Cần trang bị kỹ năng ứng phó với thiên tai cho người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh, suy thoái môi trường… là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của các loại hình thiên tai. Để hạn chế thiệt hại, cần trang bị kỹ năng ứng phó với thiên tai cho người dân.

Những năm gần đây, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng phải chứng kiến nhiều kiểu thời tiết cực đoan, các loại hình thiên tai nguy hiểm như: động đất, bão lụt, hạn hán, sạt lở đất, sụt lún, xâm nhập mặn… Điều này đe dọa sự an toàn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Thời gian qua, các ngành, địa phương tại Gia Lai cũng đã tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, diễn tập ứng phó với thiên tai như bão lụt, sạt lở đất. Ảnh: Thiên Di

Thời gian qua, các ngành, địa phương tại Gia Lai cũng đã tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, diễn tập ứng phó với thiên tai như bão lụt, sạt lở đất. Ảnh: Thiên Di

Theo dữ liệu của Viện Vật lý địa cầu, trong khoảng 1 thế kỷ, ở khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) chỉ ghi nhận khoảng 30 trận động đất. Thế nhưng, chỉ từ tháng 4-2021 đến nay, huyện này đã ghi nhận đến hàng trăm trận động đất. Đáng chú ý nhất là trong 2 ngày 28 và 29-7 vừa qua, cơ quan chức năng ghi nhận 46 trận động đất tại đây, trong đó có trận 5 độ Richter gây rung chấn lan rộng đến những tỉnh lân cận như: Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam… Đáng nói, đây không phải lần đầu người dân ở các địa phương này cảm nhận được sự rung lắc mỗi khi có động đất ở Kon Plông.

Trước sự gia tăng về số lượng cũng như mức độ, người dân ở vùng tâm chấn cũng như các khu vực bị ảnh hưởng xung quanh không khỏi lo lắng. Thiên tai, nhất là động đất thường xảy đến bất ngờ và để lại hậu quả nặng nề. Mọi người cũng dễ rơi vào thế bị động nếu không có kiến thức, kỹ năng xử lý kịp thời. Vì vậy, việc hướng dẫn cách nhận biết cũng như kỹ năng chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai cho người dân là hết sức cần thiết.

Nhật Bản là quốc gia thường xuyên hứng chịu động đất, sóng thần. Vì vậy, ngay từ nhỏ, nhiều thế hệ người dân Nhật Bản đã được học cách sống chung với thiên tai, ai cũng thuộc nằm lòng quy trình xử lý khi có thảm họa xảy ra. Qua tập huấn, diễn tập, thực nghiệm thường xuyên, mỗi người dân Nhật Bản luôn có mức độ cảnh giác cao nhất đối với những dấu hiệu nhỏ nhất của thiên tai. Chỉ cần cảm nhận sự rung chấn nhỏ, học sinh đã biết quan sát và chui xuống gầm bàn hoặc “góc tam giác” trú ẩn.

Trong cuộc sống hàng ngày, người dân chọn và sử dụng những dụng cụ có chất liệu nhẹ, không để đồ vật nặng ở trên cao, đồ cồng kềnh ở gần lối ra vào. Nhiều người lúc nào cũng đem theo bộ dụng cụ hỗ trợ trong trường hợp bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Đất nước “mặt trời mọc” còn xây dựng một quy tắc xây dựng công trình chống địa chấn cực kỳ nghiêm ngặt để ứng phó với loại hình thiên tai nguy hiểm này.

Không thể coi thường mức độ nguy hại của thiên tai, trước những cơn địa chấn dồn dập trong thời gian qua, việc trang bị kiến thức và kỹ năng ứng phó cho người dân tại huyện Kon Plông cũng được các cấp, ngành chú trọng. Viện Vật lý địa cầu đã tổ chức đoàn đến tận các xã để tư vấn cho bà con cách ứng phó với những tình huống cụ thể ở miền núi khi động đất.

Tại đây, ngoài tìm hiểu những cách mà người dân thường dùng để ứng phó với động đất, đoàn cũng tư vấn những cách làm đúng, cung cấp và trao đổi tài liệu hướng dẫn, giải đáp cách ứng phó đối với từng tình huống cụ thể để mọi người hiểu và có thể áp dụng… Các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân và tổ chức các buổi tập huấn, cấp phát tờ rơi, diễn tập ứng phó với động đất.

Thời gian qua, các ngành, địa phương tại Gia Lai cũng đã tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, diễn tập ứng phó với thiên tai như bão lụt, sạt lở đất. Trước những diễn biến khó lường của các loại hình thiên tai, mới đây, UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 2037/UBND-NL về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng-chống thiên tai, động đất và tai nạn lao động.

Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác phòng-chống, khắc phục hậu quả thiên tai, động đất, tai nạn lao động.

Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, diễn tập nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng-chống thiên tai, động đất cho người dân. Đây là khâu mấu chốt, quan trọng trong việc biến những kiến thức thành kỹ năng, đưa kỹ năng thành phản xạ có điều kiện để người dân có thể tự mình ứng phó kịp thời mỗi khi xảy ra các thảm họa do thiên tai gây nên.

Muốn làm được điều đó, không chỉ riêng Gia Lai mà cả các địa phương khác cũng cần đưa kiến thức, kỹ năng ứng phó vào triển khai thực hành thường xuyên, định kỳ trong các nhà trường, khu công nghiệp, tòa nhà chung cư, cụm dân cư, nhất là ở những nơi có nguy cơ cao sẽ bị thiệt hại nếu có thiên tai như động đất, bão lụt… xảy ra. Để từ đó, sự vững vàng trong tâm lý, thuần thục về kỹ năng ứng phó của người dân kết hợp với sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền các cấp, các lực lượng, cơ quan chức năng địa phương mới đạt được hiệu quả cao, hạn chế thấp nhất những thiệt hại đáng tiếc.

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

Chẳng còn gì ngạc nhiên khi nghe chuyện học trò sử dụng ChatGPT và có thể là nhiều hỗ trợ AI khác nữa để "xử đẹp" các bài tập môn này môn kia. Nhưng cũng chẳng có lý do gì để đặt ra chuyện cấm dùng những hỗ trợ đó.

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.