Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Ngày 27-2-2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 198/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Pleiku đến năm 2045. Quyết định xác nhận: Pleiku là đô thị loại I thuộc tỉnh, đô thị động lực vùng Tây Nguyên, có vị trí quan trọng về quốc phòng-an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Đồng thời, Pleiku cũng là trung tâm chính trị, hành chính, an ninh-quốc phòng, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, công nghiệp, thương mại dịch vụ của tỉnh; là đô thị hạt nhân trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.

Thành phố Pleiku đang tập trung hoàn thiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Ảnh: H.D

Thành phố Pleiku đang tập trung hoàn thiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Ảnh: H.D

Xây dựng Pleiku thành đô thị hiện đại

Đã có 67 năm gắn bó với TP. Pleiku, ông Trần Như Thủy (tổ dân phố 8, phường Yên Đỗ) cảm nhận rõ những đổi thay của vùng đất này. Ông Thủy kể: “Quê tôi ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm 1957, tôi theo cha mẹ lên Pleiku và định cư cho đến nay. Thời điểm ấy, Pleiku còn khá hoang sơ, nhà cửa, dân cư thưa thớt. Ngoài các tuyến đường chính như Hoàng Diệu, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng... thì Pleiku chỉ có thêm vài con đường mòn”.

Trong cảm nhận của ông Thủy, sau ngày giải phóng năm 1975, công cuộc xây dựng đô thị Pleiku mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ bằng việc mở nhiều tuyến đường xương cá trong nội thị. Thời điểm này, dân cư khắp nơi tập trung về Pleiku sinh sống cũng nhiều hơn.

Hiện tại, Pleiku đã thay da đổi thịt hoàn toàn, hệ thống giao thông được mở rộng ngày càng đồng bộ. Bộ mặt đô thị như khoác tấm áo mới khang trang, sạch đẹp. Và với ông, người đã chứng kiến từng bước phát triển của Pleiku từ khi còn là một thị xã nhỏ bé đến hôm nay đã là đô thị loại I thuộc tỉnh, là đô thị động lực vùng Tây Nguyên, đó là một niềm vui, niềm tự hào.

Chủ tịch UBND thành phố Đỗ Việt Hưng cho biết: Thành phố đang triển khai nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng thương hiệu Pleiku-thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”; phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển kinh tế-xã hội và môi trường bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Phấn đấu xây dựng Pleiku trở thành đô thị thông minh gắn với các khu vực phụ cận với tốc độ đô thị hóa nhanh; ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển đổi số.

Thời gian tới, Pleiku sẽ nỗ lực khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia; tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng cũng như cả nước nhằm huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững.

“Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế-xã hội, môi trường, lịch sử, văn hóa thông qua các chỉ số, cơ cấu kinh tế, đặc điểm dân cư, lao động, định cư, phong tục tập quán của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, TP. Pleiku đang triển khai thực hiện lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa những mục tiêu mà địa phương hướng đến.

Thông qua các quy hoạch này, Pleiku định hướng phát triển các trục không gian, hành lang phát triển đô thị; đề xuất giải pháp tái phát triển, chỉnh trang, bổ sung hạ tầng xã hội, kỹ thuật, không gian mở, không gian công cộng cho đô thị hiện hữu; xây dựng ý tưởng, các mục tiêu, định hướng phát triển và mở rộng đô thị. Qua đó, xác định được vị trí, vai trò các khu vực đô thị trong mối liên hệ tổng thể của thành phố”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku thông tin thêm.

Hoàn thành các đồ án quy hoạch

Để phục vụ sự phát triển trong tương lai, Pleiku đang triển khai lập mới, điều chỉnh 11 đồ án quy hoạch phân khu, 4 đồ án quy hoạch chi tiết. Ông Trần Mạnh Trường-Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku-thông tin: “Đến nay, 4 đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, gồm 3 đồ án quy hoạch phân khu, 1 đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết.

Đó là quy hoạch xây dựng phân khu A1 thuộc phường Yên Thế-Đống Đa; quy hoạch phân khu xây dựng phường Tây Sơn; điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng suối Hội Phú; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng khu sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng tại xã Trà Đa. Còn 8 đồ án quy hoạch phân khu đang triển khai trình phê duyệt, dự kiến hoàn thành trong quý IV-2024”.

