Đào Phong Lan: Đắm đuối khúc ca Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mặc dù không còn sinh sống ở Pleiku nhưng tình cảm của nhà thơ Đào Phong Lan chưa bao giờ rời xa nơi này. “Mỗi bài thơ, bài hát về Pleiku với tôi đều hết sức đặc biệt, luôn mang lại cảm xúc không có gì so sánh được. Thơ tôi hay có trăng, gió, lá, mưa, lối cỏ và hoa vàng... Tất cả những hình ảnh, cảm xúc, nhịp điệu ấy đều bắt nguồn từ Pleiku. Và chỉ có mảnh đất khoáng đạt ấy mới đem lại cho tôi cảm xúc cuồng nhiệt khi làm thơ”-tác giả lời bài hát “Đêm xoang Tây Nguyên” bộc bạch.

Khúc ca về Tây Nguyên

Sinh ra và lớn lên tại phố núi Pleiku, vậy nên, sắc vàng rực của loài hoa dã quỳ rung rinh dưới cái nắng hanh hao trong tiết trời se lạnh trở thành nỗi nhớ thường trực trong tâm trí nhà thơ Đào Phong Lan (SN 1975, sống tại phường Tân Phú, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh). Chị trải lòng: “Cúc quỳ vàng rực khắp mọi nơi, cái mùi không khí se lạnh, tinh khiết luôn tràn ngập trong ký ức của tôi dù đang ở bất kỳ nơi nào: Hà Nội, Sài Gòn hay khi đang lang thang ở một thành phố, một đất nước nào đó. Cứ đến tháng 10, tháng 11 là tôi lại nhớ quay quắt Pleiku, chỉ mong được trở về để đắm chìm vào màu hoa vàng rực trên các nẻo đường, được hít thở thật sâu giữa không gian khoáng đạt. Có lần, quá mỏi mệt về công việc, tôi mua một vé giờ chót bay lên Pleiku vào buổi tối. Chỉ cần bước xuống sân bay, hít thở mùi không khí tinh khiết mang vị Phố núi, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Mỗi năm tôi đều tìm cách về Pleiku một lần, như để tiếp sức cho mình và cho nỗi nhớ của mình nguôi ngoai”.

  Nhà thơ Đào Phong Lan (ảnh nhân vật cung cấp).
Nhà thơ Đào Phong Lan. (Ảnh nhân vật cung cấp)


Không thể thường xuyên về thăm, chị đã gửi nỗi nhớ nhung Pleiku vào từng lời thơ da diết. Và, “Đêm xoang Tây Nguyên” là một ví dụ điển hình: “Rượu cần lâu năm cất trong đáy mắt em/Vít cần/Anh không dám uống/Điệu xoang nhịp nhàng/Vòng người sóng sánh/Anh cứ sợ mình lạc mất nhau thôi”. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Văn Chừng phổ nhạc và trở thành bài hát gợi nhớ, gợi thương về Tây Nguyên. Không khí náo nức, rạo rực của đêm hội với vòng xoang hòa cùng điệu cồng chiêng, men rượu cần nồng nàn, chuếnh choáng lan ra khắp không gian mỗi khi bài hát được cất lên.

Vẫn vẹn nguyên cảm xúc như lúc đặt bút sáng tác chùm 3 bài thơ “Đêm xoang Tây Nguyên”, “Ly khúc Pleiku” và “T'rưng” vào tháng 6-1995, nhà thơ Đào Phong Lan hồi nhớ: “Thật khó tin khi cả 3 bài thơ này đã có tuổi đời 26 năm. Đó là khi tôi từ Hà Nội về nhà nghỉ hè. Trong đêm khuya vắng lặng, nhưng trong đầu tôi cứ văng vẳng âm thanh của đêm xoang và hình ảnh của vòng xoang. Tôi viết liền một mạch, không sửa gì, viết xong vẫn còn chuếnh choáng như đang trong đêm hội”.

Nói về những “đứa con” của mình, chị Đào Phong Lan bật cười: “Thú vị là trong bài “Đêm xoang Tây Nguyên” có “Cô gái Jrai hát câu gì không rõ”. Trong bài “T'rưng” lại có câu “Ơi cô gái Bahnar, tiếng đàn em thánh thót”. Tôi viết về hai dân tộc bản địa ở Pleiku mà sau này, khi nhìn lại mới phát hiện ra. Bài hát “T'rưng” được chính mẹ ruột của tôi thể hiện. Nhiều người bất ngờ khi bà đã 70 tuổi mà vẫn có giọng hát cao và sôi nổi, trong sáng như vậy”.

Thổn thức với dã quỳ vàng

Sau “Đêm xoang Tây Nguyên” và “T'rưng”, mới đây, bài thơ “Mùa hoa chờ đợi” cũng được chính chị phổ nhạc và thể hiện. Sau khi đăng tải trên trang cá nhân, bài hát đã nhận được nhiều lời khen ngợi bởi ca từ mượt mà cùng giọng ca giàu cảm xúc của nữ thi sĩ. Chị bộc bạch: “Một trong những ký ức đẹp đẽ nhất của tôi là loài hoa dã quỳ. Cái màu vàng rực rỡ, ngời sáng, tha thiết, day dứt ấy là nỗi ám ảnh trong tôi. Cứ mùa đông là tôi khao khát được trở về để ngắm hoa nở. Chỉ dã quỳ ở Pleiku mới đem lại cho tôi cảm giác ấy, một cảm giác nghẹn ngào, yêu dấu đến vô cùng. Khi những khóm hoa trải dài trên những lối đi, mọc lan vàng rực trên đường Trần Hưng Đạo xưa hoặc ôm tràn lấy núi Hàm Rồng, bùng cháy tha thiết bên những hàng rào của những ngôi nhà quanh phố, tôi cảm giác như mình đã được trở về nơi chỉ thuộc về mình. Vì thế, tôi viết “Mùa hoa chờ đợi”, cảm giác Pleiku như một người con trai, vì nhớ thương một người con gái ở xa mà thắp dã quỳ lên rực rỡ như nắng, như hẹn và như đợi người con gái ấy một ngày nào đó sẽ trở về. Hoa là lời yêu của chàng trai dành cho cô gái. Và tôi xem mùa dã quỳ như một mùa hoa chờ đợi”.

Ảnh: Ngọc Thu
Nhà thơ Đào Phong Lan chia sẻ, mùa dã quỳ như một mùa hoa chờ đợi. Ảnh: Ngọc Thu



“Pleiku chờ em/Thắp cúc quỳ như nắng/Dòng thông xanh lặng im/Chảy về miền xa vắng… Trời chuyển mùa càng nhiều giá rét/Thì màu vàng lại càng thắm thiết/Trong tháng mười hai…”. Ca từ sâu lắng, nhẹ nhàng không chỉ khiến những người đi xa mà ngay cả những người đang sinh sống ở Pleiku cũng thổn thức, xuyến xao. Bà Hà Bích Thủy-giảng viên Khoa Văn hóa nghệ thuật (Trường Cao đẳng Gia Lai) bày tỏ: “Tôi biết Đào Phong Lan từ khá lâu và vẫn thường dõi theo nữ thi sĩ tài năng này. Bài nào của Đào Phong Lan cũng rất ấn tượng, trong thơ có nhạc và ngược lại. Dù là thơ hay nhạc thì hình ảnh đều rất gần gũi, chân thực, thân thiết đến nỗi người ở gần thì muốn tới ngay đó, người ở xa thì muốn trở về”.

Cuộc sống đưa nhà thơ Đào Phong Lan rẽ nhiều hướng khác mà không phải con đường nghệ thuật, văn chương chuyên nghiệp. Song giữa những bộn bề, tất bật của cuộc sống, Pleiku cùng màu vàng rực của dã quỳ lại khơi dậy, thôi thúc chị viết nên những vần thơ, ca khúc đẹp đẽ, đi vào lòng người. “Tôi rất vui khi được khán giả và độc giả nhớ tới qua các bài thơ, đặc biệt là các bài thơ được phổ nhạc. Tôi vẫn mong có một dòng nhạc với những ca từ đẹp như thơ, hoàn toàn xa lạ với yếu tố thị trường. Ngay lúc này đây, tôi biết là ở Pleiku hoa dã quỳ đã nở, tôi rất mong được trở về để thêm một lần đắm mình cùng loài hoa dại ấy. Nhưng có lẽ với tình hình dịch bệnh đang còn phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh, tôi đành hẹn Pleiku vào dịp khác. Và hát bài “Mùa hoa chờ đợi” sẽ giúp tôi nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nơi này”-nhà thơ Đào Phong Lan chia sẻ.

 

 PHƯƠNG LINH

 

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch nước Tô Lâm: Báo chí phải có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai

Chủ tịch nước Tô Lâm: Báo chí phải có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai

Theo Chủ tịch nước Tô Lâm, người làm báo cần kiên định lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung.
Nhà báo cũng là người bảo vệ!

Nhà báo cũng là người bảo vệ!

Trong bức thư "Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ" vào tháng 5-1947, trong đó có các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà…".
Gương mặt thơ: Huỳnh Dũng Nhân

Gương mặt thơ: Huỳnh Dũng Nhân

(GLO)- Người thì gọi ông là “sói phóng sự”, người phong “vua phóng sự”, đều để nói ông là một nhà báo tầm cỡ của làng báo Việt. Từng là nhà báo trực tiếp viết báo, là Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo, là thầy dạy báo chí cho mấy trường đại học... nhưng khi về hưu, ông lại chăm chỉ làm thơ và vẽ.

Gương mặt thơ Dương Kỳ Anh

Gương mặt thơ: Dương Kỳ Anh

(GLO)- Ông là một cái tên từ lâu đã không còn xa lạ với bạn đọc trên cả nước, dù là thơ, văn hay báo. Nhiều năm làm Tổng Biên tập Báo Tiền Phong với tên thật là Dương Xuân Nam, là người “đẻ” ra cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước ta là “Hoa hậu Báo Tiền Phong” và được duy trì tới giờ.