Pháo Tết: Cần quan tâm ngay từ bây giờ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chưa tới Tết Nguyên đán nhưng thỉnh thoảng đã nghe tiếng pháo bất ngờ làm giật thọt. Điều này vừa giống mọi năm vừa có gì đó bất thường. Là bởi mọi năm phải gần Tết, trong Tết mới nghe nhiều tiếng pháo đì đùng, đì đoàng.
Xuất phát từ phong tục, tiếng pháo xuất hiện trong đời sống người Việt nhiều đời gắn liền với ngày hội lớn, dịp lễ trọng, tết nhất, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Có lẽ vì âm thanh tiếng pháo dù lớn dù nhỏ đều làm cho sự việc thêm ấn tượng, thành công, khung cảnh thêm rộn ràng, tinh thần con người thêm phấn chấn, vui vẻ nên người Việt ta khó mà rứt rời, buông bỏ, lãng quên.
Năm nay, thông tin Nhà nước cho phép đốt pháo thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 11-1-2021. Tại điều 17, Nghị định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Nghị định 137 quy định cụ thể 9 hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo. Trong đó có nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trao đổi pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; giao pháo hoa nổ cho tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định; hướng dẫn, huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức...

Quyết định cho đốt pháo (pháo hoa) khiến dư luận xã hội phát sinh nhiều luồng ý kiến khác nhau, người đồng tình nhưng cũng có người lo ngại, phản đối, trung dung cũng nhiều. Điều quan trọng là với những quy định, chế tài từ sau quyết định cho đốt pháo, người dân nhận thức đầy đủ hơn yêu cầu, điều kiện, loại pháo nào được sử dụng để đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người và tài sản, không gây mất an ninh trật tự xã hội.

Ảnh minh họa: Internet
Số pháo lậu vừa bị Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) thu giữ. Ảnh: Anh Huy
Tết Nguyên đán hãy còn xa nhưng như trên đã nói, một số địa phương trong tỉnh đã nghe tiếng pháo. Cách đây mấy ngày, gần nơi tôi ở đã “đùng, đùng“ tiếng pháo và dù lẻ tẻ nhưng làm không ít người giật thọt, hoảng hốt. Tuần trước, khu vực giáp ranh giữa 2 phường Hội Phú và Trà Bá (TP. Pleiku), nhiều người cảm thấy bất ngờ vì một tràng pháo dài do ai đó “châm ngòi”. Tiếng nổ liên thanh và những bông pháo nhiều màu sắc, hình dáng bung tỏa trên nền trời vừa chớm tối làm đám trẻ đang ngồi trong nhà bật dậy chạy ra xem ngó, chỉ trỏ, ra chiều khoái trá lắm.
Đặc biệt đáng ngại là những vụ vận chuyển, buôn bán pháo lậu liên tục xuất hiện ở nhiều tỉnh thành, nhất là những tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia, Lào, Trung Quốc. Tại tỉnh ta thời gian qua, ngành chức năng cũng đã phát hiện một loạt vụ vi phạm liên quan đến pháo. Như tối 8-12-2020, trên tuyến quốc lộ 14-đoạn qua thôn Ia Rok (phường Chi Lăng, TP. Pleiku), tổ công tác của Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh bắt quả tang Trần Văn Hưng (trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) và Võ Hồng Quân (trú tại thị trấn Kbang, huyện Kbang) vận chuyển 15 hộp pháo hoa với tổng trọng lượng 25 kg. Hay ngày 7-12- 2020, Thượng úy Lê Đình Cường- Đội trưởng Đội Phòng-chống ma túy (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) cùng đồng đội đã bắt giữ 3 đối tượng: Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Văn Tuấn và Trần Quang Vũ (cùng trú ở huyện Đức Cơ) đang tiến hành giao dịch 90 hộp pháo có trọng lượng 150 kg trên khu vực biên giới, v.v…
Vậy nên ngay từ bây giờ, chính quyền, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân hiểu và thực hiện đầy đủ nội dung Nghị định 137 nêu trên. Bên cạnh đó là bám nắm địa bàn, cần thiết gọi hỏi, răn đe, yêu cầu cam kết không vi phạm đối với những đối tượng vốn hay vi phạm và nhiều khả năng vi phạm trong việc đốt pháo nổ; kêu gọi, vận động nhân dân cung cấp thông tin, tố giác các hành vi vi phạm. Ngành chức năng cũng cần sớm triển các khai phương án chốt chặn, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm liên quan đến pháo…
Cho đến Tết này khi được phép-dẫu trong khuôn khổ quy định-đã hơn 20 năm pháo nổ bị cấm sử dụng. Lần xuất hiện trở lại, pháo được kỳ vọng đem lại nhiều niềm vui, sự hứng khởi, cái được hơn là nỗi lo. Trước đây, vì sợ mất an ninh, an toàn, pháo đã bị cấm. Vì vậy, để có một cái Tết vui vẻ nhưng an toàn, việc quản lý sử dụng pháo cần được tăng cường. Cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền để tất cả người dân được nâng cao nhận thức và hiểu biết, tránh tình trạng “mù” thông tin, mập mờ, sử dụng pháo bất chấp. Ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là các vụ buôn lậu để tránh tình trạng pháo tuồn vào nội địa, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân và tài sản.
Năm đầu tiên pháo được sử dụng trở lại. Một thay đổi đang được các cấp, các ngành, địa phương, người dân ủng hộ với những điều kiện, ràng buộc nhất định. Vì một cái Tết thanh bình, đầm ấm, vui vẻ trong đó có niềm vui tiếng pháo, mỗi người, mỗi gia đình cần trang bị cho mình đầy đủ hiểu biết trước khi sử dụng pháo và ứng xử với Tết sao cho văn hóa, văn minh; quan trọng nhất là không được lạm dụng hay bất chấp sử dụng pháo để dẫn đến vi phạm. Không vi phạm quy định của Nhà nước, ngay từ bây giờ !
Theo các chuyên gia, người dân cần phân biệt giữa pháo hoa nổ và pháo hoa. Pháo hoa nổ là loại pháo nổ khác với pháo hoa (không gây ra tiếng nổ). Và người dân chỉ được phép dùng pháo hoa không gây ra tiếng nổ trong một số dịp đặc biệt mà Nghị định 37 cho phép, như vào dịp Tết.
THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm