Hội nghị đối thoại do Tổng cục Thuế tổ chức diễn ra cả ngày 27-9, tại TP HCM, với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp (DN) của TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An.
Nhiều năm qua, hàng trăm DN đã phải đối mặt với tình trạng ách tắc trong hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Nhiều DN miệt mài giải trình, gửi đơn đề nghị hoàn thuế nhưng không nhận được phản hồi thỏa đáng từ cơ quan thuế. Một số DN đã phải khởi kiện cơ quan thuế ra tòa nhưng vẫn chưa giải quyết được tình trạng bị "treo" tiền thuế.
Chậm hoàn thuế VAT kéo dài đã gây ra rất nhiều thiệt thòi cho DN, ảnh hưởng không chỉ đến hoạt động kinh doanh mà còn làm suy giảm niềm tin và khả năng cạnh tranh của họ.
Một trong những thiệt hại lớn nhất đối với DN là tình trạng thiếu vốn lưu động. Tiền hoàn thuế VAT thực tế là tiền DN đã nộp thừa vào ngân sách nhà nước và lẽ ra họ được nhận lại trong một khoảng thời gian hợp lý để tiếp tục đầu tư và duy trì hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, khi việc hoàn thuế bị chậm, số tiền này bị "treo" lại, gây áp lực lớn lên DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa đang phải nỗ lực để tồn tại trong thời buổi khó khăn.
Thiếu vốn lưu động, DN buộc phải vay vốn ngân hàng để bù đắp chi phí, từ đó dẫn đến việc phải trả lãi suất cao. Điều này làm tăng gánh nặng tài chính và chi phí kinh doanh, khiến lợi nhuận bị sụt giảm. DN phải đối diện với nguy cơ mất khả năng thanh toán và có thể rơi vào tình trạng nợ nần, phá sản.
Việc chậm hoàn thuế còn khiến DN mất đi cơ hội cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước. Khi nguồn vốn bị chôn vùi vào các khoản thuế chưa được hoàn trả, DN không thể mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ hoặc tiếp cận những cơ hội đầu tư mới. Điều này đặc biệt gây bất lợi trong các ngành yêu cầu sự linh hoạt và nhanh nhạy như xuất khẩu.
Câu hỏi đặt ra: Ai phải chịu trách nhiệm cho câu chuyện này?
Nói thẳng, cơ quan thuế (Tổng cục Thuế và các cục thuế địa phương) là những đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc xử lý hồ sơ và thực hiện hoàn thuế VAT cho DN. Nguyên nhân chính nằm ở sự chậm trễ, thiếu minh bạch và sự cồng kềnh trong quy trình xét duyệt hoàn thuế.
Nhiều DN phản ánh rằng quy trình hoàn thuế không chỉ phức tạp mà còn thiếu sự thống nhất giữa các cấp. Có DN được Tổng cục Thuế phân loại vào nhóm "hoàn trước, kiểm sau" nhưng các cục thuế địa phương lại yêu cầu "kiểm trước, hoàn sau". Điều này cho thấy sự thiếu liên kết và phối hợp trong hệ thống quản lý thuế.
Trong giải quyết hồ sơ, thay vì nhanh chóng hoàn trả khoản thuế đúng hạn cho DN có đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thuế yêu cầu xác minh những chi tiết rất nhỏ như số seal, số bill… gây ra tình trạng kéo dài hồ sơ. Điều này thể hiện sự cứng nhắc và thiếu thực tế trong việc giải quyết vấn đề của DN.
Đại diện nhiều DN còn phản ánh rằng cơ quan thuế dường như chỉ quan tâm đến việc thu đủ hoặc thậm chí vượt chỉ tiêu thu ngân sách, trong khi việc hoàn thuế VAT không được xem là ưu tiên. Điều này cho thấy thiếu sự cân bằng giữa trách nhiệm thu thuế và hoàn trả khoản tiền mà DN có quyền nhận lại.
Hệ thống pháp lý và các quy định liên quan đến hoàn thuế VAT cũng cần chịu một phần trách nhiệm. Đó là sự chồng chéo trong văn bản pháp lý; thiếu sự điều chỉnh kịp thời; chậm trễ trong thi hành án…
Để giải quyết những bất cập trên, cần có sự cải cách mạnh mẽ từ quy trình hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ cũng như nâng cao tính minh bạch và đồng bộ trong chính sách quản lý thuế.
Việc hoàn thuế cần được cơ quan thuế xem là một quyền lợi chính đáng của DN và cần được thực hiện kịp thời, giúp họ duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh.
Sau đối thoại sẽ là gì?
Các bức xúc của DN có được giải quyết?
Ai sẽ là người giải quyết?
Cần có KPI để đo lường và đánh giá hiệu quả việc hoàn thuế cho DN của Tổng cục Thuế và cơ quan thuế địa phương, khi đó địa chỉ trách nhiệm dễ dàng định vị.
Theo Quốc Hy (NLĐO)