Đứng lên sau thảm họa Yagi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phải quyết liệt thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi) và lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc để nhanh chóng ổn định đời sống người dân; đồng thời triển khai khẩn trương, đồng bộ các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, giữ vững mục tiêu tăng trưởng của năm 2024.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu như vậy tại hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương diễn ra vào ngày 15-9.

Siêu bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc. Mặc dù đã được dự báo trước và chúng ta đã triển khai sớm công tác cảnh báo, huy động lực lượng, phương tiện ứng phó, nhưng với cường độ gió giật đến cấp 17, sức tàn phá lớn, phạm vi rộng, đối tượng tác động nhiều, thời gian oanh tạc dài trên đất liền, bão Yagi đã gây ra thảm họa về sạt lở, lũ ống, lũ quét, để lại hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản; thiệt hại về sản xuất kinh doanh, sinh kế và đặc biệt là tâm lý của người dân.

Hơn 350 người chết và mất tích vì bão lũ. Thật khó nói chính xác là cần bao nhiêu thời gian để người ở lại quên đi nỗi đau xé lòng này! Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Thái Nguyên, Phú Thọ… là những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.

Cùng với việc khẩn trương tìm kiếm người mất tích, chăm sóc người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc men, quần áo, đồ dùng cho những người dân mất tài sản khi có tới hơn 230 ngàn nhà ở và nhiều trụ sở trường học, cơ sở khám-chữa bệnh bị tốc mái, hư hỏng, bị lũ cuốn trôi, vùi lấp; 70 ngàn ngôi nhà bị ngập nước… Chính phủ đã hỗ trợ khẩn cấp trên 350 tỷ đồng, 300 tấn gạo… cho các tỉnh bị thiệt hại nặng và việc này vẫn đang tiếp tục.

Sau lễ phát động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức, cá nhân đã tích cực quyên góp vào Quỹ Cứu trợ Trung ương. Tính đến hết ngày 16-9, số tiền ủng hộ đã lên đến hơn 1.236 tỷ đồng. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phân bổ hơn 1.000 tỷ đồng cho 26 tỉnh, thành bị thiệt hại để có nguồn lực khắc phục hậu quả bão lũ.

Những ngày này, nhiều đoàn xe cứu trợ chở theo hàng trăm tấn hàng hóa từ các tỉnh phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên liên tục đổ về các tỉnh bị thiệt hại nặng, chung tay chia sẻ nỗi đau mất mát, giúp người dân vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Cứu dân là cấp bách, không thể lơ là, chậm trễ. Nhưng về lâu dài vẫn phải tính toán để giữ vững sự ổn định kinh tế-xã hội sau khi bão lũ đi qua. Với con số thiệt hại ước tính 40.000 tỷ đồng, các chuyên gia cho rằng, bão Yagi và lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc sẽ lấy đi khoảng 0,5% GDP của đất nước. Làm gì để giữ ổn định cho nền kinh tế, giữ được mục tiêu tăng trưởng khi chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm kế hoạch năm 2024?

Tại hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương vào ngày 15-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cần quyết liệt thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3 nhằm nhanh chóng ổn định đời sống người dân. Đồng thời, phải triển khai các biện pháp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, kiểm soát tốt lạm phát, bảo vệ mục tiêu tăng trưởng.

Thủ tướng chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến nhóm giải pháp thứ ba về khôi phục sản xuất kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, thống kê thiệt hại để có cách hỗ trợ kịp thời về cây-con giống cho nông dân; chính sách tín dụng phải linh hoạt, khoanh nợ, giãn nợ, cấp vốn cho người dân và doanh nghiệp; hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng; giảm giá cước vận tải, kho bãi; điều hòa các công trình thủy điện, thủy lợi trong xả lũ và tích nước.

Ngoài ra, nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng gắn liền với kiểm soát lạm phát cũng được Thủ tướng nhấn mạnh. Đó là tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành 95% nguồn vốn được giao; bảo đảm thu ngân sách; sử dụng hiệu quả tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lũ, chống tham nhũng, lãng phí; cung ứng đủ hàng hóa, nguyên vật liệu, xăng dầu, điện nước cho sản xuất; kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng găm hàng, nâng giá để trục lợi; tập trung làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình địa phương; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm…

Bão lũ qua đi, khó khăn ở lại. Mục tiêu giữ mức tăng trưởng GDP 7% trong bối cảnh tác động nặng nề của thiên tai đòi hỏi quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp lúc này.

Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.