Xây dựng đô thị Pleiku đa trung tâm, hiện đại và bản sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, chúng tôi đã có nhiều chuyến khảo sát thực địa trên địa bàn TP. Pleiku để tìm hiểu sâu hơn về địa hình và những điểm nhấn của vùng đất cao nguyên đặc thù này.

Qua đó, chúng tôi mong muốn cung cấp cho những người yêu phố núi một góc nhìn mới, đặc biệt là trong tiến trình xây dựng đô thị Pleiku đa trung tâm, hiện đại và bản sắc.

Lát cắt đô thị Pleiku hiện tại

Về thiên nhiên, vùng đất Pleiku nằm trên điểm nhấn trục Bắc-Nam, đó là đỉnh cao Chư H’Drung (núi Hàm Rồng) ở phía Đông Nam và hồ Ia Nueng (Biển Hồ) phía Bắc. Đặc điểm tự nhiên của đô thị Pleiku khác với các đô thị thuộc các tỉnh Tây Nguyên là có nhiều thung lũng (đa phần là miệng núi lửa đã tắt) và nhiều làng dân tộc thiểu số (theo số liệu điều tra năm 2007 có trên 39 làng Jrai, Bahnar). Địa hình thoai thoải về hướng Tây-Đông, từ núi Đá trên đường Nguyễn Văn Cừ đến vùng thung lũng An Phú với cánh đồng thoáng rộng, cánh cửa xanh vào trung tâm đô thị Pleiku.

Thời chiến tranh, trung tâm đô thị Pleiku chủ yếu nằm ở phường Hội Thương-Hội Phú, nơi đầu tiên hình thành khu đô thị, được mô tả “đi dăm phút đã về chốn cũ” (thơ Vũ Hữu Định). Ngày nay, vùng trung tâm đô thị đã mở rộng ra nhiều phường như: Diên Hồng, Ia Kring, Hoa Lư, Tây Sơn… Những nơi này tập trung nhiều cơ quan nhà nước, trường học, văn phòng, trung tâm thương mại, quảng trường, công viên, khu vui chơi giải trí… Dân số khu vực nội đô tăng lên khá nhanh, hạ tầng giao thông tuy có được cải thiện nhưng cảm giác chật chội vì lượng xe mỗi ngày một tăng.

1-4878.jpg
Khu du lịch Zin’s Farm (xã Ia Kênh, TP. Pleiku) nhìn từ trên cao. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Ở TP. Pleiku hiện nay, mùa khô kéo dài và nắng nóng hơn, mùa mưa thất thường; độ che phủ suy giảm; địa hình địa mạo có sự biến dạng do tác động của con người làm suy thoái môi trường, độ ô nhiễm tăng lên. Nhiều người đến Pleiku định cư từ năm 1960 về trước cho rằng, độ che phủ tự nhiên thời ấy còn nhiều, mùa mưa kéo dài 6 tháng, buổi sáng và chiều thường xuất hiện sương mù, trời khá lạnh… Điều đó chứng tỏ rằng khí hậu của TP. Pleiku ngày nay đã biến đổi khá rõ nét.

Nhìn trên tổng thể, không gian đô thị Pleiku còn khá thông thoáng, nhất là trục Bắc-Nam với cự ly trung bình trên 10 km, tính từ trung tâm thành phố. Các tuyến đường giao thông đô thị cơ bản đã kết nối đến các phân khu, các xã và làng ngoại ô. Các vùng đồi núi, thung lũng trong khu vực thành phố không bị phân khúc, chia cắt nhiều nên không gây cản trở cho công tác quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng. Đó là điểm thuận lợi để cấu trúc cho một thành phố miền núi đa trung tâm trong tương lai, tạo nên những điểm nhấn đa sắc thái, có điều kiện để hiện đại hóa và bảo tồn bản sắc của đô thị đa sắc tộc.

Tầm nhìn đến năm 2030, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong quy hoạch vùng Tây Nguyên khẳng định: Ưu tiên hoàn thành các công trình hạ tầng kết nối liên vùng, liên tỉnh. Tập trung xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học công nghệ cấp vùng... Phát triển vùng phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn với quốc phòng-an ninh và đối ngoại. Quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đi đầu trong bảo tồn, phục hồi, làm giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng.

