Pleiku đẩy mạnh đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 10 năm qua, TP. Pleiku đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11-8-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về “Đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị đến năm 2020”. Nhờ đó, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại và được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân, sau khi ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, vận động và triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị. Trong quá trình thực hiện, thành phố chú trọng phát huy nguồn lực các thành phần kinh tế và trong nhân dân.
Một góc trung tâm đô thị Thành phố Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật
Một góc trung tâm đô thị Thành phố Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, TP. Pleiku đã hoàn thành việc lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nâng tỷ lệ phủ kín quy hoạch trên địa bàn từ 11,2% năm 2011 lên 60% năm 2020. Đây là cơ sở để thành phố quản lý và kêu gọi đầu tư, triển khai các chương trình, dự án xây dựng, phát triển đô thị. Ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý Đô thị-thông tin: “Thành phố xác định những danh mục công trình, nguồn vốn đầu tư và thời gian triển khai thực hiện cụ thể hàng năm. Trong đó, chú trọng triển khai dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú, cắm mốc bảo vệ 21 dòng chảy lớn trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị và trật tự xây dựng; cấp hơn 13.000 giấy phép xây dựng và cấp mới, cấp đổi trên 7.000 biển số nhà. Đồng thời, thành phố trình HĐND tỉnh quyết định đặt tên mới 59 tuyến đường”.
Từ năm 2011 đến nay, TP. Pleiku đã vận động gần 2.500 hộ tự nguyện hiến hơn 34.000 m2 đất, hơn 1.600 hộ di dời hàng rào và hơn 100 hộ di dời nhà, vật kiến trúc với tổng giá trị tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng. Từ đó, thành phố có điều kiện đầu tư nâng cấp và mở rộng 108 tuyến đường giao thông với chiều dài hơn 55 km; xây dựng hơn 253 tuyến đường hẻm và giao thông nông thôn với chiều dài hơn 64 km. Đến nay, 100% tuyến đường có tên và hơn 61% đường hẻm đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Bên cạnh đó, thành phố đã đầu tư lắp điện chiếu sáng công cộng trên 290 km đường, nâng tỷ lệ được lắp đèn chiếu sáng ở đường có tên đạt 100% và đường hẻm đạt 62,03%.
Thi công đường hẻm trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật
Thi công đường hẻm trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật
Chủ tịch UBND phường Diên Hồng Võ Phan Duyệt cho biết: “Phường đã vận động hơn 1.000 hộ dân tự tháo dỡ vật kiến trúc, tường rào, mái che trên các tuyến đường. Cùng với đó, người dân tự lát gạch vỉa hè và bê tông vỉa hè trước nhà với tổng diện tích hơn 2.000 m2. Với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phường đã thi công hơn 2.600 m đường hẻm, duy tu mở rộng mặt đường, vận động nhân dân lắp đặt hơn 100 bóng điện chiếu sáng. Người dân còn đồng thuận lắp đặt gần 20 camera an ninh”.
Phường Phù Đổng cũng được đánh giá cao trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Chủ tịch UBND phường Đỗ Trung Hùng cho hay: “Phường phối hợp với các ngành chức năng mở rộng chỉ giới xây dựng 10 tuyến đường, vận động hơn 300 hộ di dời, tháo dỡ vật kiến trúc trên đất với diện tích giải tỏa hơn 5.000 m2. Đồng thời, huy động nhân dân góp kinh phí cùng nguồn hỗ trợ của Nhà nước để nâng cấp nhiều tuyến đường hẻm với tổng chiều dài 3.200 m, mắc 190 bóng điện chiếu sáng, xây dựng mới 1 hội trường tổ dân phố và làm 3 sân bê tông với tổng diện tích gần 2.700 m2”.
THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.