(GLO)- “85% học sinh trường nghề tốt nghiệp là có việc làm. Ngay trong bối cảnh dịch bệnh, sản xuất nhiều nơi bị đình trệ nhưng ở một số ngành nghề, học sinh ra trường không đủ cung ứng cho doanh nghiệp”-TS. Trương Anh Dũng-Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết.
Lợi ích từ học nghề
Đang theo học chương trình 9+ tại Trường Cao đẳng nghề (CĐN) Gia Lai, em Nguyễn Võ Công Hoàng (tổ 6, phường Ia Kring, TP. Pleiku) vui vẻ cho hay: “Được thầy-cô giáo tư vấn hướng nghiệp từ sớm nên trong khi bạn bè cùng lứa theo học THPT thì em chọn học nghề. Công nghệ ô tô là ngành em rất yêu thích và em vẫn học văn hóa (9+) tại trường. Sau 3 năm, khi bạn bè thi tốt nghiệp THPT thì em cũng tham gia thi, cùng lúc đã có bằng trung cấp nghề. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đến trường tuyển dụng nên em rất yên tâm về lựa chọn của mình”. Hoàng chia sẻ, vì chọn “rẽ trái” để học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS nên em được miễn học phí và có thể đi làm sớm. Nhờ vậy, em sẽ tiết kiệm được thời gian, còn gia đình cũng đỡ được khoản chi phí đào tạo.
Em Rơ Châm Lanh (trú tại huyện Chư Prông) đang làm việc tại Công ty cổ phần May Gia Lai cho biết: “Sau khi học xong THCS, em được thầy cô tư vấn học nghề may. Em đã đi làm được 2 năm, mức thu nhập đạt 6-7 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, em có tiền gửi về phụ giúp gia đình và tự mua xe máy để đi lại”. Còn anh Trần Hùng Nở (thôn Châu Khê, xã Đak Yă, huyện Mang Yang) cũng cho rằng, bản thân mình đã có một quyết định khá “táo bạo” so với nhiều phụ huynh khác khi định hướng cho con học nghề. “Sau khi con gái theo học Đại học Sư phạm được 1 năm, tôi nhận thấy con học xa nhà khá tốn kém mà cơ hội việc làm lại ít. Do vậy, khi nghe tư vấn từ cán bộ tuyển sinh của Trường CĐN Gia Lai và đọc thêm thông tin về phân luồng, tôi đã đưa cháu về học nghề kế toán tại trường”-anh Nở chia sẻ.
Đào tạo nghề may tại Trường CĐN Gia Lai. Ảnh: T.N.Đ |
Trường CĐN Gia Lai đào tạo các trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng cho 16 ngành nghề và liên kết đào tạo đại học, sau đại học với một số cơ sở khác. Ngoài đào tạo tại chỗ, nhà trường còn liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên các huyện Mang Yang, Đức Cơ, Chư Prông mở lớp dạy nghề nhằm tạo thuận lợi cho học viên. Theo ông Lưu Quốc Bảo Trung-Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang, thời gian qua, Trung tâm đã liên kết với Trường CĐN Gia Lai đào tạo 3 lớp cho 2 nghề gồm Bảo vệ thực vật và Xây dựng. Hiện học viên 2 lớp đã tốt nghiệp, một số em có việc làm ổn định tại doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. “Việc liên kết đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho học viên, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí cho người dân trên địa bàn huyện. Dự kiến tháng 9 năm nay, Trung tâm sẽ liên kết để mở thêm 2-3 lớp nữa”-ông Trung nói.
Ông Lê Văn Nghĩa-Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đức Cơ-cho hay: “Vừa học nghề, vừa học văn hóa tại Trung tâm, có thể nói các em được lợi ích kép. Ngoài việc có bằng chuyên môn để đi làm ngay thì tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của học sinh theo học tại Trung tâm bình quân đạt 85% qua các năm”.
Đáp ứng nhu cầu thị trường lao động
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Thế Trinh-Phó Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Sản xuất, Chế biến và Phân phối Nông nghiệp THADI (Tập đoàn Trường Hải) thông tin: “Công ty hiện có 40.000 ha trồng cây ăn quả, chăn nuôi tại Campuchia, Gia Lai và Bình Định. Với diện tích này, chúng tôi rất cần lao động có tay nghề đã qua đào tạo, đặc biệt ở khối nghề nông nghiệp và cơ khí. Chính vì vậy, Công ty bắt tay vào hợp tác với Trường CĐN trong công tác tuyển dụng”.
Ngày 26-6, tại Trường CĐN Gia Lai diễn ra hội nghị triển khai đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với sự tham gia của 400 đại biểu trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Theo đề án, đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%. Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. |
Hiện nay, đối tác của Trường CĐN Gia Lai còn có các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Lilama, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần May Gia Lai, Công ty May Sinh Phát Bình Định, Công ty FPT... Ông Phạm Anh Tiến-Trưởng phòng Vật tư thiết bị và Tiếp xúc doanh nghiệp (Trường CĐN Gia Lai) khẳng định: “Đối với những sinh viên tốt nghiệp ngành cơ khí, xây dựng, nông nghiệp, công nghệ thông tin thì tỷ lệ có việc làm ngay sau khi ra trường đạt 100%, còn tỷ lệ chung cho toàn trường đạt 88%”.
Có thể thấy, học nghề mang đến rất nhiều cơ hội cho học sinh. Vì vậy, nếu việc phân luồng hướng nghiệp được tổ chức hiệu quả sẽ góp phần rất lớn trong phát triển nguồn lao động có tay nghề theo định hướng của thị trường lao động. Đặc biệt, việc định hướng phân luồng ngay từ những năm cuối của bậc học THCS sẽ giúp các em lựa chọn được nghề nghiệp theo khả năng của bản thân; với học sinh người dân tộc thiểu số sẽ giúp tránh việc bỏ học giữa chừng, kết hôn sớm. Trao đổi thêm về vấn đề này, ThS. Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường CĐN Gia Lai-cho biết: “Những năm gần đây, việc phân luồng hướng nghiệp đã được đẩy mạnh nên nhiều người lựa chọn cho con em mình theo học nghề từ sớm. Tỷ lệ tuyển sinh của nhà trường trong 3 năm gần đây đều vượt chỉ tiêu; nhiều doanh nghiệp tìm đến trường để “đặt hàng” đào tạo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng hỗ trợ nhà trường rất nhiều trong việc đầu tư cập nhật thiết bị, công nghệ mới, hỗ trợ học phí, học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”.
TẠ NGỌC ĐIỆP