Phát triển thêm 2 trung tâm đô thị, ứng phó với biến đổi khí hậu

Chúng tôi tìm đến khu vực phía Nam thành phố trên đoạn đường dài 10 km, bắt đầu từ đường Trường Sa qua rừng thông đến Khu Công nghiệp Diên Phú, đi vào xã Ia Kênh với các làng đồng bào Jrai, trong đó có làng Nhao 1, Nhao 2 (xã Ia Kênh). Đồng bào Jrai Hdrung bên cạnh núi Hàm Rồng đã biết tận dụng các thung lũng (bàu 3 và bàu 4) rộng hàng chục héc ta để canh tác lúa một vụ và trồng hoa màu quanh năm. Những năm gần đây, nhờ tiếp thu kỹ thuật trồng cà phê nên người dân đã tận dụng đất sườn đồi lập vườn, trang trại, khoan giếng lấy nước tưới để kinh doanh loại cây trồng này.

Vùng thung lũng xã Ia Kênh có diện tích hơn 33 km2, dân số gần 10.000 người; phía Đông tiếp giáp với phường Thắng Lợi, Chi Lăng cùng với quốc lộ 19, phía Bắc giáp Khu Công nghiệp Diên Phú, phía Nam giáp xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông), phía Tây giáp xã Gào, có suối Ia Púch từ Hàm Rồng chảy qua. Đây là vùng có tiềm năng để phát triển thành khu trung tâm phía Đông Nam thành phố, với khí hậu mát mẻ và nhiều cảnh quan tự nhiên có thể đầu tư phát triển du lịch. Hiện nay, nơi đây có Khu du lịch Zin’s Farm rộng trên 5 ha, chiếm vị trí khá đắc địa, có không gian đẹp, thanh bình và tầm nhìn thoáng đãng với cánh đồng bàu 4 (miệng núi lửa) rộng gần 10 ha và núi Hàm Rồng trong cự ly gần.

Thiết nghĩ, trong tương lai gần, TP. Pleiku cần tập trung quy hoạch chi tiết các phân khu, lấy xã Ia Kênh làm trung tâm, phát triển về phía xã Gào, Diên Phú, phường Chi Lăng để hình thành các dự án dành cho khoa học và công nghệ bậc cao như các phòng nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp, dược liệu; công nghiệp chế biến và lĩnh vực công nghệ thông minh. Duy trì các cánh rừng trồng hiện tại, từng bước nghiên cứu trồng các loại cây quý phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây; vận động các hộ dân dành một phần đất thổ cư để trồng cây xanh nhằm tăng độ che phủ, chống xói mòn. Nghiên cứu, thiết kế các hồ nhân tạo để trữ nước trong mùa mưa đủ tưới cho cây trồng, hạn chế tối đa việc khoan giếng lấy nước ngầm.

Đối với vùng phía Bắc thành phố, lấy xã Biển Hồ làm trung tâm (bao gồm xã Tân Sơn), được quy hoạch quần thể “Khu du lịch sinh thái lâm viên Biển Hồ-Chư Đang Ya” trong tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và vùng Tây Nguyên. Trong tương lai, về địa giới hành chính cần xem xét quy về một đầu mối (xã Nghĩa Hưng và Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) để TP. Pleiku mở rộng về phía Bắc, dễ dàng cho việc quy hoạch, đầu tư, hình thành đô thị và khu du lịch sinh thái đầy ấn tượng với nhiều điểm dừng chân thú vị, cùng với nhiều làng dân tộc thiểu số đã và đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Có thể nói, đây là vùng sơn thủy hữu tình. Ngoài Chư Đang Ya, còn có dãy núi Chư Nâm, Chư Jôr, bao quanh các hồ nước tự nhiên và nhân tạo; có đồi chè lâu năm và đồng ruộng thoáng đãng, đẹp mắt.

Nếu chọn xã Biển Hồ làm khu trung tâm đô thị thì cần tập trung các khu vui chơi, giải trí, khu thể thao, rèn luyện sức khỏe; đồng thời, quy hoạch một nhà hát tổng hợp có quy mô cấp khu vực. Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng giao thông đô thị và khu dân cư, cần duy trì, phát triển các khu rừng tự nhiên; bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống vừa ổn định đời sống các cộng đồng dân tộc vừa khuyến khích phát triển du lịch một cách thiết thực và hiệu quả.

Thiết nghĩ, từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, TP. Pleiku cần quy hoạch mở rộng thêm 2 trung tâm đô thị ở 2 đầu Bắc-Nam thành phố, có sự phân vùng rõ rệt để đầu tư xây dựng với những giải pháp mang tính đột phá, khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế nhằm đánh thức giá trị của vùng đô thị đặc thù.

laychuan-logo-ban-sac-va-hien-dai-8651.jpg

Có thể bạn quan tâm

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.