Phòng-chống tham nhũng: Mấu chốt là sự liêm chính của cán bộ công quyền

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nếu không có sự móc ngoặc, tiếp sức của thành phần ngoài nhà nước thì hành vi tham nhũng của một số quan chức thoái hóa biến chất trong hệ thống công quyền sẽ khó thực hiện trọn vẹn. Nhưng nếu những người có chức quyền nêu cao tinh thần công vụ, giữ mình thanh bạch, liêm chính thì liệu có ai lung lạc, lôi kéo được họ làm điều sai phạm? Mở rộng phạm vi phòng-chống tham nhũng ra khu vực tư nhân là cần thiết, nhưng thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về công chức, nêu cao tinh thần công vụ mới là điều tiên quyết để ngăn chặn hiệu quả tệ nạn tham nhũng.

Đánh giá những việc đã làm được và chưa được sau 5 năm thực hiện Kết luận số 10/2016 của Bộ Chính trị khóa XII, Kết luận số 12/2022 về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực” vừa được Bộ Chính trị khóa XIII ban hành là sự thể hiện quyết tâm cao độ của Đảng ta đối với chủ trương chống tham nhũng là không ngừng nghỉ, là không có vùng cấm. Trong đó, quy định “từng bước mở rộng phạm vi phòng-chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước” được xem là điểm mới, cho thấy tầm nhìn và cách tiếp cận của cơ quan lãnh đạo phòng-chống tham nhũng quốc gia ngày càng sát hơn với thực tiễn.

Từ lâu, dư luận rất bức xúc trước hành vi cấu kết giữa một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất trong cơ quan công quyền với các cá nhân bên ngoài để thực hiện hành vi tham nhũng, biến tài sản, tiền bạc của Nhà nước thành của mình. Có thể đó là những khoản tiền hối lộ; có thể đó là sự ăn chia phần trăm lợi nhuận từ dự án; là chuyển nhượng cổ phần góp vốn…

Vì ưu ái giao dự án có giá trị lớn từ ngân sách cho người thân mà cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải hầu tòa; vì chỉ đạo bán rẻ đất công, cổ phần cho doanh nghiệp thân quen mà Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Tất Thành Cang phải bị kỷ luật Đảng, bị pháp luật trừng phạt. Hay vì quan hệ cá nhân mà bán rẻ công sản, ưu đãi cho doanh nghiệp khi đấu thầu, mua bán đất đai, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước mà những lãnh đạo cao nhất của chính quyền TP. Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa mới đây đã phải vào tù… Đó mới chỉ là một vài điển hình về hành vi móc ngoặc giữa cán bộ công quyền với tư nhân để tham nhũng.

Không móc ngoặc với tư nhân, không được tư nhân tiếp sức thì hành vi tham nhũng sẽ khó thực hiện trọn vẹn. Vì thế, việc mở rộng đấu tranh chống tham nhũng ra những sân sau, chân rết và những đối tượng ngoài khu vực nhà nước là rất cần thiết. Bởi không chỉ dư luận xã hội mà ngay cả các cơ quan chức năng cũng đã đặt vấn đề “ai đứng sau để những đại gia như Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản?”.

Bàn tay nào đã đạo diễn vở kịch Việt Á hoàn hảo từ nghiên cứu đến công nhận, chuyển giao, thao túng phần lớn thị trường kit xét nghiệm Covid-19 với doanh thu 4.000 tỷ đồng đến thời điểm bị ngăn chặn? Danh sách bị can trong vụ án này chắc không thể dừng ở con số 26, khi vụ án tiếp tục mở rộng điều tra, đối tượng liên quan đã lên đến hàng lãnh đạo ở một số bộ, ngành.

Không thể phủ nhận rằng đã có nhiều người giàu nhanh từ đất đai. Mà mánh khóe chính của họ là bắt tay với cán bộ công quyền, tận dụng triệt để kẽ hở của pháp luật; sự thiếu nhất quán trong định giá đất phục vụ thu hồi, giải tỏa, giao đất cho doanh nghiệp… Chỉ cần một cái gật đầu của người có quyền là “bờ xôi ruộng mật” của dân, ngay lập tức trở thành dự án. Chỉ cần san lấp mặt bằng, làm mấy con đường ngang dọc, giá đất đã tăng lên mấy chục, thậm chí là hàng trăm lần. Ai được lợi sau những cuộc trao đổi này, không nói, chắc dư luận cũng dễ dàng nhận biết. Không phải ngẫu nhiên mà người ta tìm mọi cách để chạy quan hệ, chạy dự án, chạy chỉ định thầu... Chỉ cần một sự móc ngoặc như vậy là Nhà nước đã thất thoát hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ đồng. Vì vậy, Kết luận 12 của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ là “chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, chuyển nhượng, trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu…”.

