Đang băn khoăn nhiều điều, tôi quyết định dạo thăm một vòng quanh các cộng đồng, mái ấm thân quen ở thành phố này, thật ấm lòng khi được chứng kiến các anh chị vẫn đang miệt mài tích cực chuẩn bị và tổ chức cho các em nhiều hoạt động phong phú, vui tươi, thiết thực và ý nghĩa.
Ra quân sớm nhất, Thành đoàn - Hội đồng Đội TPHCM đã tổ chức chương trình “Trung thu mơ ước” tại Rạp xiếc Phương Nam (quận Gò Vấp) vào tối 12-9 với chương trình văn nghệ tổng hợp rất hấp dẫn và trao quà cho 400 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM thì tổ chức chương trình “Nụ cười đêm trăng” hoành tráng tại Công viên Văn hóa Đầm Sen cho hơn 500 trẻ của 7 mái ấm trực thuộc Hội, một số mái ấm bạn và trẻ em nghèo trong cộng đồng. Đến Mái ấm Tre Xanh, trực thuộc Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM ở gần cầu Calmette quận 1, cô Quế Dung, chủ nhiệm mái ấm; bạn Hân, cán bộ xã hội và một số tình nguyện viên kể chuyện rôm rả sau khi đưa 43 trẻ tham gia chương trình Trung thu năm nay với chủ đề “Ngày Tết thiếu nhi” do UBND quận 1 tổ chức. Trước đó, 6 trẻ của mái ấm cũng được chọn tham dự chương trình Trung thu của Thành đoàn. Sáng chủ nhật 15-9, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cùng tổ chức Enfants d’ASIE cũng mang Trung thu yêu thương đến với 100 em có hoàn cảnh khó khăn của TP Thủ Đức và quận Tân Phú. Tại cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn, chính các em sôi nổi chuẩn bị chương trình đón Trung thu tối chủ nhật 15-9...
Và cũng có nhiều thông tin rất ấm áp trong mùa Trung thu năm nay khi nhiều đơn vị, trường học trên cả nước cũng đã nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch đón Trung thu. Các hoạt động vui chơi của trẻ em được giảm bớt, thay vào đó là những món quà nhỏ nhưng chan chứa tình cảm yêu thương được gửi đến các bạn ở vùng bị ảnh hưởng. Đây là cách giúp đỡ thiết thực, là bài học sâu sắc về lòng nhân ái, sự sẻ chia. Bên cạnh đó, nhiều địa phương bị thiệt hại nặng nề sau bão lũ cũng nỗ lực để trẻ em đón mùa Trung thu có ý nghĩa thông qua nhiều chương trình giản dị nhưng ý nghĩa...
Tuy nhiên, để các em hưởng được sự bình an, hạnh phúc một cách trọn vẹn và lâu bền, rất cần chính quyền thành phố, các cơ quan chức năng cùng các hội đoàn và gia đình các em thực thi vai trò trách nhiệm một cách cao nhất như đã được xác lập trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Hiến pháp và các đạo luật của nước nhà, đặc biệt Luật Trẻ em năm 2016. Chúng ta hãy cùng xây dựng một môi trường sống an toàn, bảo vệ mọi trẻ em trước những bất trắc, nguy cơ và tổn hại do bạo hành, ngược đãi và xâm hại trẻ em.
Một trong những điều cần thiết, theo tôi là các địa phương, nhất là những thành phố lớn cần bố trí nhân sự chuyên trách ở cấp phường xã, quận huyện, được tuyển chọn và đào tạo một cách bài bản làm việc tại cộng đồng và trong trường học. Các dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em cần được rà soát, đảm bảo chất lượng và tiếp cận thuận lợi, được giám sát thường xuyên và thực chất; đồng thời các chính sách an sinh, trợ giúp xã hội cần đến được mọi gia đình và trẻ em có nhu cầu. Có như thế chúng ta mới có thể an lòng với tuyên bố dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em và không để một trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
TRẦN CÔNG BÌNH - Chuyên gia Bảo vệ trẻ em,
Phó Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục TPHCM
(Dẫn nguồn SGGPO)