Phát huy những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thành phố tiếp tục huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng đô thị cũng như bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, quyết tâm xây dựng Pleiku ngày càng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.
Những thành tựu đáng tự hào
Ngày 3-12-1929, tỉnh lỵ Pleiku được thành lập theo Nghị định của Khâm sứ Trung Kỳ. Trong thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thị xã Pleiku bị địch dùng làm căn cứ phục vụ cho chiến tranh xâm lược nên dân cư thưa thớt, hạ tầng cơ sở lạc hậu.
Sau khi thống nhất đất nước (1975), dân số thị xã có khoảng 72.000 người, đa phần là người Kinh từ khắp các vùng miền của đất nước đến làm ăn, sinh sống. Thế nhưng, hạ tầng cơ sở tiếp quản từ chế độ cũ không đáng kể, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Thị ủy, quân và dân thị xã đồng lòng bắt tay vào công cuộc tái thiết Pleiku. Giai đoạn này, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp và phát triển một số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở thương mại dịch vụ quốc doanh và ngoài quốc doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước cũng như tác động không thuận lợi của cơ chế tập trung bao cấp, nền kinh tế thị xã phát triển chậm, manh mún, lạc hậu; đời sống của đại đa số dân cư còn thấp và gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chưa đến 150 USD/năm (năm 1988).
Trong thời gian này, Đảng bộ và Nhân dân thị xã đã cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách, tạo được các tiền đề cơ bản để xây dựng và phát triển thị xã trong giai đoạn cách mạng mới. Công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khởi nguồn cho sự phát triển của đô thị Pleiku.
Đặc biệt, giai đoạn 1988-1998 đã đánh dấu sự chuyển mình của thị xã Pleiku, hòa cùng sự nghiệp đổi mới của tỉnh và cả nước. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Pleiku đã có nhiều nỗ lực, khai thác nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển thị xã về mọi mặt và thu được một số kết quả quan trọng, đáng khích lệ.
Với những thành quả toàn diện về phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, ngày 19-11-1998, Pleiku được công nhận đô thị loại III và được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh vào ngày 24-4-1999. Đây là những sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Pleiku.
Hoa Lư-Phù Đổng là một trong những đô thị hạt nhân của thành phố. Ảnh: Đ.T |
Phát huy kết quả đạt được, TP. Pleiku tiếp tục có những giải pháp hiệu quả huy động, tranh thủ mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo quy hoạch chung được duyệt, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế với cơ cấu các ngành hợp lý. Hoạt động sản xuất nông nghiệp, đời sống của người nông dân và bộ mặt nông thôn trên địa bàn có những bước phát triển toàn diện.
Ngày 17-10-2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1415/QĐ-TTg về việc công nhận TP. Pleiku hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến đầu năm 2020, Pleiku được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Qua 95 năm xây dựng và phát triển, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần anh dũng kiên cường trong kháng chiến và sự năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên trong thời kỳ đổi mới, Pleiku đã đạt được những thành tựu khá toàn diện. Từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, thành phố đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước đáp ứng cho quá trình phát triển, tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội cho đầu tư.
So với thời kỳ mới thành lập, diện mạo đô thị Pleiku có nhiều thay đổi, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, đồng thời tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Xây dựng đô thị hiện đại, giàu bản sắc
Với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, những năm qua, thành phố huy động các nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng, chỉnh trang kết cấu hạ tầng đô thị. Hiện nay, 100% đường chính có tên được nhựa hóa, bê tông hóa; 61,19% đường hẻm được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường chính có tên đã hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng công cộng; trên 62% ngõ, hẻm trong nội thành được chiếu sáng.
Cùng với đó, hệ thống cây xanh đường phố, công viên, hoa viên được đầu tư, quy hoạch bài bản, bảo đảm cảnh quan đô thị, phục vụ đời sống tinh thần của người dân như: Công viên Diên Hồng, Công viên Đồng Xanh, Quảng trường Đại Đoàn Kết, Hoa viên Quang Trung, Khu danh thắng Biển Hồ…
Khu vực suối Hội Phú trở thành điểm nhấn cho đô thị Pleiku. Ảnh: Đ.T |
Đặc biệt, thành phố luôn quan tâm tạo mọi điều kiện để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục thu hút đầu tư ngày càng thông thoáng. Chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh của thành phố ngày càng được nâng cao về thứ hạng và hiện đứng đầu trong số 17 huyện, thị xã, thành phố. Các khu đô thị mới được hình thành như: Hoa Lư-Phù Đổng, Cầu Sắt, Trà Đa, suối Hội Phú… đã góp phần tích cực trong hoàn thiện hạ tầng đô thị.
Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, thành phố cũng đã đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình trường học, bến xe, bệnh viện, nâng cấp Sân bay Pleiku (cấp 4C), hệ thống các điểm đỗ xe trên lòng đường, hè phố; phát triển các khu thương mại mua sắm, siêu thị, chợ tại các khu vực, khu phố mua sắm, phố ẩm thực đêm, chợ phiên nông sản an toàn…
Công tác an sinh xã hội luôn được đảm bảo, được tạo điều kiện và hỗ trợ từ nhiều chương trình, doanh nghiệp, nhà hảo tâm; hệ thống an sinh và phúc lợi xã hội phát triển đồng bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng; công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với nước, trợ giúp xã hội, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân được quan tâm để người dân trên địa bàn được hưởng thụ nhiều hơn. Ước đến cuối năm 2024, thành phố còn 104 hộ nghèo, chiếm 0,16% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025.
Trong hành trình đi lên, chủ trương xuyên suốt được Đảng bộ, chính quyền thành phố xác định là xây dựng Pleiku phát triển toàn diện, bền vững, hiện đại, mang bản sắc văn hóa đặc trưng. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả 4 chương trình trọng tâm gồm: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố; chuyển đổi cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững; đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị, xây dựng Pleiku theo hướng đô thị thông minh, thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” và tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được Đảng bộ TP. Pleiku xác định là nhiệm vụ then chốt của then chốt. Ảnh: Q.T |
Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2015-2024 đạt 11,9%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch phù hợp, tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ. Dự kiến cuối năm 2024, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 53,71%, công nghiệp-xây dựng chiếm 42,74%, nông nghiệp chiếm 3,55%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 128 triệu đồng/năm; thương mại-dịch vụ phát triển nhanh về quy mô và chất lượng, đáp ứng các nhu cầu của xã hội, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tổng cơ cấu kinh tế.
Để hoàn thành mục tiêu trên, thời gian đến, TP. Pleiku sẽ khẩn trương lập, phê duyệt phủ kín các cấp độ quy hoạch xây dựng đô thị trên cơ sở cụ thể hóa đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở cho công tác quản lý đô thị và kêu gọi đầu tư xây dựng.
Đồng thời, thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3-11-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XII về đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” đến năm 2030 gắn với Đề án “Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” của tỉnh.
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Pleiku gắn với việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị giai đoạn 2021-2030, phong trào xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp-thân thiện.
Cùng với đó, thành phố khai thác hợp lý tiềm năng, thế mạnh, tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính, các nhà tài trợ trong và ngoài nước để huy động nguồn lực triển khai, hoàn thành một số dự án quan trọng như: Dự án khu dân cư và đường Nguyễn Văn Linh (tổng mức đầu tư 2.160 tỷ đồng); Dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị (tổng mức đầu tư 1.093 tỷ đồng, vay vốn Chính phủ Phần Lan); Dự án Bệnh viện Đa khoa thành phố (tổng mức đầu tư 960 tỷ đồng, vay vốn ODA Hàn Quốc)…
Tập trung triển khai nhanh các dự án hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường kết nối của thành phố nhằm xây dựng, phát triển đô thị bền vững, bảo đảm các điều kiện tốt nhất về môi trường xanh-sạch-đẹp, an ninh, an toàn và thân thiện, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Năm 2024 đánh dấu 95 năm hình thành và phát triển của đô thị Pleiku, là năm rà soát hoàn thành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025), đồng thời là năm chuẩn bị các điều kiện để tiến hành đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Thường vụ Thành ủy, sự nỗ lực phấn đấu của toàn quân và đồng bào các dân tộc trên địa bàn, Pleiku sẽ tiếp tục phát triển toàn diện, hướng đến mục tiêu trở thành đô thị hạt nhân trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia và là một trong những trung tâm phát triển chính của khu vực Tây Nguyên.