(GLO)- L.T.S: Cách nay 50 năm, một chiến thắng vang dội của Quân Giải phóng trên chiến trường làm cả nước Mỹ phải bàng hoàng, sửng sốt-Chiến thắng Plei Me. Nhân dịp UBND huyện Chư Prông được Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao tổ chức trọng thể kỷ niệm sự kiện trọng đại này, ông Nguyễn Anh Dũng-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông đã có những chia sẻ với P.V Báo Gia Lai về những đổi thay trên vùng chiến địa trước đây và giá trị bài học trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
- P.V: Xin ông cho biết ý nghĩa lịch sử và bài học giáo dục thế hệ trẻ hôm nay về chiến thắng Plei Me?
Ông Nguyễn Anh Dũng: Chiến thắng Plei Me là kết quả của tinh thần quyết đánh thắng giặc Mỹ của quân và dân Tây Nguyên; sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Trong thắng lợi chung to lớn ấy có sự đóng góp của lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân các dân tộc Gia Lai mà trực tiếp là quân và dân huyện 5C (Chư Prông ngày nay).
Chiến thắng Plei Me lừng lẫy về nghệ thuật quân sự, đánh dấu thất bại thảm hại của quân đội Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên buộc chúng phải thừa nhận trận đánh đã làm thay đổi cuộc chiến tranh Việt Nam. Chính vì vậy, tướng Harlod Moore đã hai lần trở lại vùng chiến địa này và công khai công nhận Plei Me chính là cột mốc lịch sử mở đầu cho sự thất bại của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Chiến thắng Plei Me chính là thắng lợi của tư tưởng tiến công; tinh thần quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ của quân và nhân dân Tây Nguyên; thể hiện ý chí và khát vọng độc lập. Dù địch có mạnh đến đâu, vũ khí tối tân cỡ nào cũng không thể thắng nổi tinh thần quyết thắng, lòng yêu nước, ý chí khát vọng hòa bình và hơn nữa chính là tinh thần giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc.
- P.V: 50 năm kể từ chiến thắng Plei Me, nhất là 40 năm sau ngày thống nhất đất nước, những thành tựu nổi bật ở vùng đất này là gì, thưa ông?
Một góc trung tâm huyện Chư Prông. |
Ông Nguyễn Anh Dũng: Những năm qua, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Chư Prông đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh; biến chiến trường Plei Me năm xưa trở thành vùng phát triển trù phú, hình thành những vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao như: cà phê, hồ tiêu, cao su. Nền kinh tế của huyện duy trì tốc độ tăng trưởng 7,1%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng diện tích gieo trồng đạt 73.000 ha, trong đó diện tích cây công nghiệp dài ngày 51.684 ha; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội liên tục tăng qua các năm. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 81,8 tỷ đồng; cơ sở hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư; bộ mặt thị trấn và diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Hiện nay, 100% trụ sở xã, thị trấn và trường học đều được tầng hóa, giao thông thông suốt. Hơn nữa, gần 100% dân số được sử dụng điện lưới quốc gia.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm đầu tư và đạt được những kết quả quan trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; sự nghiệp giáo dục-đào tạo phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Toàn huyện có 66 trường học, trong đó có 3 trường THPT, tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia 95%; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng lên; an sinh xã hội được triển khai kịp thời và có hiệu quả; các chương trình, chính sách dân tộc, công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ được quan tâm... Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt 28 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 10,35%; công tác giải quyết việc làm được chú trọng. Bình quân hàng năm giải quyết được 2.500 lao động và từng bước ổn định, nâng cao đời sống. Phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao ngày càng mở rộng đáp ứng yêu cầu hưởng thụ của người dân; xây dựng nhà rông văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Duy trì, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Các phong trào thi đua thường xuyên được duy trì góp phần động viên, cổ vũ kịp thời những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; phong trào xây dựng nông thôn mới đã huy động được sự đóng góp gần 20 ngàn ngày công, gần 57 tỷ đồng và hiến hàng ngàn mét vuông đất... làm cho bộ mặt huyện Chư Prông ngày càng khởi sắc; thế trận an ninh nhân dân, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được quan tâm xây dựng và phát triển; an ninh biên giới được giữ vững.
- P.V: Phát huy những giá trị lịch sử của chiến thắng Plei Me, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Chư Prông trong thời gian tới cần nỗ lực gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Dũng: Tiếp tục phát huy những giá trị lịch sử của chiến thắng Plei Me, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân huyện Chư Prông quyết tâm phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đã đề ra, xây dựng huyện Chư Prông giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng-an ninh.
Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp dần về khoảng cách và mức sống giữa các tầng lớp dân cư; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng-chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ vững quốc phòng-an ninh. Xây dựng Đảng bộ mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nâng cao hiệu lực quản lý điều hành của bộ máy chính quyền các cấp và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, của các đoàn thể; phấn đấu xây dựng huyện Chư Prông là huyện phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, về kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 5 năm là 8,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện về nông-lâm-thủy sản, công nghiệp xây dựng, dịch vụ. Đến năm 2020 huyện phấn đấu thu nhập bình quân đầu người là 40 triệu đồng/năm và có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Về xã hội, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5% và 100% dân số đô thị và 90% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi các cấp trung học cơ sở đạt 99%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%; số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế chiếm 25% và có 6 bác sĩ/1 vạn dân. Đồng thời, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; tăng cường công tác ngoại biên, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển...
- P.V: Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Văn Nhung (thực hiện)