Chùa Minh Thành-một điểm nhấn độc đáo bên dòng suối Hội Phú (phường Hội Thương, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Chùa Minh Thành-một điểm nhấn độc đáo bên dòng suối Hội Phú (phường Hội Thương, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Đáng chú ý là quy hoạch điều chỉnh phân khu xây dựng suối Hội Phú (UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 22-8-2014). Quy hoạch được triển khai trên địa bàn 4 phường gồm Hội Phú, Ia Kring, Phù Đổng và Hoa Lư với tổng chiều dài 6,25 km, tổng diện tích đất quy hoạch 90,29 ha.

Điểm đáng chú ý của quy hoạch này là không ưu tiên nhiều cho việc bố trí đất xây dựng nhà ở mà tăng diện tích đất mặt nước, cây xanh 2 bên suối Hội Phú, diện tích đất giao thông, diện tích công trình công cộng, hình thành các hồ nước, đập nước điều hòa, đồng thời hình thành hệ thống đường giao thông 2 bên suối. Định hướng này nhằm tạo cảnh quan sinh thái môi trường cho khu vực trung tâm TP. Pleiku.

Tuy đồ án quy hoạch phân khu đang trong quá trình chờ phê duyệt, song tại Quyết định số 95/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng phường Ia Kring và phường Diên Hồng đã xác định: “Phường Ia Kring và Diên Hồng có tính chất là đô thị trung tâm hành chính-chính trị, trung tâm văn hóa, thương mại, dịch vụ du lịch, đào tạo, y tế của thành phố và khu đô thị”.

Ông Nguyễn Tín-Chủ tịch UBND phường Diên Hồng-cho hay: “Đối với phường Diên Hồng, mục tiêu của quy hoạch phân khu xây dựng phường là cụ thể hóa đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, khớp nối các đồ án quy hoạch, các dự án liên quan; xác định cụ thể quy mô đất đai, dân số và các chỉ tiêu sử dụng đất; đồng bộ về kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu sử dụng cho cộng đồng dân cư của địa phương, tạo bộ mặt kiến trúc đô thị khang trang, hiện đại.

Là phường trung tâm của đô thị Pleiku nên để đảm bảo phát triển ổn định, bền vững như quy hoạch đề ra, chúng tôi sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của quy hoạch, đồng thời khai thác tốt thế mạnh của địa phương đó là trung tâm thương mại, dịch vụ của thành phố, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, tạo bộ mặt kiến trúc đô thị khang trang, hiện đại nhưng đảm bảo đúng yêu cầu theo quy hoạch đề ra”.

Mặc dù gặp vướng mắc trong xây dựng các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết như việc xác định nguyên tắc, mức độ phù hợp giữa quy hoạch phân khu và đồ án quy hoạch chung xây dựng (đã được phê duyệt tại Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 28-1-2018) hay quá trình triển khai trước khi trình thẩm định, phê duyệt phải lấy ý kiến nhiều cơ quan từ thành phố đến tỉnh gây kéo dài thời gian, song các đơn vị chuyên môn của TP. Pleiku rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, phường thông báo rộng rãi đến người dân được biết đồ án quy hoạch phân khu đang triển khai để tham gia góp ý nhằm nâng cao chất lượng đồ án, tránh vướng mắc, khiếu nại sau này. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân được biết các đồ án quy hoạch để thực hiện và giám sát theo quy hoạch được phê duyệt.

“Chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ trong công tác chuyên môn và đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Cùng với đó, đảm bảo phân bổ, bố trí đủ nguồn vốn, đáp ứng kinh phí lập quy hoạch nhằm nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch theo quy định và chất lượng đồ án quy hoạch làm cơ sở để quản lý đất đai, quản lý xây dựng và thực hiện kêu gọi đầu tư phát triển đô thị”-Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku cho biết thêm.

Định hướng giai đoạn sau năm 2045, TP. Pleiku có quy mô dân số khoảng 700 ngàn người đến 1 triệu người, có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và có ảnh hưởng trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, Đông Nam Á. Đồng thời, Pleiku sẽ đóng vai trò là một trong những trung tâm phát triển chính của khu vực Tây Nguyên, có sức hút đầu tư lớn và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trên một số lĩnh vực.

Có thể bạn quan tâm

“Đánh thức” An Phú

“Đánh thức” An Phú

(GLO)- An Phú là cửa ngõ phía Đông của TP. Pleiku với tên đất, tên người thân quen gắn với bao đời. Tạo hóa ưu ái ban tặng cho vùng ven đô hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan hữu tình; đồng thời cũng là nơi in dấu những trầm tích văn hóa lịch sử.

Giải thưởng Sáng kiến Bloomberg Philanthropies về an toàn giao thông quốc tế: Bước đột phá về giao thông an toàn

Giải thưởng Sáng kiến Bloomberg Philanthropies về an toàn giao thông quốc tế bước đột phá về giao thông an toàn

(GLO)- Thành phố Pleiku là 1 trong 5 đơn vị trên toàn thế giới được trao giải thưởng Sáng kiến Bloomberg Philanthropies về an toàn đường bộ toàn cầu năm 2024 ở hạng mục đột phá trong quản lý tốc độ với Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn”.
“Còn chút gì để nhớ” với Biển Hồ

“Còn chút gì để nhớ” với Biển Hồ

(GLO)- Vì cảm cái dễ thương của đất và người phố núi, họa sĩ Đinh Nhật Tân đem lòng thương mến nơi này ngay lần đầu gặp gỡ. Chút tình “để nhớ để thương” của người nghệ sĩ đọng lại trong không gian của Lem coffee (169 Tôn Đức Thắng, TP. Pleiku) ở gần “mắt ngọc” Biển Hồ.
Đổi thay làng Têng 1

Đổi thay làng Têng 1

(GLO)- Nhờ sự chung sức của hệ thống chính trị và người dân, làng Têng 1 (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) không ngừng đổi thay, khởi sắc. Hiện nay, làng đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đời sống của bà con ngày càng ấm no.

Pleiku đầu tư nguồn lực xây dựng phố xanh, hè thoáng

Pleiku đầu tư nguồn lực xây dựng phố xanh, hè thoáng

(GLO)- Bên cạnh huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) cũng tranh thủ sự đồng thuận của người dân để hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị. Nhờ đó, phố phường thêm sáng-xanh-sạch-đẹp và hướng đến đô thị thông minh, thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
Pleiku đầu tư nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng

Pleiku đầu tư nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng

(GLO)- Những năm qua, TP. Pleiku đã tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị, đặc biệt là hệ thống chiếu sáng công cộng. Đến nay, tỷ lệ chiếu sáng trên địa bàn thành phố đạt 100% ở các tuyến đường chính và 75% đối với đường hẻm.
Không gian mặt nước: “Tài nguyên” trong phát triển đô thị

Không gian mặt nước: “Tài nguyên” trong phát triển đô thị

(GLO)- Cây xanh và không gian mặt nước là 2 yếu tố cơ bản giúp điều hòa khí hậu, tăng độ ẩm, giảm ô nhiễm, tạo cảnh quan đô thị. Vì vậy, cùng với sự quan tâm tôn tạo mảng xanh, yếu tố mặt nước luôn được chú trọng để làm nên sự hài hòa trong phát triển đô thị Pleiku.
Từ làng Ốp nghĩ về phát triển du lịch cộng đồng

Từ làng Ốp nghĩ về phát triển du lịch cộng đồng

(GLO)- Từ lâu, làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) là một trong những điểm đến quen thuộc của du khách khi đặt chân đến Gia Lai. Riêng tôi, mỗi lần có dịp về lại Pleiku-nơi gắn bó trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, thế nào cũng ghé thăm ngôi làng văn hóa du lịch này cùng bao kỳ vọng.
Món ăn “gây thương nhớ” ở phố núi

E-magazineMón ăn “gây thương nhớ” ở phố núi

(GLO)- Trải nghiệm ẩm thực đặc trưng địa phương là phần không thể thiếu trong hành trình du lịch của mỗi người. Tại Pleiku, du khách có thể thưởng thức những món ăn “gây thương nhớ” đã tồn tại qua nhiều thập kỷ gắn liền với nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của vùng đất này.

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

(GLO)- Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, bộ mặt thôn làng ở TP. Pleiku đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

(GLO)- “Cơm lam, gà nướng không chỉ là món ăn mà còn chứa đựng câu chuyện về văn hóa của dân tộc Jrai. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để trở thành đầu bếp giỏi nhằm chuyển tải câu chuyện văn hóa ấy đến với mọi người qua ẩm thực”-ông Yaih (58 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) bày tỏ.