Pleiku lập lại trật tự đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Thời gian qua, mặc dù TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã quyết liệt chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng tình trạng vi phạm trật tự đô thị vẫn diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, ngành chức năng, chính quyền các cấp của thành phố cần có giải pháp tuyên truyền cũng như mạnh tay xử lý hơn nữa trong thời gian tới.

Ngang nhiên chiếm vỉa hè…

Dạo quanh các tuyến đường chính của thành phố như: Trần Phú, Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải, Nguyễn Thái Học, Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Văn Thụ..., tình trạng chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc cho người đi bộ. Tại các tuyến đường này thậm chí không còn nhận ra phần vỉa hè bởi nhiều cá nhân, hộ dân biến khu vực trước nhà thành nơi buôn bán, kinh doanh, đậu, đỗ xe...

Tại đường Hai Bà Trưng, người dân không những chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh mà còn để xe của khách tràn ra đường. Ảnh: Quang Tấn

Tại đường Hai Bà Trưng, người dân không những chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh mà còn để xe của khách tràn ra đường. Ảnh: Quang Tấn

Thậm chí, một số điểm, vỉa hè dùng để kinh doanh, buôn bán, xe cộ của khách để tràn xuống lòng đường gây mất an toàn giao thông. Theo quy định của thành phố, trừ 13 tuyến đường/8 xã, phường đang được thành phố triển khai thí điểm sử dụng hè phố phục vụ mục đích kinh doanh có thu phí thì người dân không được sử dụng vỉa hè đường phố còn lại để kinh doanh, buôn bán.

Vỉa vè bị lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán, người đi bộ phải đi dưới lòng lề đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh: Quang Tấn

Vỉa vè bị lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán, người đi bộ phải đi dưới lòng lề đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh: Quang Tấn

Theo ông Trần Văn Ninh (tổ 3, phường Diên Hồng), tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè để làm nơi kinh doanh, mua bán, đậu đỗ xe không còn quá xa lạ. Hầu hết các tuyến đường trên địa bàn thành phố đều xảy ra tình trạng này, gây cản trở, khó khăn cho người đi bộ, nhất là vào thời điểm chiều tối. Qua đây, tôi mong muốn chính quyền địa phương có hướng giải quyết, sắp xếp, bố trí nơi đậu xe, buôn bán phù hợp, tạo lối đi thuận tiện cho người dân đi bộ, tập thể dục.

Còn ông Nguyễn Tiến Sỹ-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ 3 (phường Hội Thương) cho hay: Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng của phường để tuyên truyền, vận động người dân không được lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán, đậu đỗ xe. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn xảy ra, một bộ phận người dân còn thiếu ý thức, thường xuyên lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, mua bán, đậu đỗ, gây ùn tắc giao thông cũng như tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ từ lâu đã bị người dân lấn chiếm làm nơi kinh doanh, buôn bán. Ảnh: Quang Tấn

Vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ từ lâu đã bị người dân lấn chiếm làm nơi kinh doanh, buôn bán. Ảnh: Quang Tấn

“Tuy thành phố là đô thị loại I trực thuộc tỉnh nhưng chưa được đầu tư nhiều bãi đậu xe, trong khi mật độ xe ô tô thì ngày càng nhiều. Rất mong thành phố và các ban ngành sắp xếp, thiết kế những bãi xe để bà con nhân dân thuận tiện trong việc mua bán và sinh hoạt”-ông Sỹ đề nghị.

Không những lấn chiếm vỉa hè, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để làm nơi kinh doanh, buôn bán, đậu đỗ xe cũng diễn ra ở nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố. Việc chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh, mua bán không chỉ làm mất chỗ đi dành cho người đi bộ mà còn làm bộ mặt thành phố nhếch nhác, mất mỹ quan, không đảm bảo an toàn giao thông.

Vỉa hè đường Lê Hồng Phong cũng bị chiếm dụng, lối đi cho người đi bộ không còn. Ảnh: Quang Tấn

Vỉa hè đường Lê Hồng Phong cũng bị chiếm dụng, lối đi cho người đi bộ không còn. Ảnh: Quang Tấn

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trên là do ý thức chấp hành của người dân chưa tốt. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý thì thực hiện, tháo dỡ, di dời; khi lực lượng chức năng rời đi thì lại tiếp tục lấn chiếm để buôn bán. Bên cạnh đó, việc quản lý địa bàn chưa chặt chẽ, xử lý chưa mạnh tay của các phường cũng là một trong những nguyên nhân khiến vỉa hè, lòng lề đường thường xuyên bị lấn chiếm.

Quyết liệt xử lý

Theo bà Võ Thị Hằng-Chủ tịch UBND phường Hội Thương, TP. Pleiku, mặc dù các lực lượng chức năng của phường cũng đã thường xuyên quan tâm, phối hợp thực hiện song, tình trạng này cũng chưa được xử lý dứt điểm. Nguyên nhân là cơ sở hạ tầng trên địa bàn phường, nhất là các bãi đậu xe chưa được đầu tư nhiều; cùng với đó, ý thức của một số người dân cũng như phụ huynh đưa đón học sinh chưa chấp hành tốt.

