Phòng tránh đột quỵ khi chơi thể thao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc tập luyện, thi đấu thể thao được coi là cách rèn luyện sức khỏe hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình tập luyện và thi đấu vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây đột quỵ dẫn đến hậu quả khôn lường mà không phải ai cũng biết cách phòng tránh. 
Những vụ tử nạn đau lòng
Tại Giải VnExpress Marathon Sparkling Quy Nhơn 2022 (tỉnh Bình Định) diễn ra ngày 12-6 vừa qua, một sự cố đáng tiếc đã xảy ra khi vận động viên (VĐV) T.C.Đ.P. (SN 1977, trú tại phường Thống Nhất, TP. Pleiku) đột quỵ trên đường chạy 21 km và tử vong sau đó 1 ngày. Do chạy cự ly dài, các VĐV phải có mặt tại đường chạy từ khoảng 3 giờ sáng để làm công tác chuẩn bị. Theo thông tin từ Ban tổ chức, thời điểm anh P. bị ngất xỉu là khoảng hơn 6 giờ sáng khi VĐV này đã hoàn thành hơn 17 km đường chạy và nằm trong tốp đạt thành tích tốt. Trên đường chạy, Ban tổ chức đã bố trí nhiều điểm sơ cứu y tế và dù đã được xử lý, đưa đi cấp cứu nhưng anh P. vẫn không qua khỏi.
Sự cố này khiến cộng đồng chạy bộ tại Gia Lai bàng hoàng và đau xót. Anh N.N.T. (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) bày tỏ: “Anh P. sức khỏe khá tốt và bền bỉ do thường xuyên chạy bộ. Anh và vợ đều là những thành viên tích cực của Hội Gia Lai Marathon. Anh đã từng chinh phục cự ly 21 km nhiều lần, thậm chí ở những nơi có thời tiết nắng nóng như thị xã Ayun Pa. Trước khi tham gia giải, anh P. cũng đã hoàn thành quãng đường 21 km từ khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết ra khu Lâm viên Biển Hồ. Không ngờ anh ra đi quá đột ngột như vậy”. 
Các VĐV cần tập luyện, ăn uống và nghỉ ngơi một cách khoa học để phòng tránh đột quỵ. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Các VĐV cần tập luyện, ăn uống và nghỉ ngơi một cách khoa học để phòng tránh đột quỵ. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Những năm qua, làng thể thao Gia Lai đã chứng kiến không ít trường hợp VĐV tử nạn trong khi thi đấu. Cụ thể, khoảng hơn 11 giờ ngày 5-10-2021, tại sân tennis ở phường Hội Phú (TP. Pleiku), ông T.T.P. (SN 1965, trú tại phường Hội Thương, TP. Pleiku) đã bị đột quỵ dẫn đến tử vong. Hay như vào khoảng 17 giờ ngày 2-6-2021, anh N.V.H. (SN 1994, trú tại phường Ia Kring, TP. Pleiku) khi đang đá bóng sân mi ni cũng bất ngờ ngã xuống bất tỉnh, mặt mày tím tái. Dù được sơ cứu và cấp cứu kịp thời nhưng anh H. đã tử vong. 
Chủ động phòng tránh
Ông Ngô Gia Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh-cho biết, tình trạng đột quỵ đều liên quan đến vấn đề tim mạch và huyết áp. Các VĐV điền kinh có thể gặp phải “sự cố” trong thi đấu do chưa tập đủ lượng vận động, tức chưa từng hoàn thành quãng đường với một tốc độ nhất định. Hoặc do trước ngày thi đấu, VĐV bị mất ngủ, lo âu, căng thẳng hoặc sử dụng các chất kích thích. 
“Chất kích thích có thể là rượu bia, cũng có thể là các loại thuốc bổ trợ mà một số VĐV phong trào hay dùng. Các loại thuốc này có thể không rõ nguồn gốc, chứa chất doping tạo sức mạnh cơ bắp hay thần kinh ảo tức thời nhưng rất hại cho sức khỏe nên bị cấm trong các cuộc tranh tài chuyên nghiệp. Vấn đề thích nghi với thời tiết cũng rất quan trọng, nhất là khi giữa địa phương này với địa phương khác có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Ngay cả các VĐV chuyên nghiệp cũng cần nhiều thời gian thích ứng trước khi thi đấu, trong khi các VĐV phong trào đa số đều không có điều kiện làm điều này. Ngoài ra, không khí sôi nổi trong cuộc thi đôi khi cũng khiến VĐV hưng phấn để thi đấu với cường độ cao hơn những gì đã tập luyện dẫn đến cơ thể không đáp ứng được cường độ nên thiếu oxy rồi ngất xỉu và đột quỵ”-ông Hùng phân tích. 
Bác sĩ Dương Thái Thuấn-Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh): “Mỗi người đều nên tự kiểm tra tình trạng tim mạch, huyết áp của mình trước khi tham gia tập luyện hay thi đấu thể thao, đặc biệt là khi xuất hiện các biểu hiện lạ trong cơ thể của mình. Khi có VĐV thi đấu bị ngất xỉu thì nhân viên y tế cần tiến hành sơ cứu kịp thời và khẩn trương đưa đến cơ sở y tế có trang-thiết bị cấp cứu đầy đủ”.  
Cũng theo ông Hùng, trường hợp anh T.C.Đ.P. có thể rơi vào trạng thái cực điểm hô hấp lần 2 trong khoa học thể thao. Ở cự ly 21 km thì cực điểm này thường xuất hiện ở km thứ 17 hoặc 18, tùy thể trạng mỗi người. Đây là mốc rất quan trọng thường khiến VĐV có biểu hiện choáng váng, xóc hông, khó thở… buộc phải giảm nhịp độ, nếu vượt qua thì sẽ trở lại trạng thái bình thường. Đối với một số VĐV chuyên nghiệp khi đã tập luyện bài bản với cường độ cao, cực điểm này có thể xuất hiện muộn hơn, thậm chí không xuất hiện.
“Để phòng tránh đột quỵ, các VĐV cần tập luyện, ăn uống một cách khoa học, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia hoặc các chất không rõ nguồn gốc, thương hiệu không uy tín. Trước ngày thi đấu, VĐV phải ngủ đủ giấc vì giấc ngủ rất quan trọng và không nên quá hưng phấn khi tranh tài mà vượt quá khả năng của mình”-Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh khuyến cáo.  
LÊ VĂN NGỌC

 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

(GLO)- Từ đầu tháng 1-2025 đến nay, ca mắc sởi nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) có chiều hướng tăng nhanh dẫn đến khoa Bệnh nhiệt đới bị quá tải. Đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực hết mình để chăm sóc và điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.