Suy cho cùng, nếu cán bộ thanh liêm, đạo đức trong sáng, nêu cao tinh thần công vụ thì không ai có thể lung lạc, quật ngã được mình!

Vì vậy, mở rộng phạm vi đấu tranh với tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, chặn móc ngoặc giữa cán bộ công quyền với các “sân sau” là cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là siết chặt đạo đức công vụ, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản của cán bộ công quyền. Mà sự công khai minh bạch, chính là công cụ, là phương thuốc hữu hiệu để cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng lãnh đạo đạt kết quả cao nhất.

 

ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Vận hội quan hệ Việt - Mỹ

Vận hội quan hệ Việt - Mỹ

"Như câu chuyện thành công của quan hệ Việt-Mỹ, thế giới sẽ biến những điều không thể thành có thể, tiếp tục dựng xây một nền văn minh vững bền, tiến bộ cho toàn nhân loại". Đó là điều mà TBT, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Đại học Columbia (New York, Mỹ) vào ngày 23.9.
Trường học không điện thoại di động

Trường học không điện thoại di động

Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM), nhiều năm giữ vị trí số 1 trong các trường có điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất TP, cấm học sinh dùng điện thoại di động trong bao nhiêu năm qua, kể cả giờ ra chơi, ăn bán trú, nghỉ trưa.
Tạo sức bật mới

Tạo sức bật mới

Diễn đàn Kinh tế TP HCM (HEF) lần thứ 5 năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 27-9 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP HCM".
Đừng 'nhờn' với pháp luật!

Đừng 'nhờn' với pháp luật!

Nhìn lại vụ xây khu du lịch trái phép hàng nghìn mét vuông ở Phú Hài, TP.Phan Thiết và biệt thự trái phép trên đất làng nghề ở xã Gia An, H.Tánh Linh (Bình Thuận) cho thấy có dấu hiệu 'nhờn' với pháp luật.
Tham vấn trị liệu sau thiên tai

Tham vấn trị liệu sau thiên tai

Những ngày qua, chúng ta xót xa trước hậu quả thảm khốc của bão số 3. Cả đất nước đang chung tay, chung lòng chia sẻ mọi thứ có thể với mong muốn đồng bào nơi bão đã đi qua sẽ vơi chút gì đau thương và đứng lên tái thiết cuộc sống của chính mình.
Thời điểm then chốt

Thời điểm then chốt

Cơn bão số 3 vừa qua gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Báo cáo của các doanh nghiệp (DN) và hiệp hội cho thấy mức độ thiệt hại đối với tài sản và hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều DN là rất nặng nề, ước tính hàng ngàn tỉ đồng.
Không thể cuốn trôi…

Không thể cuốn trôi…

Cơn bão số 3 hoành hành, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước. Sau mưa bão, hàng trăm người đã ra đi mãi mãi, có những gia đình bơ vơ không còn nhà cửa, phải sống tạm bợ.
Làm gì để vượt qua 'hoàn lưu' kinh tế sau thiên tai?

Làm gì để vượt qua 'hoàn lưu' kinh tế sau thiên tai?

Tổng cục Thuế vừa gửi văn bản đến 26 cục thuế địa phương thuộc 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa, nêu rõ người dân, DN bị thiệt hại do bão số 3 được miễn, giảm, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng (VAT), tiêu thụ đặc biệt, tài nguyên và sử dụng đất phi nông nghiệp. 
Dân cần gì sau bão lũ?

Dân cần gì sau bão lũ?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới khái toán, bão số 3, lũ “quét” bay 40.000 tỷ đồng. Nếu quy ra khoản đầu tư xây dựng đường cao tốc - hạng mục mà đất nước ta đang tập trung nhất, bão lũ đã lấy đi 215 km đường cao tốc (tính theo đơn giá 186 tỷ đồng/km).
Mùa Trung thu của sự sẻ chia

Mùa Trung thu của sự sẻ chia

Tết Trung thu luôn là khoảng thời gian mà các em nhỏ khắp cả nước mong ngóng, háo hức. Trung thu về, bao em nhỏ sống trong vòng tay cha mẹ, được ăn ngon mặc đẹp, được vui chơi thỏa thích. Tuy nhiên, còn nhiều trẻ em kém may mắn khác thì thế nào, đặc biệt năm nay có nhiều biến cố xảy đến?