Phục nguyên điện Cần Chánh- ngôi điện có kết cấu gỗ lớn nhất và đẹp nhất trong Tử Cấm thành, Đại Nội Huế, từ lâu đã là mong muốn của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ) nói riêng và của nhân dân Thừa Thiên Huế nói chung. Tuy nhiên, điều này sẽ khó mà thực hiện được bởi ngôi điện đã bị phá huỷ hoàn toàn vào đầu năm 1947, chỉ còn sót lại phần nền móng được cấu trúc bằng đá Thanh và gạch Vồ. May mắn là một cơ duyên đã đến…
Hợp tác chiến lược giữa TTBTDTCĐ Huế và Heritage Waseda
Đó là vào năm 1991 khi Giáo sư Tiến sĩ Nakagawa Takeshi (sau này là Giám đốc Viện nghiên cứu Di sản thế giới UNESCO- Đại học Waseda (Heritage Waseda)), tham gia Dự án trùng tu di tích Ngọ Môn- Đại Nội Huế với tư cách giám sát kỹ thuật của UNESCO. Đây được coi là sự kiện mở đầu cho mối quan hệ hợp tác giữa TTBTDTCĐ Huế và Heritage Waseda. Với sự nhiệt thành và tấm lòng yêu Huế, Giáo sư Nakagawa Takeshi đã cùng đồng nghiệp của mình trở lại Huế và gắn bó lâu dài với di tích Huế thông qua “Chương trình phối hợp nghiên cứu, đào tạo và bảo tồn tại khu di tích Huế” nhằm từng bước phục hồi các cung điện quan trọng của Cố đô Huế, mà đặc biệt là điện Cần Chánh- một công trình kiến trúc tiêu biểu của triều Nguyễn đã trở thành phế tích trong thời gian chiến tranh. Nói về sự hợp tác chiến lược này, KTS.Phùng Phu, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế, khẳng định: “Đã có nhiều dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di tích, nhưng dự án hợp tác với Heritage Waseda là dự án chiến lược. Nhật Bản rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Không những giúp đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ bảo tồn của Nhật Bản, phía đối tác còn đưa ra con người, sự phối hợp, kể cả kinh phí để làm. Có thể nói, mặc dù chưa kết thúc dự án nhưng đây là mô hình hợp tác mới trong thời kỳ đổi mới.”
“Chương trình Phối hợp Nghiên cứu, Đào tạo và Bảo tồn tại khu di tích Huế” hình thành chính thức từ năm 1994, đề ra bốn mục tiêu chính: Nghiên cứu toàn diện về di sản Huế trên nhiều khía cạnh, xây dựng cơ sở khoa học cho các dự án bảo tồn, trùng tu di tích Huế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực quản lý và bảo tồn của đội ngũ cán bộ TTBTDTCĐ Huế. Và một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chương trình này là nghiên cứu phục nguyên điện Cần Chánh. Chương trình đã được triển khai và thực hiện một cách khoa học trong suốt 15 năm qua với sự tham gia thường xuyên của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của cả hai phía TTBTDTCĐ Huế và Heritage Waseda. Kết quả nổi bật của quá trình hợp tác này là đã thực hiện chương trình nghiên cứu ứng dụng qua việc xây dựng mô hình hiện trạng điện Cần Chánh tỷ lệ 1/50 để phân tích nghiên cứu. Hiện hai bên cũng đang thực hiện lắp dựng mô hình tỷ lệ 1/10 để tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm. Mô hình tỉ lệ 1/10 được thiết kế giống như một quy trình thiết kế thực sự, đảm bảo tính chân xác và mặc dù tỉ lệ rất nhỏ nhưng tất cả vật liệu đều được thực hiện từ vật liệu truyền thống. Công tác thám sát khảo cổ học sân nền điện Cần Chánh cũng đã được thực hiện như là một bước chuẩn bị cần thiết phục vụ công tác trùng tu tôn tạo di tích này trong thời gian tới.
Đã có cơ sở khoa học để phục nguyên điện Cần Chánh
"Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã hoàn thành nghiên cứu, phân tích các vấn đề liên quan nền móng của điện Cần Chánh cũng như mối quan hệ trong sự tổng hoà đối với các công trình khác như điện Thái Hoà, Ngọ Môn… Kết hợp phân tích dữ liệu hình ảnh có được thì những bước cơ bản để phục dựng điện Cần Chánh đã hình thành. Tuy nhiên, để phục nguyên điện Cần Chánh thì chỉ dựa vào sức của chúng tôi chưa đủ mà chúng tôi cũng đang dựa vào các nghệ nhân đã làm nghề mộc cho cung đình xưa để thu thập tất cả các dữ liệu, nhờ họ chế tác một ngôi nhà dân gian truyền thống của Việt Nam và sau đó sẽ phân tách ra các bộ phận để kiểm tra bộ phận nào là hợp lý rồi áp dụng vào điện Cần Chánh. Sự hình thành một ngôi điện không chỉ phụ thuộc vào bộ khung của nó mà còn lệ thuộc vào nội thất bên trong nên chúng tôi rất mong muốn dựa vào sức lực của người dân Việt Nam để phục hồi điện Cần Chánh đúng như nguyên bản của nó". Giáo sư Nakagawa Takeshi nói tại Hội thảo Quốc tế về “Nghiên cứu Bảo tồn Di tích Huế và Dự án phục nguyên điện Cần Chánh” vừa được tổ chức vào trung tuần tháng 8-2009 tại Tp.Huế.
