọng đầu tư hệ thống máy móc, trang-thiết bị hiện đại, hướng đến xây dựng môi trường làm việc xanh-sạch-đẹp-an toàn.

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Chính thức: Nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, dịp lễ 30/4-1/5 nghỉ 5 ngày liên tiếp

Chính thức: Nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, dịp lễ 30/4-1/5 nghỉ 5 ngày liên tiếp

Theo thông báo chính thức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ Tết Âm lịch kéo dài 9 ngày, từ thứ Bảy, ngày 25/01/2025 dương lịch (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật ngày 02/02/2025 dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).