(GLO)- Bí thư Huyện ủy Mang Yang- ông Lương Ngọc Thiệp
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế của huyện tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 14,04%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 9,4 triệu đồng/người/năm (tăng 24% so với năm 2010). Giáo dục- đào tạo có nhiều tiến bộ, đảm bảo an sinh xã hội, việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo được chú trọng; công tác xóa đói giảm nghèo đạt kết quả khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,8%. Quốc phòng- an ninh được giữ vững và ổn định, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo. Hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn và có nhiều đổi mới trong hoạt động, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được nâng lên. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngày càng đi vào chiều sâu, đã tác động tích cực đến tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn và nông dân; gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tổ chức lồng ghép có hiệu quả với các chương trình mục tiêu khác. Tập trung phát triển nông-lâm nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế cao và bền vững, phát triển diện tích cao su, cà phê, tiêu, mở rộng các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và sản xuất hàng xuất khẩu. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, kết hợp với phát huy nội lực của huyện nhằm tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện, ưu tiên phát triển các vùng động lực tại thị trấn Kon Dơng và các xã Kon Thụp, Đak Ta Ley; đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trước mắt tập trung cho 2 xã Lơ Pang và Đak Trôi, đồng thời thực hiện các quy hoạch chi tiết, thúc đẩy quá trình đô thị hóa thị trấn Kon Dơng, thành lập thị trấn Kon Thụp vào cuối nhiệm kỳ và hướng đến thành lập thị trấn tại trung tâm xã Đak Ta Ley trong giai đoạn 2015-2020.
Huy động các nguồn vốn, đầu tư mở rộng tỉnh lộ 670 đi Kon Tum, tỉnh lộ 666 đi các huyện phía Nam của tỉnh; nâng cấp các tuyến đường liên xã, tuyến đường từ trung tâm xã Kon Thụp đi các xã Đê Ar, Đak Trôi, tuyến đường vào trung tâm xã Ayun; phấn đấu nhựa hóa, bê tông hóa 70% các tuyến đường nội bộ thôn, làng, tổ dân phố theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Bí thư Huyện ủy Đak Pơ- ông Hồ Văn Niên
Năm 2011, Đak Pơ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 13,3%; thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm đạt 7,99 triệu đồng (tăng 12,93% so với năm 2010). Huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn theo đúng hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh. Đến nay đã tổ chức thẩm định đề án, hoàn thành xong công tác lập quy hoạch và đồ án quy hoạch nông thôn mới cho 7/7 xã (trong đó có 2 xã làm điểm là Tân An và Phú An).
Công tác xã hội hóa giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học được duy trì; chỉ đạo tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, tăng cường cả về cơ sở vật chất và đội ngũ y-bác sĩ từ huyện đến cơ sở. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều kết quả thiết thực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể, hiện nay toàn huyện còn 24,51% hộ nghèo (theo tiêu chí mới).
Đảng bộ luôn chú trọng quan tâm kiện toàn, củng cố các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Đã tiến hành chia tách, thành lập mới một số tổ chức cơ sở đảng phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, toàn Đảng bộ có 36 tổ chức cơ sở đảng, với 1.005 đảng viên; tỷ lệ kết nạp đảng viên trong năm đạt 8,62% (vượt chỉ tiêu nghị quyết), thành lập được 5 chi bộ ở 5 thôn, làng chưa có tổ chức đảng, đến nay tất cả 73/73 thôn, làng của huyện đều có tổ chức cơ sở đảng. Đảng bộ cũng thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, chú ý công tác quy hoạch cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ban Thường vụ Huyện ủy tiến hành luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại một số chức danh, cán bộ chủ chốt thuộc Ban Thường vụ quản lý.
Thời gian tới, việc đầu tiên và cũng là bước đi có tính quyết định chính là tổ chức đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách sâu sát, cụ thể đến đảng viên, cán bộ và nhân dân trên địa bàn toàn huyện để tạo nên sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.
Cùng với việc tuyên truyền vận động, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, cấp ủy các cấp cần tập trung tổ chức xây dựng chương trình hành động và kế hoạch hoạt động thật cụ thể, có tính khả thi cao, cần có sự tính toán để có thể đảm bảo về mặt thời gian một cách khoa học, đặc biệt là có thể huy động nhiều nguồn lực cùng vào cuộc thực hiện. Từng ngành, từng địa phương phải cụ thể hóa nghị quyết thành những chủ trương, giải pháp trên từng lĩnh vực, trong từng giai đoạn để nhân dân bàn bạc, phấn đấu thực hiện và trực tiếp được hưởng lợi từ những kết quả mà các chủ trương ấy đem lại.
Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Muốn vậy, phải khơi dậy, phát huy tối đa nội lực, kết hợp với tranh thủ nguồn lực đầu tư của cấp trên, của bên ngoài và của doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tạo thế chủ động trong đầu tư phát triển.
Vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định vẫn là yếu tố con người. Do đó, trong thời gian tới huyện cần tập trung xây dựng và triển khai thực hiện đề án về tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng, điều động, luân chuyển cán bộ, gắn liền với đề ra cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút nhân tài, bồi dưỡng chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận có phẩm chất đạo đức, có tinh thần phục vụ nhân dân, tinh thông nghiệp vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Để đạt mục tiêu đó, vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số cần phải được đặc biệt quan tâm.
Nguyễn Dung (thực hiện)