Người dân Kông Chro thoát nghèo nhờ trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tại một số xã thuộc huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai), trồng rừng đã trở thành “đòn bẩy” giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, thậm chí vươn lên làm giàu.

Phát triển kinh tế rừng

Hộ ông Đinh Văn Toech (làng Blà, xã Đak Song) vươn lên làm giàu nhờ tham gia mô hình trồng rừng. Trước đây, kinh tế gia đình ông chủ yếu dựa vào trồng mì, bắp nhưng do đất bạc màu, địa hình lại nhiều đồi dốc nên hiệu quả không cao. Năm 2016, ông Toech đầu tư trồng hơn 1 ha keo lai. Đến nay, diện tích trồng keo đã được gia đình ông mở rộng lên hơn 9 ha.

Đầu năm 2023, ông bán 2 ha keo trồng từ những năm 2016-2017 được hơn 80 triệu đồng. Trên phần diện tích đã khai thác này, gia đình ông đang làm đất, chờ thời tiết thuận lợi sẽ trồng lại rừng. Ông Toech dự tính, sang năm, ông sẽ thu hoạch xoay vòng diện tích rừng còn lại. Với kiểu thu hoạch cuốn chiếu này, gia đình luôn có thu nhập ổn định.

Anh Đinh In (làng Blà, xã Đak Song) có tổng thu nhập trên 250 triệu đồng từ trồng rừng và trồng mì, bắp. Ảnh: Minh Nguyễn

Anh Đinh In (làng Blà, xã Đak Song) có tổng thu nhập trên 250 triệu đồng từ trồng rừng và trồng mì, bắp. Ảnh: Minh Nguyễn

Tương tự, từ năm 2016, anh Đinh In (cùng làng) cũng lần lượt trồng hơn 9 ha keo trên phần đất sản xuất kém hiệu quả. Cuối năm 2019, anh bán hơn 2 ha rừng trồng năm 2016 được gần 50 triệu đồng để tái đầu tư sản xuất. Đầu năm 2023, anh tiếp tục bán cho thương lái gần 5 ha, thu về hơn 150 triệu đồng. Cộng các khoản thu từ 3 ha mì và bắp, tổng thu nhập của gia đình anh đạt trên 250 triệu đồng.

Theo anh In, trồng rừng thuận lợi hơn so với cây trồng khác ở chỗ không tốn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ít công chăm sóc. “Thời gian đầu chỉ tốn công đào hố trồng, phát dọn, chăm sóc, trồng dặm lại số cây chết và có thể tận dụng thời điểm này trồng xen cây ngắn ngày để tăng thu nhập”-anh In nói.

Theo ông Trịnh Xuân Trường-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Song: Thời gian qua, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân kê khai đất lâm nghiệp để đăng ký trồng rừng; tích cực thu hồi diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm để khuyến khích người dân trồng rừng, chăm sóc và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế bền vững. Từ năm 2017 đến nay, toàn xã đã trồng gần 1.300 ha rừng theo Dự án hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2017-2020 (Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và Dự án bảo vệ và phát triển rừng (Quyết định số 496/QĐ-UBND của UBND tỉnh). Đáng chú ý, trên 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã tham gia trồng rừng.

“Chúng tôi xác định phát triển kinh tế từ trồng rừng sẽ giúp các hộ dân có nguồn thu nhập ổn định. Đây cũng là giải pháp giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững”-ông Trường cho hay.

