Chưa tốt nhất nhưng có thể tốt hơn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế vừa được Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10 tới.

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) tác động trực tiếp đến hơn 93 triệu người dân đã có thẻ BHYT, cũng như mở ra cơ hội để hàng triệu người chưa có thẻ BHYT có thể sở hữu thẻ BHYT, chiếc "phao cứu sinh" khi đau ốm, đặc biệt khi mang bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn.

Bởi vậy, không chỉ là cân đối thu - chi, luật BHYT sửa đổi cần đưa ra các phương án tháo gỡ, xóa bỏ tận gốc những phiền hà xin - cho, đảm bảo tối đa quyền lợi khi khám chữa bệnh BHYT.

Tại phiên họp 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, khi cho ý kiến về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ ra vấn đề bức xúc hiện nay là thanh quyết toán BHYT, bảo đảm thuốc cho người dân khi khám chữa bệnh BHYT.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý làm sao phải đảm bảo công bằng, không được phân biệt đối xử giữa khám chữa bệnh dịch vụ và BHYT. Cần rà soát để đảm bảo công bằng, tính toán cụ thể về quyền lợi tài chính và tính khả thi. Lộ trình tiến tới nếu đã mua BHYT thì có thể khám chữa bệnh trong toàn quốc, để đến tỉnh nào, huyện nào đưa thẻ BHYT ra là có thể được khám chữa bệnh, được thanh toán.

Ở dự thảo luật BHYT lần này, người dân đang chờ đợi các sửa đổi thuận lợi hơn sẽ được thực thi, trong đó người bệnh được vượt tuyến với các dịch vụ kỹ thuật tại nơi đăng ký BHYT chưa triển khai. Với bệnh hiểm nghèo, điều trị tốn kém như ung thư, khi vượt mức chi trả vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi. Hoặc một số bệnh mạn tính khi điều trị tại y tế cơ sở được hưởng thuốc đắt tiền như tuyến trên.

Đặc biệt, cùng với bệnh án điện tử, sổ sức khỏe điện tử đang bắt đầu triển khai giúp minh bạch về thông tin ca bệnh, nạn xin - cho giấy chuyển tuyến điều trị BHYT sẽ giảm thiểu khi áp dụng giấy chuyển tuyến điện tử.

Với giấy chuyển tuyến điện tử, giấy hẹn tái khám điện tử, người bệnh không còn cảnh ngược đường về quê cả trăm cây số khi không may quên mang giấy này khi đi chữa bệnh; không còn cảnh hằng năm, cứ trước ngày 31.12, hàng ngàn người bệnh mạn tính, như người chạy thận nhân tạo, lại phải chăm chăm về địa phương lo cho được tờ giấy chuyển tuyến, tờ giấy "sinh mệnh" hết hạn.

Hiện BHYT chưa thể thuận lợi đến mức cứ chìa thẻ là có thể được tự chọn khám chữa bệnh trong toàn quốc, nhưng trong tình huống cấp cứu, BHYT vẫn chi trả đầy quyền lợi người bệnh được hưởng, mà không phân biệt nơi tiếp nhận cấp cứu.

Và với "quyền lực" của nhà cung cấp dịch vụ y tế và cơ quan giữ tiền quỹ BHYT, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN cần có phối hợp chặt chẽ, cùng đưa ra các đề xuất tốt nhất có thể cho người bệnh.

Trong đó, quỹ BHYT nên chú trọng thêm các dịch vụ dự phòng như sàng lọc, xét nghiệm sớm một số ung thư thường gặp. Phát hiện sớm giá rất rẻ, hơn là chỉ chi trả khi họ đã có bệnh, làm giảm cơ hội khỏi bệnh và chi phí điều trị rất lớn.

Còn bên cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT là các phòng khám, bệnh viện dù là công hay tư, cần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế với người bệnh; không phân biệt đối xử và không để các buồng bệnh quá tải, chật chội như đang diễn ra tại nhiều cơ sở y tế công.

Theo Liên Châu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.