Phòng-chống bệnh dại: Không thể lơ là

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Số lượng đàn chó, mèo nuôi lớn, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại còn thấp, ý thức người dân trong phòng bệnh còn hạn chế dẫn đến nhiều nỗi lo trong công tác phòng-chống bệnh dại ở trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y ( Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai), tổng đàn chó, mèo nuôi của tỉnh hiện nay khoảng 210 ngàn con. Phần lớn đàn chó, mèo người dân đều không khai báo nên công tác quản lý của chính quyền địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tình trạng chó, mèo nuôi thả rông không đeo rọ mõm, không người trông coi diễn ra phổ biến từ đô thị đến các vùng nông thôn. Đặc biệt, hầu hết đàn chó, mèo đều chưa được tiêm phòng vắc xin phòng-chống bệnh dại nên đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của người dân.

Nuôi chó thả rông tại xã Hà Đông ( huyện Đak Đoa). Ảnh: Nguyễn Diệp

Nuôi chó thả rông tại xã Hà Đông ( huyện Đak Đoa). Ảnh: Nguyễn Diệp

Điển hình như ngày 7-8-2024, tại gia đình ông Nguyễn Thế Hùng (thôn 1, xã Diên Phú, TP. Pleiku) nuôi 2 con chó cỏ được 3 năm. Trong đó, 1 con có các triệu chứng chảy nước dãi, mắt lờ đờ, cơ miệng cứng, bỏ ăn… nghi ngờ chó bị mắc bệnh dại. Nhận được tin từ người dân, UBND xã Diên Phú đã báo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đến xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng V xét nghiệm. Kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh dại. Qua khai báo của gia đình, cả 2 vật nuôi trên đều chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại trong 2 năm.

Ông Đặng Bá Vinh- Phó Chủ tịch UBND xã Diên Phú-cho biết: Ngay sau khi có kết quả dương tính với bệnh dại, UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku tổ chức tiêu hủy con chó mắc bệnh và khử độc, tiêu trùng khu vực nuôi nhốt, các vật dụng liên quan. Tổ chức tiêm phòng vắc xin bệnh dại bao vây đàn chó, mèo tại thôn 1 và các thôn lân cận. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã, các nhóm Zalo để người dân biết chủ động biện pháp phòng ngừa không thả rông chó, mèo. Ngoài ra, hướng dẫn chủ hộ thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng, theo dõi sức khỏe vật nuôi còn lại và vận động các thành viên trong gia đình có tiếp xúc trực tiếp với con chó mắc bệnh đến cơ sở y tế để được tư vấn hỗ trợ phòng bệnh dại trên người.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 người tử vong do bệnh dại gây ra. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều chủ quan, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo và không đến cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị khi bị chó, mèo cắn. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh mới tiêm phòng được hơn 37.400 liều vắc xin phòng dại chó, mèo đạt khoảng 22% tổng đàn. Trong đó, ngân sách từ các địa phương hỗ trợ tiêm phòng hơn 23 ngàn liều, Trung ương hỗ trợ 10 ngàn liều và xã hội hóa được gần 4.400 liều.

Tiêm phòng vắc xin bệnh dại trên đàn chó nuôi là giải pháp phòng-chống bệnh dại hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Diệp

Tiêm phòng vắc xin bệnh dại trên đàn chó nuôi là giải pháp phòng-chống bệnh dại hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Diệp

Trước tình hình dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, để chủ động trong công tác phòng ngừa, ngày 12-8, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã có Công văn số 663/ CCCNTY-QLDB về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng-chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung đề nghị TP. Pleiku khẩn trương triển khai các giải pháp xử lý, khống chế ổ bệnh dại tại thôn 1, xã Diên Phú. Các địa phương khác tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền mua vắc xin tiêm phòng cho đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn đảm bảo tỷ lệ được tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn.

Trao đổi với P.V, ông Thái Văn Dũng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Công tác quản lý đàn chó, mèo nuôi của tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn vì phần lớn người dân ở các địa phương chăn nuôi chó, mèo thả rông và không khai báo. Trong khi tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại của tỉnh rất thấp, chưa đạt theo quy định. Bên cạnh đó, việc bố trí kinh phí tiêm phòng bệnh dại trên động vật, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ điều trị dự phòng trên người chưa đảm bảo do các địa phương cấp huyện chưa có điểm tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại phục vụ công tác điều trị dự phòng bệnh dại. Nhận thức của người dân về sự nguy hiểm, các biện pháp phòng-chống bệnh dại trên người và động vật còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ bệnh dại phát sinh và truyền lan trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho chó, mèo tại xã Ia Glai. Ảnh: Nguyễn Diệp

Cán bộ thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho chó, mèo tại xã Ia Glai. Ảnh: Nguyễn Diệp

“Trong thời gian tới, các địa phương cần thống kê chính xác số lượng đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn. Những địa phương chưa bố trí kinh phí thì bổ sung kinh phí mua vắc xin về tiêm phòng bệnh dại, đảm bảo đạt kế hoạch. Ngoài ra, Chi cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng-chống bệnh dại. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Thú y cấp trên kịp thời chia sẻ thông tin và thực hiện Chương trình giám sát bệnh dại do CDC Hoa Kỳ tài trợ năm 2024 nhằm phát hiện các trường hợp dại trên động vật để triển khai các biện pháp phòng-chống bệnh dại trên người và động vật theo quy định”- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024

Gia Lai diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024

(GLO)- Sáng 20-12, tại Tiểu khu 392 thuộc Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới (phường Chi Lăng, TP. Pleiku), Chi cục Kiểm lâm Gia Lai phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện và các chủ rừng diễn tập chữa cháy rừng năm 2024.

Khởi động thị trường cây cảnh phục vụ Tết nguyên đán

Khởi động thị trường cây cảnh phục vụ Tết nguyên đán

(GLO)- Những ngày này, lượng khách đến tham quan, mua sắm cây cảnh về trang trí công trình và nhà cửa để đón Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 bắt đầu tăng. Nắm bắt xu thế đó, các nhà vườn và cơ sở kinh doanh cây cảnh cũng tăng số lượng cây bán ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Ông Bing (xã Chư Á, TP. Pleiku) chăm sóc bò được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1-Dự án 3. Ảnh: N.D

Quan tâm hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự án giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia Lai hiện có 6 nông hội thuộc lĩnh vực ngành, nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, rượu ghè). Ảnh: Hà Duy

Đẩy mạnh phát triển mô hình nông hội để nâng chất lượng sản phẩm địa phương

(GLO)- Gia Lai hiện có 168 mô hình nông hội, trong đó, nhiều nông hội hoạt động hiệu quả đã góp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giúp đời sống hội viên được nâng lên. Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển mô hình nông hội nên hoạt động thiếu hiệu quả.

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 440/NQ-HĐND về việc quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu-chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2025.