Tuổi trẻ thành phố Pleiku giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời gian qua, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn TP. Pleiku đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động như thành lập các đội cồng chiêng, đội hòa tấu nhạc cụ dân tộc; tổ chức các hội thi, liên hoan cồng chiêng… Qua đó cổ vũ, khơi gợi niềm đam mê, nâng cao ý thức và trách nhiệm của thế hệ trẻ với truyền thống dân tộc.
Tối thứ bảy hàng tuần, khoảng sân nhà anh Siu Luk-Bí thư chi đoàn làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi) luôn đông vui, rộn tiếng cười nói của các thành viên đội hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Bên chiếc đàn trưng, em Tuân (lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh) đang hướng dẫn cho 2 em nhỏ chừng 8 tuổi cách chơi nhạc cụ. Tuân chơi thử một đoạn nhạc ngắn, rồi 2 em nhỏ chơi lại đoạn nhạc đó. Tuân chú ý lắng nghe và giúp các em chỉnh lại những nhịp đánh sai.
 Một buổi tập luyện của đội hòa tấu nhạc cụ dân tộc làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku). Ảnh: T.B
Một buổi tập luyện của đội hòa tấu nhạc cụ dân tộc làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku). Ảnh: T.B
Theo chia sẻ của anh Siu Luk, Tuân biết chơi nhạc cụ từ nhỏ, giờ là người chơi chính của đội hòa tấu nhạc cụ dân tộc làng Chuét 2. Đội thành lập gần 4 năm, lúc đầu được các nghệ nhân trong làng truyền dạy những kiến thức cơ bản về đánh chiêng, chơi đàn goong, đàn trưng và cách diễn tấu những bài nhạc quen thuộc của đồng bào Jrai. Dần dần, nhờ sự kiên trì tập luyện, các thành viên của đội giờ có thể diễn tấu các bài chiêng phổ biến như: mừng chiến thắng, mừng được mùa, mừng lúa mới, pơ thi… Khi đã chơi thuần thục, những thành viên giỏi lại chỉ dạy cho những em nhỏ hơn. Không khí mỗi buổi tập luyện đều rất vui vẻ, ai cũng hào hứng, say mê.
Là người tham gia đội hòa tấu nhạc cụ dân tộc ngay từ những ngày đầu thành lập, Tuân vui vẻ cho biết: “Trong khi nhiều bạn cùng tuổi thích nghe nhạc hiện đại thì em lại có đam mê đặc biệt với âm nhạc dân tộc, với tiếng cồng tiếng chiêng. Em sẽ cố gắng đánh thật giỏi, chơi được nhiều bài nhạc Jrai hơn nữa”.
30 thành viên của đội nhạc cụ dân tộc làng Chuét 2 có độ tuổi từ 8 đến 18 tuổi. Ngày ngày bận rộn việc học hành và đi làm rẫy giúp bố mẹ, nhưng khi chi đoàn tổ chức sinh hoạt hoặc tập luyện thì các thành viên đều có mặt đông đủ. Bên cạnh chơi nhạc cụ dân tộc, một số thành viên còn hát dân ca rất giỏi. Em Kpă HSukơ (lớp 11, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP. Pleiku) cho hay: “Em thường được nghe bà hát ru nên thuộc nhiều bài dân ca. Em sẽ cố gắng học thêm nhiều bài khác nữa”.
Nói đến việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, không thể không nhắc đến đội cồng chiêng thanh-thiếu niên làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ). Hiện tại, đội cồng chiêng của làng có 35 thành viên từ 7 đến 17 tuổi. Người “truyền lửa” đam mê cho các em là anh Siu Thưm (công tác tại Trung tâm Văn hóa Thông tin-Thể thao TP. Pleiku)-người rất tâm huyết với âm nhạc dân tộc. Để các thành viên gắn bó và yêu thích âm nhạc truyền thống, anh Siu Thưm luôn kiên trì, chỉ dạy tận tình; đồng thời, theo sát để hướng dẫn các em trong mỗi lần dự thi hay giao lưu cồng chiêng. Tham gia các liên hoan hay sự kiện do thành phố tổ chức, đội cồng chiêng thanh-thiếu niên làng Pleiku Roh đều giành giải cao. Mới đây, tại Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca thanh-thiếu niên, học sinh hè năm 2019 do Thành Đoàn Pleiku phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thành phố tổ chức, đội cồng chiêng thanh-thiếu niên của làng đã giành giải nhất. Vui mừng với kết quả này, anh Siu Thưm chia sẻ: “Từ nhỏ mình đã được sống trong âm nhạc dân tộc. Cũng chính vì thế, mình  rất thuận lợi khi hướng dẫn các em. Nhiều em mới 7, 8 tuổi đã chơi được các nhạc cụ. Mình rất vui vì có thể khơi gợi, giúp các em thêm yêu thích âm nhạc và văn hóa của dân tộc”.
Hiện trên địa bàn thành phố có 7 đội cồng chiêng thanh-thiếu niên, 4 đội hòa tấu nhạc cụ dân tộc đến từ các phường: Yên Đổ, Thắng Lợi, Hoa Lư, Đống Đa và các xã: Gào, Ia Kênh, Chư Á. Nhiều năm qua, Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Pleiku đã quan tâm phối hợp với các cấp, các ngành trên địa bàn tổ chức Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca thanh-thiếu niên, học sinh vào mỗi dịp hè nhằm tạo cơ hội giao lưu, học hỏi. Anh Nguyễn Tấn Tám-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Pleiku-cho biết: Tuyên truyền, giáo dục thanh niên dân tộc thiểu số giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc là nhiệm vụ luôn được các tổ chức Đoàn-Hội quan tâm. Theo đó, chúng tôi chú trọng thành lập các đội cồng chiêng, đội hòa tấu nhạc cụ dân tộc và thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu. Đây là hình thức sinh hoạt hiệu quả, tập hợp được đông đảo thanh-thiếu niên, nhi đồng tham gia các hoạt động Đoàn-Hội.
 THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