Người dân xã Đak Pling (huyện Kông Chro) khai thác rừng trồng. Ảnh: Minh Nguyễn

Người dân xã Đak Pling (huyện Kông Chro) khai thác rừng trồng. Ảnh: Minh Nguyễn

Tại xã Đak Pling, nhiều hộ cũng có thu nhập khá từ trồng rừng. Từ năm 2017 đến nay, gia đình anh Đinh Văn Mía (làng Mèo) đầu tư trồng hơn 12 ha keo lai. Hiện anh đã thu hoạch được hơn 1,4 ha, thu nhập hơn 30 triệu đồng; diện tích còn lại dự kiến mang về cho gia đình một khoản thu nhập không nhỏ. Bên cạnh đó, anh Mía còn trồng xen mì và chăn nuôi bò, thu nhập mỗi năm hơn 50 triệu đồng. Cũng nhận thấy lợi ích từ việc trồng rừng nên từ năm 2017 đến nay, anh Đinh Dôm (làng Tbưng) đã đầu tư trồng hơn 10 ha keo lai. Đầu năm 2023, anh đã thu hoạch 8 ha, bán được gần 300 triệu đồng.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Theo anh Dôm, nghề trồng rừng đã trở thành “đòn bẩy” giúp nhiều hộ dân trong làng thoát nghèo. Tuy nhiên hiện nay, công tác trồng rừng vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Bản thân anh cũng như người dân còn hạn chế trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng và chăm sóc. Hơn nữa, do đường sá khó khăn nên chi phí vận chuyển lên đến 350 ngàn đồng/tấn, cộng với công thu hoạch 300 ngàn đồng/tấn khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng.

Anh Dôm trăn trở: “Nếu có nhà máy chế biến đặt tại địa phương thì người dân có thể chủ động được công thu hoạch, giảm chi phí vận chuyển. Khi đó, mỗi ha keo có thể mang lại thu nhập lên đến 100 triệu đồng”.

Còn theo ông Đinh Lành-Chủ tịch UBND xã Đak Pling thì: Từ năm 2017 đến nay, toàn xã đã trồng gần 513 ha rừng. Riêng năm 2022, có 16 hộ dân đã bán cho thương lái 64 ha rừng trồng đủ chu kỳ khai thác, thu nhập trung bình 70 triệu đồng/ha. “Khó khăn hiện nay là diện tích đất lâm nghiệp do người dân kê khai trồng rừng phân bố chủ yếu ở những địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, chưa có đường vận chuyển nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác trồng rừng. Mặt khác, kinh phí hỗ trợ trồng rừng rất thấp, trong khi đó, các gia đình đăng ký trồng rừng đa số là hộ nghèo”-Chủ tịch UBND xã Đak Pling nhấn mạnh.

Chính quyền xã Đak Pling (huyện Kông Chro) tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng rừng sản xuất để tăng thu nhập. Ảnh: Minh Nguyễn

Chính quyền xã Đak Pling (huyện Kông Chro) tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng rừng sản xuất để tăng thu nhập. Ảnh: Minh Nguyễn

Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-thông tin: Từ năm 2017 đến 2022, toàn huyện đã trồng hơn 6.707 ha rừng. Tổng kinh phí hỗ trợ một phần cho người dân tham gia trồng rừng sản xuất tập trung giai đoạn này là trên 23,7 tỷ đồng. Việc trồng rừng sản xuất đang là hướng đi đúng, góp phần giúp người dân trên địa bàn xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững. “Huyện đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng rừng để tăng thu nhập. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo”-ông Ẩn cho hay.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, diện tích rừng trồng trên địa bàn ngày càng được mở rộng. Nếu có nhà máy chế biến hỗ trợ thu mua tại chỗ thì người dân sẽ có sinh kế bền vững hơn từ trồng rừng sản xuất. Đặc biệt, nếu tiết kiệm được chi phí vận chuyển, thu nhập của bà con sẽ tăng thêm. Nhiều năm nay, huyện đã chủ động làm việc với các sở, ngành của tỉnh nhằm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ băm dăm.

“Đã có doanh nghiệp đến khảo sát nhưng khó khăn hiện nay là nguồn vốn giải phóng mặt bằng cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu theo yêu cầu của doanh nghiệp là quá sức đối với huyện. Mong rằng những khó khăn này sớm được tỉnh hỗ trợ, cùng tháo gỡ để dự án sớm được triển khai, đảm bảo đầu ra cho vùng nguyên liệu”-ông Ẩn kỳ vọng.

Có thể bạn quan tâm

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.