Giữ nét kiến trúc đặc trưng
Thành phố Pleiku có nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính cộng đồng dân tộc thiểu số với tập quán sinh sống, lao động, tín ngưỡng của mình đã hình thành nên những nét đặc thù của TP. Pleiku, mà ở đó có các công trình kiến trúc truyền thống bao gồm: nhà rông, nhà sàn, kho thóc, cổng làng, nhà mồ…
Nhà thờ Plei Chuet (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) có kiến trúc độc đáo mang đậm nét đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên. Ảnh: H.D |
Trong một lần trao đổi với P.V, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà chia sẻ: Đặc trưng khí hậu của Gia Lai là 6 tháng nắng, 6 tháng mưa. Mùa mưa kéo dài đòi hỏi kiến trúc các công trình xây dựng tại Gia Lai nói chung, TP. Pleiku nói riêng phải có đặc điểm phù hợp. Trong đó, bộ mái dốc cần được khai thác tối đa để tránh tụ nước khi mưa dầm. Đây cũng là kiến trúc đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên được thể hiện qua các mái nhà rông, nhà sàn…
Hiện trên địa bàn TP. Pleiku vẫn còn một số công trình kiến trúc có mái dốc, mang đậm nét đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên như: nhà thờ Plei Chuet (phường Thắng Lợi), nhà gỗ trong khu vực Hội trường 2-9…
Đối với những công trình nhà ở, không ít người dân Pleiku cũng chọn kiến trúc mái dốc. Bà Đỗ Thị Kim Bắc (tổ 8, phường Yên Đỗ) cho hay: “Năm 2013, khi xây dựng nhà ở, gia đình tôi nghiên cứu khá kỹ về kiến trúc, kiểu dáng sao cho vừa đảm bảo công năng sử dụng, vừa có tính thẩm mỹ, đáp ứng được yêu cầu bền vững, hợp khí hậu. Từ đó, gia đình tôi chọn làm nhà mái dốc, lợp ngói đỏ. So với những căn nhà mái bằng thì nhà mái dốc không bị đọng nước, tường cũng ít bị thấm ẩm”.
Theo các kỹ sư xây dựng, bởi đặc thù khí hậu của Gia Lai mà các công trình kiến trúc phải đáp ứng được tiêu chí “3 chống” (chống thấm, chống gió và chống bụi). Cách chống gió, chống bụi hữu hiệu là xây dựng cửa 2 lớp (lớp cửa kính bên trong và lớp cửa sắt hoặc gỗ bên ngoài). Vấn đề nan giải hơn chính là chống thấm.
Để đối phó với tình trạng thấm nước, người dân đã ốp tôn bên ngoài tường. Song, các chuyên gia cho rằng, đây là cách chống thấm chưa được khoa học, bởi về lâu dài, nó sẽ phá vỡ kết cấu, gây ảnh hưởng đến độ bền của tường. Vì vậy, giải pháp tốt nhất vẫn là sử dụng sơn hoặc các vật liệu chống thấm khác.
Nói về kiến trúc xây dựng, Tiến sĩ Nguyễn Bá Thạch-Giám đốc Sở Xây dựng-cho biết: Bộ mái dốc là đặc trưng rõ nét của kiến trúc mà TP. Pleiku cần khai thác tối đa. Không gian nội thất có thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Vật liệu xây dựng thì khuyến khích sử dụng vật liệu nhân tạo thay thế vật liệu tự nhiên nhưng vẫn giữ được các đặc tính mô phỏng của vật liệu tự nhiên.
Tường bao che khuyến khích xây dựng kiên cố; không nên ốp các loại gạch men mà nên dùng các loại sơn chống thấm trang trí; mái lợp ngói, tôn hoặc bê tông có lợp ngói, vật liệu đặc trưng để chống nóng, chống ẩm do điều kiện khí hậu mưa và nắng kéo dài.
Kiến tạo khu vực quản lý đặc thù
Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm: Đối với các công trình hành chính, chính trị, văn hóa, thương mại, dịch vụ cấp tỉnh, TP. Pleiku dự kiến tập trung cải tạo, nâng cấp để tạo thành quần thể kiến trúc tiêu biểu cho đô thị, kiểm soát chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng chặt chẽ, tránh lấn chiếm nhằm bảo vệ cảnh quan khu vực.
Đồng thời, tăng cường hệ thống cây xanh, tiện ích đô thị, tuân thủ theo quy hoạch đô thị được duyệt. Một số khu vực như: ngã ba Phù Đổng, Biển Hồ, suối Hội Phú, núi Hàm Rồng... cũng sẽ được tạo dựng những đặc thù riêng và được quản lý chặt chẽ.
Ngày càng nhiều người dân chọn kiến trúc mái dốc cho ngôi nhà của mình. Ảnh: H.D |
Cụ thể, ở khu vực ngã ba Phù Đổng, thành phố khuyến khích các loại hình công trình có kiến trúc hiện đại, kết hợp với các thủ pháp cảnh quan nghệ thuật tạo thêm sự năng động, linh hoạt. Khu vực Biển Hồ sẽ phát triển công viên cây xanh bảo tồn; tạo vành đai xanh cách ly, cấm mọi hoạt động khai thác tại hồ A (nguồn cấp nước mặt chính của thành phố) và thực hiện theo quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, tạo đường đi bộ kết hợp ngắm cảnh, thiết lập các điểm nghỉ chân, điểm ngắm cảnh kết hợp với các không gian làng, điểm dân cư xung quanh hồ. Tại hồ B sẽ đề xuất các hoạt động du lịch, dịch vụ, trên cơ sở đó hình thành điểm phát triển du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng kết hợp du lịch văn hóa.
Đặc biệt, lâu nay, các không gian buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số trong lòng TP. Pleiku vẫn được xem là điểm nhấn đặc trưng. Bởi vậy, quá trình xây dựng và phát triển, Pleiku vẫn xác định đây là không gian đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển bản sắc riêng cho đô thị.
Hiện TP. Pleiku đang có các làng du lịch với những nét văn hóa đặc sắc còn lưu giữ hoặc có vị trí tại khu vực cảnh quan đẹp, phù hợp để khai thác du lịch như: làng Ốp (phường Hoa Lư); làng Kép (phường Đống Đa); làng Ia Nueng, làng Phung (xã Biển Hồ); làng Têng 1, Tiêng 2 (xã Tân Sơn), làng Wâu (xã Chư Á)…
“Ngoài ra, đối với làng đồng bào dân tộc thiểu số còn lại thuộc vành đai nông nghiệp, nông thôn, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình bảo tồn thích ứng, giữ gìn không gian quy hoạch kiến trúc truyền thống, phát triển làng theo hướng truyền thống có bản sắc địa phương.
Cùng với đó là cải tạo và mở rộng làng cũng như các không gian công cộng, tăng mật độ xây dựng khu ở để đáp ứng nhu cầu phát triển dân số, xây dựng thêm công trình phục vụ mục đích sử dụng mới”-Giám đốc Sở Xây dựng cho hay.