Theo ghi nhận của P.V, từ cuối tháng 6 đến nay, mỗi tuần có hàng trăm lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ Pleiku di chuyển đến Quy Nhơn để làm việc.
Nắm bắt nhu cầu thực tế này, nhiều doanh nghiệp vận tải đã nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch hoạt động, tăng cường phương tiện phục vụ tuyến Pleiku-Quy Nhơn và ngược lại.

Ông Nguyễn Thanh Cường-Chủ nhà xe Tuấn Anh (phường Pleiku) cho biết: Lâu nay, nhà xe chỉ khai thác 9 đầu xe chạy tuyến này. Sau khi sáp nhập tỉnh, lượng khách tăng đột biến nên doanh nghiệp đầu tư thêm 3 xe, nâng tổng số xe hiện có lên 12 xe để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, ông Cường cũng bày tỏ lo ngại trong việc đầu tư lâu dài vì lượng khách chỉ đông vào những ngày đầu tuần và cuối tuần, còn lại các ngày giữa tuần hầu như vắng khách.
“Công chức đi làm tập trung, đi từ rất sớm, có chuyến khởi hành lúc 3 giờ sáng dẫn đến việc bố trí tài xế, điều phối xe cũng gặp khó khăn. Do lượng khách mới phát sinh, trùng thời điểm du lịch hè nên chưa rõ sau này có ổn định hay không nên việc đầu tư thêm nhiều xe nữa thì cần phải tính toán kỹ. Đầu tư xe mà chạy không đều thì doanh nghiệp sẽ rất áp lực về chi phí”-ông Cường chia sẻ.
Không chỉ nhà xe Tuấn Anh, nhiều đơn vị khác cũng đang đẩy mạnh đầu tư phương tiện để đáp ứng nhu cầu đi lại. Thống kê trong 2 tháng gần đây (từ tháng 5 đến tháng 7-2025), số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải tuyến cố định giữa Pleiku và Quy Nhơn đã tăng gấp đôi.

Trước thời điểm sáp nhập, tuyến này chỉ có 4 đơn vị khai thác (2 đơn vị ở Quy Nhơn và 2 đơn vị ở Pleiku) với tần suất khoảng 250 chuyến/tháng, tương đương 8 chuyến/ngày. Giá vé dao động từ 115.000-150.000 đồng/vé.
Đến tháng 7-2025, đã có 8 doanh nghiệp tham gia khai thác tuyến này với tần suất trung bình 20 chuyến/ngày, giá vé cũng điều chỉnh lên mức 150.000-220.000 đồng/lượt, tùy loại xe và giờ xuất phát. Các loại xe được đưa vào khai thác chủ yếu là xe 9 chỗ, 16 chỗ và 29 chỗ; hiện chưa có xe giường nằm tham gia tuyến vận chuyển này.
Ngoài tuyến cố định Pleiku-Quy Nhơn, một số tuyến khác đi ngang địa bàn Pleiku ghi nhận lưu lượng hành khách tăng như Kon Tum (tỉnh Quảng Ngãi mới) đi Quy Nhơn (Gia Lai); Đức Cơ đi Quy Nhơn; Chư Sê đi Quy Nhơn và các tuyến cố định từ Đắk Lắk đi Bình Định (cũ). Sự gia tăng của các tuyến kết nối liên tỉnh sau sáp nhập cho thấy nhu cầu đi lại của người dân giữa các khu vực đang thay đổi rõ rệt.
Thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai cho thấy, mỗi tuần có khoảng 370 người từ Pleiku di chuyển xuống Quy Nhơn làm việc và trở về Gia Lai (cũ) vào dịp cuối tuần.
Trong đó, lượng người tập trung đi lại vào 2 khung thời gian cố định. Chiều từ Gia Lai đi Bình Định (cũ) có 181 người khởi hành lúc 18 giờ chủ nhật và 187 người đi lúc 3 giờ 30 sáng thứ hai. Chiều ngược lại từ Bình Định về Gia Lai (cũ) có 266 người đi lúc 17 giờ 15 và 90 người lúc 17 giờ 45 ngày thứ sáu.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đình Sơn-Phó Giám đốc Sở Xây dựng-cho biết: Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường phương tiện, bố trí lái xe để phục vụ tốt nhu cầu đi lại tăng cao, tăng cường số chuyến xe vào ngày đầu tuần và cuối tuần trong khung giờ đi lại thường xuyên, đảm bảo lịch trình đúng giờ.
Cùng với đó, các bến xe khách tích cực phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải để bố trí tăng cường phương tiện phù hợp; phân công nhân viên trực ký lệnh vận chuyển trong giờ cao điểm trên tuyến Pleiku-Quy Nhơn; theo dõi, nắm chắc tình hình đi lại của hành khách tại bến xe, kịp thời báo cáo Sở Xây dựng để xử lý và điều chỉnh linh hoạt tránh tình trạng ùn ứ khách tại bến.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính như hiện nay, việc đảm bảo nhu cầu đi lại thông suốt giữa các địa phương là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự ổn định và phát triển của tỉnh Gia Lai mới.
Qua đó, không chỉ đáp ứng yêu cầu công vụ mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh.