Phong trào "Chống rác thải nhựa" ở Gia Lai: Không chỉ là khẩu hiệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ là khẩu hiệu mà giờ đây phong trào “Chống rác thải nhựa” đã và đang được cả cộng đồng tích cực hưởng ứng. Đặc biệt, một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn đã hướng đến mục tiêu “giảm rác thải nhựa, tăng màu xanh cuộc sống” dù việc làm này ít nhiều đã làm giảm một phần doanh thu.
Với thông điệp “Chung tay bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của bạn”, trong hai tháng 11 và 12-2019, quán chay Khai Tâm (29 Lý Tự Trọng, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) sẽ áp dụng giảm giá 20% cho những khách hàng mang cà mèn đến mua thức ăn mang về. Bên cạnh đó, quán cũng tư vấn, giới thiệu và khuyến khích khách hàng sử dụng các hộp đựng thức ăn bằng bã mía thay hộp nhựa. Chị Trần Ngọc Bích-chủ quán-chia sẻ: “Nếu khách hàng đồng ý dùng hộp đựng thức ăn bằng bã mía, quán sẽ hỗ trợ bằng cách chỉ tính 1/2 giá trị tiền hộp. Mặt khác, khi bán thêm các loại nước nhà làm như: nha đam hạt chia, sữa bắp, chanh dây..., thay vì dùng ống hút nhựa, quán dùng toàn bộ ống hút giấy”.
Theo chủ quán chay Khai Tâm, quán cũng đang hướng đến việc thay thế hoàn toàn các chai nhựa sang chai thủy tinh. Nếu khách hàng có nhu cầu mua nước mang về thì chỉ cần đặt cọc lại vài ngàn đồng; số tiền ấy sẽ được hoàn trả khi khách mang chai trả lại.
 Chị Trần Ngọc Bích- chủ quán chay Khai Tâm giới thiệu về hộp bằng bã mía đang được dùng tại quán. Ảnh: P.D
Chị Trần Ngọc Bích- chủ quán chay Khai Tâm giới thiệu về hộp bằng bã mía đang được dùng tại quán. Ảnh: P.D
Nói thêm về việc hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, chị Bích cho biết: Trước kia, khi cùng nhóm bạn dành ra 4 buổi/tháng để nấu cơm chay từ thiện tại Trại nuôi dưỡng người tâm thần (thôn Hàm Rồng, xã Chư Hdrông, TP. Pleiku), chị đều dùng hộp xốp để đựng cơm, các bịch canh thì đựng trong túi ni lông. “Tuy nhiên, vài tháng nay chúng tôi thuê xe chở hết các nồi thức ăn xuống Trại, sau đó múc trực tiếp ra tô, chén trao tận tay người bệnh”-chị Bích nói.
Tương tự, hơn 3 tháng nay, chị Lương Thị Nguyệt (211 Hùng Vương, thị trấn Chư Prông) cũng sử dụng hộp giấy thay thế hộp nhựa trong việc kinh doanh cháo dinh dưỡng. Chị Nguyệt cho rằng, hộp nhựa làm từ nhựa tái chế nên khi đựng cháo nóng sẽ tạo ra những chất độc hại đối với sức khỏe của bé; đồng thời, đây đều là những sản phẩm sử dụng 1 lần, lại khó phân hủy nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Vì vậy, sau nhiều lần lên mạng tìm hiểu và phát hiện hộp giấy đựng cháo vừa dễ phân hủy, vừa an toàn cho sức khỏe, chị Nguyệt quyết định sử dụng hộp giấy thay thế hộp nhựa dù giá thành mỗi hộp đội lên gấp 4 lần. Ngoài ra, chị còn nhập thìa gỗ có giá cao gấp 10 lần thìa nhựa. Đến nay, chị Nguyệt đã nhập hơn 10.000 hộp cháo bằng giấy và hơn 5.000 thìa gỗ để phục vụ việc kinh doanh tại cửa hàng cháo dinh dưỡng ở số 211 Hùng Vương (thị trấn Chư Prông) và 178 Phan Đình Phùng (TP. Pleiku).
“Hiện tôi đang tìm hiểu thêm về những loại hộp giấy có quai xách nhằm hạn chế việc sử dụng túi ni lông đựng cháo mỗi khi giao cho khách mang đi”-chị Nguyệt nói về dự định sắp tới. Là khách hàng thường xuyên, chị Trịnh Thị Phương (tổ 4, thị trấn Chư Prông) bộc bạch: “Trước đây, mỗi lần mua cháo tôi đều mang theo hộp inox để đựng vì sợ hộp nhựa không đảm bảo sức khỏe. Từ khi chị Nguyệt sử dụng hộp giấy, tôi không phải lỉnh kỉnh mang theo hộp đựng”.
Công ty TNHH EMDRINK (28 Nguyễn Thái Học, TP. Pleiku) cũng bắt đầu hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” từ tháng 3-2019 bằng việc ngưng sử dụng túi ni lông, ly nhựa, ống hút nhựa dùng 1 lần trong hoạt động kinh doanh thức uống. Thay vào đó, Công ty sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như: ly giấy, ống hút thủy tinh, ống hút tre, dây cói để treo thức uống cho khách mang đi. Anh Nguyễn Thế Đoàn-Giám đốc Công ty-cho hay: Tính đến thời điểm hiện tại Công ty đã nhập và sử dụng hơn 150.000 ly giấy, 1.500 ống hút tre, 600 ống hút thủy tinh, hơn 1.000 dây cói để phục vụ hoạt động kinh doanh tại 3 cửa hàng (2 cửa hàng tại TP. Pleiku và 1 cửa hàng ở tỉnh Lâm Đồng). Mặc dù giá thành các sản phẩm thay thế đều cao gấp nhiều lần so với sản phẩm nhựa song Công ty vẫn giữ nguyên giá bán các loại thức uống đã được niêm yết; đồng thời tặng ống hút tre cho khách hàng vào các dịp lễ để khuyến khích thay đổi thói quen cũ, chuyển sang sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
“Từ thực tế, chúng tôi thấy việc sử dụng ly giấy, ống hút tre hoàn toàn phù hợp, riêng dây cói có độ bền không cao nên chúng tôi đang nghiên cứu để tiến tới sử dụng dây vải nhằm tạo độ chắc chắn cho khách mỗi khi mua thức uống mang đi. Chúng tôi cũng sẽ sử dụng màng ép ly bằng giấy để hạn chế việc xả rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường...”-anh Đoàn cho hay.
ANH HUY-NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.