Chủ tịch UBND phường Hội Thương cho hay: “Trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục phối hợp tốt với các trường học trên địa bàn, cũng như tiếp tục phân công, chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên và quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo mặt trận, các đoàn thể của phường tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trên địa bàn”.

Xử lý nghiêm các trường hợp tái lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh, mua bán. Ảnh: Quang Tấn

Xử lý nghiêm các trường hợp tái lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh, mua bán. Ảnh: Quang Tấn

Còn theo ông Nguyễn Công Tuấn-Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị, Quản lý điều hành Đội kiểm tra quy tắc đô thị TP. Pleiku-cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, từ đầu năm đến nay, Đội đã phối hợp xử lý nhiều trường hợp vi phạm trật tự đô thị trên các tuyến phố chính. Qua đó, đã tạm thu giữ 4.465 kg rau củ quả các loại, 302 cái dù, 25 cái cân, 2 tấm bạt, 380 cái bảng hiệu các loại, tháo dỡ và bóc gỡ 5.328 bảng quảng cáo trên cây xanh, trụ điện và nhiều vật dụng khác giao cho UBND các xã, phường tạm giữ và xử lý.

Điển hình như, UBND phường Diên Hồng đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với 44 trường hợp với số tiền 98,5 triệu đồng; phường Phù Đổng xử lý vi phạm hành chính 5 trường hợp với số tiền 5,9 triệu đồng; phường Đống Đa nhắc nhở 15 trường hợp đặt để bảng hiệu sai quy định, xử phạt 5 trường hợp bán hàng hóa nhỏ lẻ trên lòng đường đô thị với tổng mức tiền xử phạt là 750 ngàn đồng; phường Yên Đỗ xử lý vi phạm hành chính 7 trường hợp đậu đỗ xe sai quy định với số tiền 2,45 triệu đồng…

Từ đầu năm đến nay, UBND phường Diên Hồng đã xử phạt vi phạm hành chính 44 trường hợp vi phạm. Ảnh: Quang Tấn

Từ đầu năm đến nay, UBND phường Diên Hồng đã xử phạt vi phạm hành chính 44 trường hợp vi phạm. Ảnh: Quang Tấn

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng các xã, phường ra quân đồng loạt thiết lập lại trật tự đô thị, việc lấn chiếm lòng lề đường kinh doanh, mua bán. Theo đó, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp, tụ điểm mua bán cà phê, ăn uống trên vỉa hè, vật liệu, phế thải... và yêu cầu các hộ kinh doanh phải chấp hành nghiêm việc giữ gìn vệ sinh, mỹ quan, văn minh đô thị, không được vi phạm hành lang an toàn giao thông khác. Đối với các trường hợp thường xuyên tái lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để làm nơi kinh doanh, mua bán thì sẽ xử lý nghiêm nhằm đảm bảo trả lại lòng lề đường, vỉa hè cho người đi bộ, lập lại trật tự đô thị”-ông Nguyễn Công Tuấn thông tin.

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, hy vọng tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh, mua bán, đậu đỗ xe trên các tuyến đường chính của thành phố sẽ được lập lại trật tự. Qua đó đem lại diện mạo cho thành phố sạch đẹp, đường thông, hè thoáng, hướng đến đô thị thông minh.

Có thể bạn quan tâm

Quân và dân chung tay làm sạch môi trường suối Hội Phú

Quân và dân chung tay làm sạch môi trường suối Hội Phú

(GLO)- Những ngày cuối năm 2024, bờ kè suối Hội Phú (TP. Pleiku) như được khoác lên mình tấm áo mới khi các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2, Quân khu 5), Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 34) và đoàn viên, thanh niên cùng nhau phát quang cỏ dại, cải tạo cảnh quan để chào đón năm mới.

Người dân trên địa bàn tỉnh khoan giếng để lấy nước sinh hoạt và tưới cho cây trồng. Ảnh: Lê Nam

Báo cáo tình hình khai thác tài nguyên nước và lắp đặt thiết bị giám sát tài nguyên nước trước ngày 30-1-2025

(GLO)- Triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2023, Sở TN-MT Gia Lai vừa có Công văn số 4642/STNMT-KS-TNN, yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh thực hiện lập báo cáo tình hình khai thác tài nguyên nước gửi về Sở trước ngày 30-1-2025.

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: TẦM NHÌN MỚI, CƠ HỘI MỚI, GIÁ TRỊ MỚI

E-magazineQuy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: TẦM NHÌN MỚI, CƠ HỘI MỚI, GIÁ TRỊ MỚI

VỚI TẦM NHÌN DÀI HẠN NHẰM PHÁT HUY HIỆU QUẢ CÁC LỢI THẾ CỦA TỈNH, QUY HOẠCH LÀ CĂN CỨ KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN ĐỂ BÌNH PHƯỚC SẮP XẾP, BỐ TRÍ HIỆU QUẢ CÁC KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN, HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ, KẾT CẤU HẠ TẦNG, PHÂN BỔ ĐẤT ĐAI…

Gia Lai: Không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 4 loại giấy tờ về sở hữu đất và nhà ở

Gia Lai: Không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 4 loại giấy tờ về sở hữu đất và nhà ở

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa thống nhất không ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 137 Luật Đất đai năm 2024 đối với 4 loại giấy tờ do UBND TP. Pleiku và Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh thành phố đề xuất.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.