Đak Đoa tiên phong trồng rừng phủ xanh đất bạc màu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong khi nhiều địa phương gặp trở ngại trong công tác trồng rừng thì huyện Đak Đoa đã nỗ lực khắc phục khó khăn để trồng rừng vượt chỉ tiêu tỉnh Gia Lai giao. Những mảng đồi xám xịt bạc màu dần được phủ xanh bởi cây rừng và bước đầu mang lại thu nhập cho bà con nông dân.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, qua rà soát, trên địa bàn huyện có hơn 3.000 ha đất nông nghiệp bạc màu. Đây là những khu đất thiếu dinh dưỡng, không tự chủ được nguồn nước tưới, người dân chủ yếu canh tác lúa rẫy, hiệu quả kinh tế thấp. Do đó, năm 2017, huyện đã chuyển sang trồng rừng, chủ yếu là cây keo, bạch đàn.

Trong giai đoạn 2017-2021, toàn huyện đã trồng được hơn 1.816 ha rừng tập trung, hầu hết là diện tích rừng nằm ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp. Năm 2022, huyện được giao trồng hơn 175 ha rừng tập trung nhưng đã trồng hơn 294 ha (hơn 232 ha rừng ngoài quy hoạch), vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Cùng với đó, huyện còn được giao trồng 100 ha rừng phân tán và thực tế đã trồng hơn 100,36 ha.

 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa hỗ trợ giống keo lai cho người dân trồng rừng năm 2022. Ảnh: Văn Ngọc
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa hỗ trợ giống keo lai cho người dân trồng rừng năm 2022. Ảnh: Văn Ngọc


Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Việc triển khai trồng rừng tại các xã bước đầu gặp khó khăn. Nguyên nhân là do người dân chưa nhận thức đầy đủ hiệu quả của việc trồng rừng nên bám lấy những cây trồng cố hữu như: lúa rẫy, mì. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cây giống cho người dân còn hạn chế, mức hỗ trợ thấp trong khi nhu cầu lớn, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại nhiều nơi, bà con chưa chủ động thời điểm trồng rừng cũng như chưa chú trọng chăm sóc nên tỷ lệ sống thấp, chất lượng cây không đạt yêu cầu.

Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ với quyết tâm tạo chuyển biến về nhận thức, giúp người dân nhận ra rằng mình là người thụ hưởng trong công tác trồng rừng. “Trong năm 2022, huyện trích hơn 300 triệu đồng để hỗ trợ cây giống cho người dân. Cùng với đó, một số diện tích trồng từ năm 2017 đã cho thu hoạch. Mỗi ha rừng trong chu kỳ 5-7 năm đã có thể mang lại nguồn thu 80-100 triệu đồng. Các cơ quan, đoàn thể cũng tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc cây rừng sau khi trồng, chủ động chọn thời điểm trồng phù hợp đối với từng xã. Nhờ vậy, diện tích rừng trồng năm 2022 đã vượt chỉ tiêu tỉnh giao”-ông Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

Xã Hà Đông là một trong những địa phương đi đầu trong công tác trồng rừng trên địa bàn huyện. Năm 2022, toàn xã đã trồng được hơn 31 ha rừng. Anh Hơk (làng Kon Sơng Lôk) cho biết: “Mình có 1 ha đất đồi, trồng cây gì cũng không sống được. Thấy bà con ở các làng trồng keo cho hiệu quả kinh tế cao nên mình đề nghị Nhà nước hỗ trợ cây giống để trồng rừng”.

Ông Võ Hồng Việt-Chủ tịch UBND xã Hà Đông-thông tin: “Trước kia, bà con chỉ trông chờ vào lúa rẫy, mì, bời lời năng suất kém, giá cả bấp bênh nên xã đã vận động chuyển đổi sang trồng rừng. Ban đầu, nhiều người còn ngại ngần vì trồng rừng 4-5 năm mới cho thu hoạch. Nhưng hiện nay, diện tích rừng của một số hộ đã cho khai thác với nguồn thu nhập ổn định nên bà con rất phấn khởi và mong muốn được hỗ trợ giống để mở rộng diện tích. Các hộ khác cũng mạnh dạn tham gia trồng rừng, bởi công chăm sóc ít, hiệu quả ổn định. Hy vọng đây sẽ là hướng đi bền vững giúp người dân Hà Đông thoát nghèo”.

Trong khi đó, người dân xã Hải Yang cũng mạnh dạn tham gia trồng rừng. Bí thư Đảng ủy xã Mai Thị Nhung cho hay: Người dân trên địa bàn xã đã chủ động bỏ vốn đầu tư cây giống trồng rừng. Trong tổng số 55 ha rừng trồng tập trung năm 2022 thì có đến 30 ha do người dân tự bỏ vốn trồng. Vì tự bỏ vốn đầu tư nên người dân cũng quan tâm hơn đến việc chăm sóc để tỷ lệ cây sống cao, sinh trưởng nhanh, phát triển tốt.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, thời gian tới, huyện Đak Đoa sẽ tập trung nhân rộng mô hình trồng rừng trên diện tích đất bạc màu của các hộ dân. Qua đó, hướng đến hình thành vùng nguyên liệu tập trung để kêu gọi doanh nghiệp mở nhà máy sản xuất thô, bãi tập kết hoặc có phương án vận chuyển, thu mua thuận lợi giúp người dân bán được gỗ nguyên liệu với giá cao, lợi nhuận tốt nhất.

 

LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.