![]() |
![]() |
Theo KTS Phùng Phu, mặc dù việc đào tạo nhân lực, nghiên cứu vật liệu, công nghệ xây dựng một cung điện đã được chuẩn bị chu đáo, tuy nhiên hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó khó nhất là phần nội thất mà cụ thể là phần thơ và trang trí trên các ô hộc. “Chúng ta đã xây dựng được cơ sở dữ liệu đáng tin cậy, giai đoạn tiếp theo là thể nghiệm phục hồi bao gồm các mô hình 1/10, 1/4, và tiến đến 1/1. Tôi cho là dự án này phải khởi động sớm. Đây không chỉ là ước nguyện cách đây 15 năm mà thực sự chúng ta đã có điều kiện và một khi điện Cần Chánh được phục hồi một cách bài bản thì nhiều ngôi điện khác cũng sẽ được phục hồi”, Kiến trúc sư Phùng Phu, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế, khẳng định.
![]() |
Giám đốc Heritage Waseda- Giáo sư Nakagawa Takeshi, (đứng thứ ba, từ phải qua) giới thiệu về phương pháp phục hồi điện Cần Chánh. Ảnh: Thanh Vân |
Dự án phục nguyên điện Cần Chánh đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức đăng ký với Bộ Kế hoạch- Đầu tư vào tháng 7-2009 để tiếp tục đề nghị chính phủ Nhật Bản xem xét hỗ trợ nguồn ODA không hoàn lại giai đoạn 2010- 2015 với số tiền là 10 triệu USD. |
Tiến sĩ Lê Vĩnh An, TTBTDTCĐ Huế (đã làm Luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu phục nguyên mặt bằng và mặt cắt Cần Chánh điện”, bảo vệ tại Viện Đại học Waseda- Nhật Bản) cho biết: “Trong phương pháp tái thiết di sản kiến trúc của Nhật Bản đã đưa ra khái niệm gen di sản, cũng như chú cừu Doly là sự nhân giống vô tính dựa trên cấu trúc gen của động vật, thì dựa trên phương pháp luận tối ưu và các thiết bị hiện đại của Nhật Bản, người Nhật đã tái thiết được. Huế là một trường hợp tương tự và có thuận lợi hơn ở Đại cung điện Nara ở Nhật vì Huế còn một quần thể nền móng. Đối với điện Cần Chánh, ngoài nền móng - cấu trúc gen cơ bản, gen gốc của di sản - chúng ta còn có nhiều ảnh tư liệu, tư liệu lịch sử và các nghệ nhân nắm giữ bí quyết truyền thống. Chúng ta có thể tập hợp các nguồn tư liệu đó để đưa ra phương án thiết kế tối ưu và mang tính chân xác cao.” Về tính khả thi của Dự án phục nguyên điện Cần Chánh, TS. An cho rằng: “Dự án này được lãnh đạo Trung ương và địa phương rất quan tâm; bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế mà đặc biệt là Nhật Bản và Heritage Waseda đã rất nỗ lực hỗ trợ cho Thừa Thiên Huế; thứ ba là về cơ sở khoa học, 15 năm qua, phía TTBTDTCĐ Huế và Heritage Waseda đã xây dựng được hệ thống dữ liệu đầy đủ về kích thước, kỹ thuật truyền thống và hình thức của cung điện. Thêm vào đó là bối cảnh quốc tế hiện nay giữa Việt Nam và Nhật Bản, vị thế của di sản Huế trên trường quốc tế rất nổi bật và người dân đã hướng về di sản. Theo tôi, đó là hội đủ điều kiện để phục nguyên điện Cần Chánh”.
Thanh Vân
Điện Cần Chánh được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), dùng làm nơi thường triều của vua Nguyễn trong Tử Cấm Thành. Là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm thành, điện Cần Chánh đặt trên một nền đài cao gần 1m, bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh với diện tích gần 1.000m2. Chính điện 5 gian, 2 chái kép, tiền điện 7 gian, 2 chái đơn, hai bên Đông Tây có 4 hồi lang, mỗi bên 5 gian nối qua điện Văn Minh, Võ Hiển và qua Tả Vu, Hữu Vu. Toàn bộ bộ khung gỗ gồm 80 chiếc cột bằng gỗ lim. Phần lớn kết cấu bộ khung bên trên (xuyên, trến, kèo, đòn tay, hệ thống con-xon, các liên ba...) đều được chạm trổ trang trí rất tinh xảo, thể hiện trình độ kỹ thuật và mỹ thuật ở giai đoạn đỉnh cao của kiến trúc truyền thống Việt Nam thế kỷ XIX. Điện Cần Chánh là nơi vua tổ chức lễ thiết triều vào các ngày mùng 5, 10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng. Ngoài ra, điện còn là nơi vua Nguyễn tiếp đón các sứ bộ quan trọng, nơi tổ chức các buổi tiệc tùng trong những dịp khánh hỷ. Trong điện, ở gian giữa của nhà chính đặt ngự tọa, hai bên treo các bức tranh gương thể hiện cảnh đẹp Kinh đô và bản đồ các tỉnh trong nước lồng trong khung kính. Đặc biệt, điện Cần Chánh còn trưng bày nhiều báu vật của triều Nguyễn như các đồ sứ quý hiếm của Trung Hoa, các hòm tượng ấn vàng, ấn ngọc của triều đại... |