"Báu vật sống" ở làng Kon Kơ Tu

"Báu vật sống" ở làng Kon Kơ Tu

Nghệ nhân Y Yin (72 tuổi) ở làng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) cả đời gắn bó với khung dệt. Bà được xem là “báu vật sống” của làng khi sở hữu kỹ năng dệt điêu luyện và năng khiếu “kể chuyện” trên thổ cẩm.
Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Sau những gian hàng lồng đèn ồn ào, tấp nập mùa Trung thu là bao năm thao thức thầm lặng của các nghệ nhân, miệt mài, tỉ mỉ với từng công đoạn để thế hệ nào cũng có ký ức đẹp về những đêm trăng vàng với chiếc lồng đèn truyền thống rực rỡ trên tay.
Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Trước nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng mỹ thuật Đông Sơn bị trống vắng yếu tố thực vật. Thế nhưng với sự phát hiện hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa là hoa cúc được cách điệu, đã cho thấy yếu tố thực vật chưa bao giờ vắng bóng trong trang trí ở trống đồng.
Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Khung tre được uốn nắn tỉ mỉ, bọc bên ngoài là tấm giấy đầy màu sắc rực rỡ, nghệ nhân Trần Thanh Tùng (80 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) làm thành những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống.
Chất trữ tình trong trường ca Xing Chơ Niếp

Chất trữ tình trong trường ca Xing Chơ Niếp

(GLO)- Trường ca Xing Chơ Niếp của dân tộc Ê Đê được sưu tầm ở vùng Krông Pa (cũng có người cho rằng đây là trường ca của người Bahnar Chăm ở Krông Pa) từ những năm 80 của thế kỷ trước, cùng thời với H’mon Đăm Noi của người Bahnar được sưu tầm ở vùng Kông Chro ngày nay.
Thương lắm, nhà Rông…

Thương lắm, nhà Rông…

Đó là một trong những ngôi nhà Rông cổ và đẹp nhất nhì xứ này còn giữ lại hầu như nguyên vẹn ét xưa cũ trên cao nguyên. Nhưng ngọn lửa đã đốt trụi những gì tinh túy nhất của làng. Ngọn lửa bốc lên cháy rực bỏng rát trong tim của mỗi người làng một nỗi đau nhưng nhức.
Stơr vang tiếng chiêng ngân

Stơr vang tiếng chiêng ngân

(GLO)- Chúng tôi về thăm làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) trong một ngày nắng vàng như mật. Tại đây, chúng tôi thêm một lần được hòa mình trong âm thanh rộn ràng của cồng chiêng, chiêm ngắm những bộ trang phục truyền thống của các bà, các mẹ. Tất cả tạo nên bức tranh thật đẹp và yên bình.